Mô hình "trường học mới" giúp học sinh phát triển tư duy, năng lực
Giờ học tiếng Việt của lớp 3A2, Trường tiểu học Trà An, quận Bình Thủy (Cần Thơ), một trong những trường được chọn triển khai mô hình trường học mới do Bộ GD và ÐT chỉ đạo, học sinh được chia thành các nhóm nhỏ với sự tự quản của hội đồng tự quản lớp và các tổ trưởng nhóm để thảo luận các vấn đề trong bài học dưới sự hướng dẫn, giám sát của giáo viên. Các nhóm tranh luận sôi nổi, nếu chưa thống nhất, học sinh xin ý kiến giáo viên giải đáp. Ðiều đáng nói, học sinh đều tự tin khi giao tiếp, trả lời các vấn đề.
Theo cô giáo Hoàng Thị Thùy Anh, chủ nhiệm lớp 3A2, khi áp dụng mô hình mới, với phương pháp dạy học hoàn toàn khác các giáo viên khá lúng túng. Từ chỗ học sinh chủ yếu nghe giáo viên giảng bài chuyển sang để học sinh “tự lập”, nếu quản lý không khéo, lớp như… “cái chợ”. Mặt khác, nếu theo cách truyền thống, việc soạn giáo án của giáo viên được chuẩn bị kỹ lưỡng, các bước lên lớp sẽ khá “nhàn” trong giờ giảng bài. Tuy nhiên, trong phương pháp mới hoàn toàn cởi mở, không bị gò bó bởi các bước lên lớp cứng nhắc, nhưng lại dễ phát sinh những tình huống ngay trong giờ dạy đòi hỏi giáo viên phải nghiên cứu kỹ bài. Việc lấy học sinh làm trung tâm tiết dạy giờ học trở nên nhẹ nhàng, học sinh mạnh dạn, tự tin, nhất là các em luôn được kích thích “cạnh tranh” trong việc phát biểu ý kiến.
Ðến Trường tiểu học Nhơn Nghĩa 1 (huyện Phong Ðiền, Cần Thơ), dù không phải là trường được hỗ trợ triển khai mô hình VNEN nhưng vẫn áp dụng mô hình trường học mới. Theo cô giáo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, khi mới triển khai, nhiều người e ngại, nhất là phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, sau khi để phụ huynh cùng dự tiết học với con em mình, phần lớn đều đồng tình với phương pháp dạy mới. Học sinh của trường tiếp thu kiến thức không máy móc mà biết ứng dụng, tự tin trong giao tiếp, trao đổi.
Từ năm học 2012 – 2013, mô hình trường học mới được Bộ GD và ÐT hỗ trợ triển khai tại 1.447 trường tiểu học ở 63 tỉnh, thành phố, với mục tiêu không tập trung thay đổi nội dung chương trình, mà đổi mới các hoạt động sư phạm một cách hệ thống và đồng bộ. Ðó là, đổi mới cách dạy, cách học, cách đánh giá, đổi mới nhà trường, cách thức tổ chức lớp học, sự tham gia của phụ huynh học sinh và cộng đồng… Mô hình hiện thực hóa phương châm “lấy học sinh làm trung tâm” trong hoạt động dạy học. Học sinh chủ động học tập và thường xuyên rèn luyện phương pháp tự học, tự quản và được rèn luyện kỹ năng sống trong tập thể, kỹ năng giao tiếp, nhất là kỹ năng hợp tác, chia sẻ. Việc học còn hình thành đạo đức, nhân cách cho các em thông qua các hoạt động trải nghiệm trong lớp học và ngoài xã hội… Bài học của các em không chỉ có phần lĩnh hội kiến thức mới, mà còn có phần để các em thực hành kiến thức và ứng dụng…
SAU khi Bộ GD và ÐT triển khai dự án mô hình trường học mới, hàng loạt trường tiểu học đã tự tìm hiểu, học tập và triển khai. Năm học 2014 – 2015, cả nước có 1.200 trường tiểu học tự nhân rộng, triển khai mô hình trường học mới VNEN thông qua việc tham quan, học tập các trường triển khai điểm theo chương trình của Bộ GD và ÐT. Tại Kiên Giang, từ chỗ chỉ có 45 trường tiểu học được hỗ trợ triển khai mô hình trường mới, đến năm học 2014-2015 có 134 trường tiểu học với quy mô 19 nghìn học sinh đăng ký tự triển khai dạy và học theo mô hình VNEN. Tại TP Cần Thơ, từ một trường điểm xây dựng mô hình VNEN được hỗ trợ của dự án từ Bộ GD và ÐT, đến nay đã có 31 trường với hơn bảy nghìn học sinh triển khai cách dạy, học và tổ chức lớp học theo mô hình VNEN.
Theo Thứ trưởng GD và ÐT Nguyễn Vinh Hiển, việc đổi mới cách dạy và học khá khó khăn vì đòi hỏi phải thay đổi tư duy và cách làm giáo dục. Ngoài ra, với điều kiện một số địa phương, trường lớp còn hạn hẹp, số lớp tổ chức học hai buổi/ngày còn ít hay sĩ số học sinh trong một lớp còn cao, sẽ khó khăn trong tổ chức học sinh học tập theo nhóm. Tâm lý “trăm sự nhờ thầy” còn phổ biến trong phụ huynh, học sinh cho nên sự hỗ trợ nhà trường chỉ dừng ở việc đóng góp hỗ trợ về kinh phí, chứ chưa có thói quen “làm bạn cùng con” trong việc học, nhất là việc hỗ trợ các con giải quyết các bài tập ứng dụng… Phó Giám đốc Sở GD và ÐT Cần Thơ Võ Minh Lợi cho biết, học tập theo mô hình VNEN giúp học sinh phát huy được tính tự học, sáng tạo, tự giác, tự quản, biết chia sẻ và rèn luyện kỹ năng giao tiếp. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình VNEN cũng gặp phải những khó khăn. Nhất là, giáo viên còn lúng túng, trong khi tài liệu áp dụng cách dạy học mới có những điểm chưa phù hợp thực tế một số vùng, miền.
Ðể đáp ứng yêu cầu đổi mới, thời gian tới Bộ GD và ÐT sẽ tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên; tăng quyền chủ động cho nhà trường, cho giáo viên, khuyến khích các nhà trường có nhiều sáng kiến cải tiến sinh hoạt chuyên môn theo tổ nhóm, chủ động điều chỉnh nội dung dạy học.
Ý kiến ()