Thứ 6, 27/12/2024 16:04 [(GMT +7)]
Mô hình "Trường học mới" giúp học sinh tích cực trong học tập
Thứ 7, 14/04/2012 | 15:16:00 [(GMT +7)] A A
Phụ huynh hướng dẫn các em học sinh kỹ năng cấy lúa nước. |
Trong thời gian vừa qua, Trường tiểu học thị trấn Bát Xát (Lào Cai) đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ trong học tập và giảng dạy. Một trong những nguyên nhân có được kết quả nói trên là nhà trường đã thực hiện mô hình “Trường học mới”, giúp học sinh tích cực, chủ động trong học tập.
Qua hai năm triển khai mô hình Trường tiểu học Lào Cai mới (2009-2011), chất lượng giáo dục toàn diện học sinh Trường tiểu học thị trấn Bát Xát, Lào Cai được nâng cao, chất lượng học sinh giỏi tăng lên rõ rệt. Tỷ lệ học sinh chuyển cấp đạt 100%, chuyển lớp đạt 99,7% trở lên, trong đó học sinh khá, giỏi chiếm 73%. Hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Bát Xát Trần Thị Thùy Dung chia sẻ: Bám sát vào tư tưởng chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai, từ những kinh nghiệm của bản thân và sau những chuyến tham quan học hỏi kinh nghiệm tại Thái-lan, nhà trường đã áp dụng mô hình Trường tiểu học Lào Cao mới vào trong trường học. Để mô hình đạt hiệu quả cao, trường đã yêu cầu giáo viên thay đổi tư duy về dạy học trên cơ sở bảo đảm chuẩn kiến thức và kỹ năng của chương trình. Giáo viên thiết kế bài dạy, tổ chức dạy học phù hợp nhận thức và nhu cầu của từng đối tượng học sinh ở từng khối lớp. Trường cũng yêu cầu giáo viên chú trọng phát huy sáng tạo trong dạy học, vận dụng các hình thức dạy học linh hoạt trong các tiết học, áp dụng các mô hình mới như dạy học theo góc, theo dự án để kích thích học sinh tích cực học tập thông qua các hoạt động và tăng cường sự tham gia, nâng cao hứng thú ở học sinh. Ngoài ra, để các em học sinh phát huy được tính sáng tạo, giáo viên chủ nhiệm luôn đề cao vai trò của thủ lĩnh lớp học trong việc tổ chức các hoạt động học tập, tạo cơ hội để nhiều học sinh trong lớp được thể hiện vai trò của mình.
Đồng chí Trần Thị Thùy Dung cho biết thêm: Nhà trường không chỉ áp dụng mô hình Trường tiểu học Lào Cai mới mà đến năm học 2011-2012, nhà trường đã áp dụng mô hình “Trường học mới” và sử dụng cuốn tài liệu hướng dẫn học tập các môn Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên xã hội theo nội dung chương trình trường học mới cho học sinh lớp hai, trên cơ sở giữ nguyên chương trình, nội dung sách giáo khoa hiện hành, chỉ thay đổi cách tổ chức lớp học và chuyển đổi hình thức giảng dạy, truyền thụ từ phía giáo viên sang việc để cho học sinh tự học là chính. Điểm nổi bật của mô hình “Trường học mới” này là có thể tạo cho học sinh những thay đổi tích cực; những phương pháp giảng dạy mới sẽ giúp học sinh tự trải nghiệm, khám phá để hình thành kiến thức mới; áp dụng kiến thức đã học vào bài tập và biết vận dụng kiến thức vào cuộc sống; học sinh chủ động hơn, tự tin hơn. Ngoài ra, phương pháp giảng dạy mới cũng yêu cầu có sự tham gia tích cực của cộng đồng, đề cao vai trò của gia đình, cộng đồng trong việc phối hợp giảng dạy cho học sinh. Một trong những nguyên tắc cơ bản của mô hình “Trường học mới” là lấy học sinh làm trung tâm cho nên toàn bộ không gian lớp học đều trở thành nơi các em học sinh học tập. Ngoài ra, các em có thể học tập từ phía gia đình và cộng đồng những vấn đề về văn hóa địa phương để làm phong phú thêm kiến thức của mình.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, giáo viên Phạm Thị Thanh cho biết: Ban đầu áp dụng mô hình “Trường học mới”, giáo viên còn gặp rất nhiều khó khăn vì các em học sinh còn rất bỡ ngỡ với cách học mới. Vả lại, cơ sở vật chất chưa thật sự đáp ứng với cách học mới, cho nên khi hoạt động nhóm còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ có mô hình này mà học sinh có ý thức học tập và tự quản cao, các em không còn ỷ lại giáo viên mà phát huy hết khả năng của mình. Điều đáng nói, không gian lớp học được mở rộng, vượt ra ngoài xã hội, đó là những tiết học học sinh thu lượm kiến thức từ thực tế, trên cánh đồng, ngoài công viên, tại làng bản… Nhờ có những tiết học này mà các em đã có nhiều cơ hội trải nghiệm và tự tin hơn trong giao tiếp với mọi người chung quanh. Mỗi ngày đến trường, các em không chỉ được tiếp thu kiến thức mà còn được học về kỹ năng sống, những tiết học gần gũi, gắn bó chặt chẽ với cuộc sống thường nhật giúp các em biết tự khẳng định mình và có ý thức đoàn kết cao.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()