Mô hình trồng nấm hương: Tạo sinh kế mới cho người dân
Nông dân xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình thu hoạch nấm hương thương phẩm
– Không mất nhiều thời gian chăm sóc, kỹ thuật đơn giản, giá thành và đầu ra sản phẩm ổn định nên nấm hương được xác định là nông sản tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng cao biên giới của tỉnh.
Nấm hương là đặc sản nổi tiếng của vùng núi Mẫu Sơn, tuy nhiên, nấm hương tự nhiên có sản lượng thấp, không đủ cung cấp ra thị trường. Hướng đến mục tiêu tạo sinh kế cho người dân tộc Dao ở các xã: Công Sơn, Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình và xây dựng sản phẩm chủ lực gắn với sinh thái vùng đất Mẫu Sơn, nhóm nghiên cứu do anh Bế Văn Đức, nguyên cán bộ Trung tâm Ứng dụng phát triển khoa học công nghệ và Đo lường chất lượng sản phẩm (UDPTKHCN&ĐLCLSP) trú tại phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn làm chủ nhiệm triển khai nhiệm vụ “Nhân rộng mô hình trồng nấm tại một số xã khó khăn và xã biên giới”. Nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, được triển khai từ tháng 6/2020 đến tháng 6/2021.
Trong quá trình thực hiện mô hình, để đáp ứng nhu cầu về nguồn giống, sinh trưởng, phát triển tốt, sạch bệnh, trung tâm đã tiến hành sản xuất giống bằng công nghệ nuôi cấy mô. Theo đó, giống cấp 1, cấp 2 được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Sau khi nhân thành công giống nấm hương cấp 2, cấp 3 thì tiến hành sản xuất bịch nấm thương phẩm. Anh Bế Văn Đức cho biết: Nguyên liệu để sản xuất bịch nấm hương thành phẩm gồm mùn cưa gỗ keo, bột thạch cao, cám lúa mỳ, vôi bột. Những nguyên liệu này phải đảm bảo không lẫn tạp chất, không bị mốc hay nhiễm vi sinh vật gây hại. Mỗi bịch mấm được đóng trong túi ni lông chịu nhiệt có khối lượng khoảng 2 kg. Bịch nấm sau khi được hấp khử trùng trong 22 giờ thì được cấy giống nấm hương cấp 3. Chúng tôi cũng đã liên kết với Công ty TNHH Green Food Hà Nam bao tiêu toàn bộ sản phẩm do mô hình sản xuất ra.
Nhóm nghiên cứu đã xây dựng 3 mô hình trồng nấm hương với sự tham gia của 3 hộ dân tại xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình và xã Công Sơn, huyện Cao Lộc với quy mô 30.000 bịch nấm. Địa điểm được lựa chọn xây dựng mô hình là khu vực có độ cao trung bình từ 800 đến 1.000 m so với mực nước biển, độ ẩm không khí trên 80%, khu vực thoáng gió, không ngưng tụ bởi sương mù, nhiệt độ ổn định khoảng 20 độ C, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khoảng 4 độ C. Nấm cho thu hoạch sau hơn 3 tháng chăm sóc và đạt kích thước từ 4 đến 10 cm. Trong giai đoạn thu hoạch, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm càng lớn thì thời gian thu hoạch càng ngắn, đạt năng suất trung bình là 700 g/bịch. Kết thúc vụ sản xuất, tại 3 mô hình thu được tổng trọng lượng là 21.180 kg, vượt kế hoạch 180 kg. Nhóm nghiên cứu còn tiến hành xây dựng 1 điểm sấy nấm với quy mô 1 lò sấy (có thể điều chỉnh nhiệt độ bằng củi), mỗi lần sấy được 200 kg nấm tươi. Các hộ dân đã sấy trên 4.000 kg nấm tươi và thu được 523 kg nấm khô.
Anh Hoàng Dàu Quày, thôn Khuổi Cấp, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình cho biết: Giống nấm chuẩn, giá thể được khử trùng tốt nên tỷ lệ bịch nấm nhiễm bệnh rất thấp. Vì vậy, chúng tôi chăm sóc cũng dễ dàng hơn, chỉ cần giữ nhiệt độ, độ ẩm ổn định, nhà xưởng thông thoáng là cây nấm sẽ phát triển tốt. Một vụ nấm cho thu hoạch 5 lần, mỗi lần kéo dài từ 15 đến 30 ngày. Ngoài bán ở trong tỉnh với giá 70.000 đồng/kg tươi, chúng tôi còn sấy khô để cung cấp cho Công ty TNHH Green Food Hà Nam nên không lo về đầu ra.
Theo đánh giá kết quả của mô hình, về giá trị kinh tế, tổng kinh phí đầu tư nuôi trồng 30.000 bịch nấm hương thương phẩm là 1,243 tỷ đồng, số tiền thu được sau khi bán sản phẩm là 1,363 tỷ đồng, lợi nhuận thu được là hơn 120 triệu đồng. Sau thành công của mô hình, từ tháng 7/2021 đến nay, nhóm nghiên cứu đã tổ chức 4 lớp tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 120 lượt người dân tại 3 xã: Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình và xã Công Sơn, Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc. Sau khi được chuyển giao khoa học kỹ thuật, đến nay, người dân tham gia tập huấn đã làm chủ được công nghệ và có thể tự sản xuất nấm hương.
Qua đây có thể thấy, mô hình sản xuất nấm hương phù hợp với điều kiện khí hậu ở vùng núi cao của tỉnh và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Với thành công đã mang lại, người dân ở khu vực vùng núi cao Mẫu Sơn nên chủ động trong việc đầu tư, triển khai sản xuất, nhằm tạo sinh kế ổn định, góp phần giảm nghèo, cải thiện đời sống.
Ý kiến ()