Mô hình trồng nếp cái hoa vàng cho năng suất cao
Nhờ áp dụng khoa học kĩ thuật mới trong cách gieo trồng, bón phân, điều tiết nước,… xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai, Hà Nội) đã áp dụng thành công mô hình trồng nếp cái hoa vàng cho năng suất cao.
Vốn là giống nếp từ thời cha ông để lại, từ năm 2012, xã Tam Hưng đã áp dụng trồng nếp cái hoa vàng trên diện tích 50ha. Đây là chương trình thực hiện theo hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI, gồm: cải tiến một số khâu trong canh tác, thâm canh, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng thóc gạo và hiệu quả kinh tế nhằm xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch và phát triển bền vững.
Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hưng Ngô Thị Nga cho biết: Năm 2012, xã đã tổ chức cho các cán bộ nông nghiệp cùng một số bà con nông dân đi tham quan mô hình trồng nếp cái hoa vàng ở Thụy Lâm (Đông Anh) trong vụ đông – xuân. Đến vụ thu – đông, xã đưa giống nếp cái hoa vàng vào triển khai trên diện tích 50ha/730ha diện tích cấy lúa của xã, cho năng suất đạt 1,7 – 1,8 tạ/sào, cao hơn so với các giống lúa trước đây.
|
Mô hình trồng nếp cái hoa vàng tại xã Tam Hưng (Thanh Oai, Hà Nội) |
Năm 2013, Hợp tác xã nông nghiệp Tam Hưng phối hợp cùng Trạm Bảo vệ thực vật, Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông của huyện Thanh Oai mở 3 lớp huấn luyện cho các hộ nông dân về cách trồng lúa nếp cái hoa vàng và tổ chức mô hình thâm canh trên diện tích 100ha cấy lúa nếp cái hoa vàng tại thôn Song Khê.
Được sự hướng dẫn của các cán bộ nông nghiệp huyện, bà con nông dân thôn Song Khê hưởng ứng nhiệt tình, áp dụng những kĩ thuật mới trong gieo trồng như: gieo mạ thưa 10kg/ sào để cấy cho 2,5 – 3 mẫu lúa, tiến hành cấy mạ non dưới 4 lá, nhổ mạ không đập, cấy nông tay, mật độ cấy 16 khóm/1m2 (1 dảnh/khóm), làm rãnh thoát nước quanh ruộng và chia luống rộng 2m, rãnh rộng 25cm nhằm điều tiết nước thuận lợi; thực hiện giữ đủ nước 2-3cm từ khi cấy đến sau bón thúc lần 1 từ 3-4 ngày; tiếp tục giữ đủ nước 3-5cm từ khi lúa đứng cái đến chín sáp, sau đó rút kiệt nước đến cuối vụ.
Nhờ vậy, vụ mùa 2013, năng suất lúa nếp cái hoa vàng trên địa bàn thôn Song Khê đã đạt 1,8 – 2 tạ/sào, mỗi sào cho lãi từ 2 – 2,7 triệu đồng.
Gia đình chị Lê Thị Thúy (thôn Song khê) cho biết, năm 2013 gia đình chị cấy 1,5 sào nếp cái hoa vàng cho năng suất 165kg/sào, mỗi sào chị được thu lãi 2 triệu đồng. So với giống lúa bắc thơm trước đây, giống nếp cái hoa vàng cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Năm 2014, với chương trình dồn điển đổi thửa, gia đình chị sẽ tiếp tục trồng nếp cái hoa vàng trên diện tích 1 sào.
|
Năm 2014, xã Tam Hưng sẽ triển khai trồng nếp cái hoa vàng |
Hiện tại, nếp cái hoa vàng tại thôn được Hợp tác xã Tam Hưng cũng như nhiều tiểu thương ở trung tâm Hà Nội đến để thu mua với giá 20 nghìn đồng/1kg thóc, 30 nghìn đồng/1kg gạo. Với giống nếp thơm, rượu được nấu từ nếp cái hoa vàng được bán với giá 80 nghìn/lít rượu. Bên cạnh đó, bà con cũng có thể tận dụng bán rơm lúa nếp với giá hơn 1 triệu đồng/sào. Ngoài ra, bà con cũng có thể tận dụng rơm để làm chổi với giá 15 nghìn đồng/cái.
Ông Kiều Văn Quy – Chủ nhiệm Hợp tác xã Tam Hưng cho biết: Nếp cái hoa vàng là giống lúa nếp cho năng suất cao. Vụ mùa 2013 thời tiết không được thuận lợi, mưa bão nhiều gây ngập úng trên diện rộng, điều tiết nước khó khăn. Tình hình sâu bệnh trong vụ phát triển như sâu cuốn lá, bệnh khô vằn, bệnh đốm sọc lá vi khuẩn gây hại nặng nhưng nhìn chung lúa vẫn cho năng suất gần 2 tạ/sào. Trong thời gian tới, Hợp tác xã sẽ phối hợp cùng với bà con kiểm tra, theo dõi chặt chẽ hơn nữa quá trình sinh trưởng của lúa nhằm đưa năng suất đạt điểm cao hơn.
Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hưng Ngô Thị Nga cho biết, mô hình trồng thí điểm nếp cái hoa vàng là một trong những chương trình của xã tiến hành nhằm nâng cao thu nhập của bà con nông dân. Thông qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu kế hoạch nông thôn mới. Qua thời gian, áp dụng có hiệu quả, lúa cho năng suất cao, năm 2014, xã sẽ tiếp tục triển khai trồng nếp cái hoa vàng trên địa bàn 7 thôn của toàn xã.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()