Mô hình trồng bí đỏ tại xã Điềm He: Đảm bảo dinh dưỡng và đem lại hiệu quả kinh tế khá
(LSO) –Xã Điềm He, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn là xã 30a có 1.183 hộ với 4.825 nhân khẩu, gồm 3 dân tộc chủ yếu cùng chung sống đoàn kết trên 15 thôn, chủ yếu là người Nùng, người Tày. Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Đảng uỷ, UBND xã về việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng vụ… đã tạo nhiều đổi thay trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân. Tuy nhiên, năm 2019 thu nhập bình quân toàn xã đạt thấp 26,7 triệu đồng/người/năm. Trong đó có 8 thôn đặc biệt khó khăn (Nà Bung, Nà Súng, Bản Lải thuộc xã Vĩnh Lại cũ; Thống nhất, Bản Đin, Pác Làng, Khun Pàu, Nà Lọ) chỉ phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, do vậy, tỷ lệ nghèo, cận nghèo chiếm trên 30% tổng toàn xã.
Thôn Bản Đin và thôn Pác Làng có 89 hộ với 405 nhân khẩu. Đến năm 2019, thu nhập chính của người dân chủ yếu từ cây lúa cây ngô, thu nhập bình quân đạt rất thấp so với mặt bằng chung của xã và huyện chỉ đạt 13,2 triệu đồng/người/ năm. Số hộ nghèo, cận nghèo chiến 40/89 hộ bằng 45%, trong đó, có 9 hộ nghèo và 31 hộ cận nghèo.
Cán bộ Viện CLT&CTP cũng lãnh đạo xã Điềm He tham quan, đánh giá hiệu quả mô hình trồng bí đỏ tại xã Điềm He
Năm 2020, Viện cây lương thực và Cây thực phẩm đã chọn xã Điềm He để thực hiện nhiệm vụ của Cục Kinh tế – Hợp tác – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng mô hình gắn với chương trình “Không còn nạn đói” tại tỉnh Lạng Sơn (trồng cây bí đỏ).
Mô hình trồng cây bí đỏ mật và bí đỏ số 2 tại Điềm He có quy mô 15 ha với 51 hộ tham gia, trong đó, có 9 hộ nghèo, 31 hộ cận nghèo và 11 hộ mới thoát nghèo. Các hộ tham gia dự án đã được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây bí đỏ, được hỗ trợ giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Thông qua mô hình, nhằm phát huy lợi thế, điều kiện tự nhiên, xã hội của vùng để chuyển giao giống rau màu mới đem lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, đảm bảo dinh dưỡng, đồng thời, thay đổi tập quán canh tác cũ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, giảm nghèo bền vững cho người dân trên địa bàn xã.
Cây bí đỏ trong mô hình sinh trưởng, phát triển mạnh. Tuy nhiên, giai đoạn đầu sau khi xuống giống trời không mưa, khô hạn kéo dài. Giai đoạn cuối tháng 10 mưa nhiều trong lúc cây đang ra hoa nên đã ảnh hưởng không ít đến sinh trưởng và năng suất, chất lượng cây, quả.
Cây bí đỏ là cây rau đa dụng được chọn trong mô hình: ở giai đoạn cây sinh trưởng mạnh: lá, ngọn, hoa được các hộ thu hái bán làm rau ăn (rau bí đỏ) có giá trị dinh dưỡng cao, làm rau giáp vụ, bán giá 5 -10 nghìn đồng/bó. 1 sào bí đỏ trong mô hình của một số hộ đã bán và thu được từ 300-500 nghìn đồng/sào.
Đến nay, có trên 80% diện tích mô hình cây sinh trưởng tốt, tiềm năng năng suất khá. 1 sào trồng 330 – 350 cây, 1 cây có 1-2 quả. Khối lượng quả hiện tại đạt 2-3 kg/quả, dự kiến thời kỳ thu hoạch khối lượng quả đạt 3 – 4 kg. Như vậy, 1 sao bí cho năng suất khoảng 800 -1200 kg (30 – 35 tấn/ha)
Mô hình bí đỏ tại Điềm He, Văn Quan năm 2020 là mô hình tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm quả theo chuỗi giá trị: Vì vậy, toàn bộ sản phẩm bí đỏ quả được các hộ nông dân trồng, thu sau khi sử dụng làm rau xanh, dinh dưỡng cho gia đình. Còn lại được Công ty chế biến nông sản xuất khẩu Hải Dương hợp đồng thu mua toàn bộ với giá ban đầu là 2000 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện tại công ty dự định sẽ thu mua với giá cao hơn, khoảng 3-4 nghìn đồng/kg.
Ý kiến ()