Mô hình trồng trọt phủ ni lông ở Văn Quan: Ứng dụng khoa học cần nhân rộng
LSO-So với các huyện trong toàn tỉnh, Văn Quan là huyện có mô hình trồng cây ngắn ngày phủ ni lông khá sớm. Đáng quan tâm là khi thấy mô hình có hiệu quả, người dân đã tự học hỏi lẫn nhau để cùng làm. Và như vậy ứng dụng khoa học kỹ thuật được nhân rộng rất nhanh.
LSO-So với các huyện trong toàn tỉnh, Văn Quan là huyện có mô hình trồng cây ngắn ngày phủ ni lông khá sớm. Đáng quan tâm là khi thấy mô hình có hiệu quả, người dân đã tự học hỏi lẫn nhau để cùng làm. Và như vậy ứng dụng khoa học kỹ thuật được nhân rộng rất nhanh.
Nông dân xã Tú Xuyên, huyện Văn Quan chăm sóc ớt phủ ni lông |
Nhớ cách đây vài năm, khi đi qua cánh đồng xã Tú Xuyên, huyện Văn Quan, nhiều người dân tò mò không hiểu ruộng gì mà lại phủ toàn ni lông, nhìn xa cứ như người ta phơi vải. Tôi được một anh cán bộ kể, có người còn điện vào phòng chuyên môn của huyện: “Cho bá hỏi có phải các chú thí nghiệm đất để đóng gạch không”? Bởi với người nông dân thấy cái gì lạ thì cứ theo cách nghĩ của họ mà liên tưởng. Ni lông để chống mưa, thấy căng đầy ruộng như thế không để đóng gạch thì làm cái gì? Thế rồi đến mùa vẫn những khoảng ruộng ấy là đầy ắp dưa hấu, ớt ngọt. Mà dưa hấu quả nào ra quả ấy không bị rám, đều quả, năng suất có khi đạt hàng 30 tấn/1 ha. Lúc bấy giờ người dân mới vỡ lẽ; thì ra đấy là mô hình trồng trọt phủ ni lông. Một mô hình khoa học không có gì lạ ở nhiều nơi nhưng với nhân dân miền núi thì nó còn quá mới.
Theo anh La Văn Tiền, nông dân xã Tú Xuyên, mô hình này bắt đầu từ hướng dẫn của phòng nông nghiệp. Cách đây độ chục năm, tổ chức VECO làm mô hình trình diễn ở xã Xuân Mai, đến năm 2011, Xuân Mai tiếp tục được thử nghiệm mô hình lạc phủ ni lông. Theo giới thiệu của các cán bộ khoa học, trồng phủ ni lông hạn chế được sâu hại, giữ độ ẩm đều, không có cơ hội cho cỏ mọc. Người nông dân giảm hẳn khâu tưới. Và hơn thế là sản phẩm có mã đẹp, tiêu thụ tốt hơn.
Nhận thấy phủ ni lông là mô hình hiệu quả, rất nhiều hộ dân ở Văn Quan, đặc biệt là xã Tú Xuyên đã áp dụng thành công. Khi mới áp dụng có độ chục hộ dân ở thôn Khòn Coọng đưa vào trồng, tổng diện tích đạt trên 2 ha. Theo anh La Văn Úy, thôn Khòn Coọng, kết quả thu hoạch khá bất ngờ vì năng suất dưa tăng vọt. Ngay vụ sau diện tích dưa phủ ni lông đã tăng lên 10 ha. Nhận thấy dùng ni lông phủ chất lượng sản phẩm tăng, không mất thời gian làm cỏ, giảm sức tưới, người dân bắt đầu áp dụng lan ra các mô hình khác như trồng lạc, ớt và đã có hộ trồng su hào, cải bắp phủ ni lông. Diện tích qua mỗi vụ bắt đầu tăng lên. Khi mới áp dụng mô hình chỉ có một vài xã trồng nhưng hiện nay đã có hàng chục xã có mô hình như ở Tú Xuyên, Hòa Bình, Xuân Mai, Khánh Khê… với diện tích ứng dụng khoa học công nghệ lên tới trên 30 ha.
Trao đổi với chúng tôi, anh Hoàng Bách Nhi, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Văn Quan cho biết, nông dân Văn Quan áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất khá nhanh. Khi có mô hình khoa học sẽ rất dễ nhân rộng, thực tế đã có nhiều mô hình như nuôi cá nước lạnh, lạc phủ ni lông, khoai tây chất lượng cao, cà chua…Thời gian tới, trạm sẽ tích cực thực hiện các mô hình trình diễn để người dân thực sự làm giàu ngay trên mảnh đất quê mình.
Theo các hộ dân ứng dụng công nghệ phủ ni lông, chi phí mỗi cuộn ni lông 400 ngàn đồng. Ni lông nếu tiết kiệm có thể dùng được hai vụ. So với công làm cỏ, tưới, sức lao động giảm đi một nửa. Đổi lại sản phẩm thu được đều, đẹp mã tạo thuận lợi trong khâu tiêu thụ, trong khi chi phí bỏ ra không đáng kể. Và đấy cũng chính là sức hấp dẫn của ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
NGUYỄN ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()