Thứ 6, 22/11/2024 20:46 [(GMT +7)]
Mô hình trường học mới giúp học sinh tiểu học tự giác, sáng tạo
Thứ 6, 16/11/2012 | 09:47:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Quỹ hỗ trợ phát triển giáo dục toàn cầu (GPE) triển khai Dự án mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN). Dự án này thực hiện trong 3 năm, từ tháng 6 năm 2012 đến tháng 6 năm 2015. VNEN là phương thức sư phạm chuyển đổi từ phương pháp dạy học truyền thống sang phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm. Với mô hình này, việc dạy học không phải là quá trình giáo viên truyền thụ kiến thức có sẵn mà là quá trình tổ chức cho học sinh hoạt động để khám phá và chiếm lĩnh kiến thức, kỹ năng mới, giúp học sinh phương pháp học tập và tư duy, phát triển tính chủ động sáng tạo, tự tin, năng lực tự học, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực hợp tác nhóm, năng lực thực hành vận dụng…
Tổ chức giờ học theo mô hình VNEN – Ảnh: Sở GD-ĐT
Theo mô hình này, các môn học gồm: Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên- Xã hội. Các môn học khác chuyển thành hoạt động giáo dục đạo đức, âm nhạc, mỹ thuật, thể chất và kỹ năng sống. Tài liệu hướng dẫn học tập được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên chương trình nội dung sách giáo khoa hiện hành cũng như chuẩn kiến thức, kỹ năng nhưng có thêm điểm mới là được biên soạn lại, sắp xếp “3 trong 1” gồm: sách giáo khoa, sách giáo viên và sách hướng dẫn học sinh tự học. Nội dung tài liệu được thiết kế có 3 hoạt động: hoạt động cơ bản (học sinh tự trải nghiệm, khám phá để hình thành kiến thức mới), hoạt động thực hành (áp dụng kiến thức đã học vào bài tập) và hoạt động ứng dụng (học sinh hiểu và vận dụng kiến thức vào cuộc sống).
Lớp học của mô hình trường học mới được chia thành các nhóm học tập, các em ngồi quay mặt vào nhau và cùng tự học. Mỗi nhóm bàn học sẽ có 2 thẻ với màu sắc, hình họa phù hợp với nội dung thông tin (thẻ hình ông mặt trời đang cười: thông báo các em đã hoàn thành nhiệm vụ được giao và hiểu bài; thẻ hình ông mặt trời đang mếu: báo hiệu các em chưa biết cách làm, chưa hiểu bài để thầy cô đến giúp đỡ). Lớp học được trang trí, sắp xếp sinh động và tiện lợi: có thư viện lớp học, đủ tài liệu các môn để học sinh tham khảo; 10 bước học tập để các em thực hiện; góc đồ dùng học tập; góc cộng đồng; góc trưng bày sản phẩm… tạo nên một môi trường học tập gần gũi và hiệu quả.
Lạng Sơn được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn triển khai thực hiện mô hình VNEN từ năm học 2012-2013. Sở Giáo dục và Đào tạo đã lựa chọn 81 trường (gồm 256 điểm trường chính và điểm trường lẻ) với 14.974 học sinh, thuộc 1.023 lớp và 1.551 giáo viên của 11 huyện, thành phố tham gia dự án. Ngay từ đầu năm học, Sở đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên; chỉ đạo các trường tăng cường Tiếng Việt cho học sinh trong 3 tuần, đảm bảo học sinh lên lớp 2, 3 phải đạt chuẩn năng lực tiếng Việt. Yêu cầu giáo viên tiếp tục tự học, tự bồi dưỡng, tự làm đồ dùng dạy học, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm đồng nghiệp; tích cực tham gia hội thảo cấp huyện, thành phố. Các nội dung dạy học được bổ sung để gần gũi và có ý nghĩa với cuộc sống của học sinh; được lồng ghép, tích hợp vào các hoạt động về thể chất, nghệ thuật và phát triển các phẩm chất, nhân cách của học sinh; đảm bảo thực hiện đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.
Cho đến thời điểm này, việc áp dụng phương pháp dạy học mới ở Lạng Sơn đã bắt đầu đi vào nề nếp: giáo viên và học sinh đã quen với phương pháp học tập theo 3 hoạt động; học sinh được luân phiên điều hành nhóm để tự học, các em phát triển khá đồng đều vì có sự tương tác với nhau khi học, phát huy được vai trò cũng như khả năng của mỗi học sinh, đồng thời rất trung thực, tự trọng trong đánh giá học tập, mạnh dạn hơn, tự tin hơn trong giao tiếp. Các em học sinh đã biết tiếp cận với góc học, thư viện của lớp để tìm kiếm tài liệu; biết tự học; tìm sự hỗ trợ từ bạn bè, thầy cô và người thân.
Có thể nói 81 trường được lựa chọn thực hiện mô hình này là những trường tích cực tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa phụ huynh, cộng đồng tham gia cùng nhà trường trong hoạt động giáo dục học sinh. Đồng thời với tinh thần tự nguyện và chủ động, tích cực thực hiện đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục của các nhà trường, việc thực hiện tốt mô hình này sẽ là một giải pháp góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu cho xã hội. Với sự chỉ đạo sát sao của các cấp ngành học, sự nỗ lực của các trường đang thực hiện mô hình trường học mới, đặc biệt là sự đồng hành của phụ huynh với con em mình và sự quan tâm của toàn xã hội, mô hình VNEN được thực hiện tại tỉnh Lạng Sơn sẽ có những bước phát triển hiệu quả và bền vững, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()