Mô hình sản xuất tôm - lúa trước thách thức của biến đổi khí hậu
Những năm gần đây, nhiều tỉnh ở miền Tây Nam bộ như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang phát triển mạnh mô hình sản xuất luân canh vụ tôm, vụ lúa (tôm - lúa) bởi tính hiệu quả của nó về kinh tế, xã hội và môi trường, trong đó yếu tố môi trường là vấn đề rất quan trọng. Tuy nhiên, một thực tế đáng lo ngại đang đặt ra là mô hình sản xuất này có thật sự ổn định, bền vững trước thách thức của biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp? Theo tiến sĩ Nguyễn Công Thành, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, trồng lúa trên đất nuôi tôm là biện pháp canh tác giúp cải tạo môi trường rất tốt, cây lúa và con tôm trong quá trình nuôi trồng kết hợp có tác động tương hỗ cho nhau. Cây lúa trồng sau vụ tôm, nhất là các giống lúa kháng phèn, mặn, không những bồi bổ độ phì nhiêu đồng đất, tạo nguồn thức ăn tự nhiên phong phú cho tôm, mà còn cho sản phẩm lúa hàng hóa chất lượng, an toàn, do không...
Những năm gần đây, nhiều tỉnh ở miền Tây Nam bộ như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang phát triển mạnh mô hình sản xuất luân canh vụ tôm, vụ lúa (tôm – lúa) bởi tính hiệu quả của nó về kinh tế, xã hội và môi trường, trong đó yếu tố môi trường là vấn đề rất quan trọng.
Tuy nhiên, một thực tế đáng lo ngại đang đặt ra là mô hình sản xuất này có thật sự ổn định, bền vững trước thách thức của biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp?
Theo tiến sĩ Nguyễn Công Thành, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, trồng lúa trên đất nuôi tôm là biện pháp canh tác giúp cải tạo môi trường rất tốt, cây lúa và con tôm trong quá trình nuôi trồng kết hợp có tác động tương hỗ cho nhau. Cây lúa trồng sau vụ tôm, nhất là các giống lúa kháng phèn, mặn, không những bồi bổ độ phì nhiêu đồng đất, tạo nguồn thức ăn tự nhiên phong phú cho tôm, mà còn cho sản phẩm lúa hàng hóa chất lượng, an toàn, do không sử dụng thuốc trừ sâu trong chu kỳ gieo trồng. Con tôm nuôi trong ruộng lúa có đủ nguồn thức ăn, tăng trọng nhanh và có khả năng đảm bảo sạch bệnh, tạo nguồn tôm nguyên liệu chất lượng tốt cung ứng chế biến xuất khẩu.
Tuy vậy, trước diễn biến của biến đổi khí hậu, sản xuất tôm – lúa nảy sinh những bất cập trong thời gian gần đây khiến nông dân lo lắng. Mưa lớn, mưa trái mùa, mùa khô nhiệt độ cao, độ mặn không ổn định, mực nước biển dâng, bão tố… gây biến động môi trường, rủi ro cao cho việc nuôi tôm. Tình trạng tôm nuôi nhiễm bệnh và chết, khó xác định rõ nguyên nhân. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, từ đầu vụ đến nay, nông dân trong tỉnh đã thả khoảng 85.000 ha tôm nuôi, đạt gần 100% kế hoạch, trong đó hơn 68.000 ha tôm – lúa. Nhưng tổng diện tích bị thiệt hại chiếm từ 20% – 80%, tương đương hơn 7.300 ha, tập trung nhiều ở huyện An Minh (trên 5.000 ha). Theo kinh nghiệm của nông dân ở đây, nguyên nhân gây chết tôm do thời tiết diễn biến bất lợi, nắng nóng kéo dài, sau đó có những trận mưa lớn trái mùa làm cho một số yếu tố môi trường nước ao nuôi như: nhiệt độ, độ mặn, Ph, độ kiềm… thay đổi đột ngột gây sốc, trong khi con tôm vốn là loài thủy sản rất nhạy cảm với môi trường.
Tiến sĩ Nguyễn Công Thành cho biết: Trong mùa khô, nhiệt độ cao còn dẫn đến gia tăng độ mặn và những vấn đề chất lượng nước khác, làm cho tôm kém ăn, ngộ độc khí gas và tảo, độ oxy hòa tan thấp làm tôm lột xác kém, tốc độ tăng trưởng chậm và tỷ lệ chết cao. Ngược lại, trong mùa mưa, lượng mưa lớn làm giảm đột ngột độ mặn trong nước, kết hợp với những vấn đề khác về chất lượng nguồn nước khiến cho tôm bị rối loạn sinh trưởng, dịch bệnh và chết, mà chưa có biện pháp khắc phục hữu hiệu.
Dự báo thời gian tới, mô hình sản xuất tôm – lúa sẽ tiếp tục chịu nhiều tác động bất lợi từ diễn biến ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu. Giải pháp nào giúp nông dân sản xuất tôm – lúa bền vững, thích nghi trong điều kiện biến đổi khí hậu là vấn đề cấp bách đặt ra cho các nhà khoa học và ngành chức năng địa phương?
Khuyến cáo của các nhà khoa học đối với một số tỉnh ven biển khu vực miền Tây Nam bộ là quy hoạch vùng sản xuất tôm – lúa; hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi đồng bộ, đảm bảo điều tiết nguồn nước phục vụ nuôi tôm, trồng lúa theo từng vùng, tiểu vùng, trên cơ sở quy hoạch; chủ động kiểm soát, quản lý nguồn nước, nồng độ mặn và chất lượng nước theo yêu cầu sản xuất tôm – lúa; đầu tư trang thiết bị để kiểm nghiệm chất lượng tôm giống, xét nghiệm và cho kết quả nhanh dịch bệnh ở tôm; thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi tôm quy mô lớn và có khả năng ứng phó cao, phòng tránh rủi ro do biến đổi khí hậu. Hướng dẫn, tập huấn cho nông dân các biện pháp kỹ thuật nuôi, phòng trị bệnh cho tôm, xử lý tôm nuôi bị nhiễm bệnh và chết; tiếp tục đầu tư nghiên cứu, lai tạo ra nhiều giống lúa có khả năng chịu mặn tốt, kháng sâu bệnh, năng suất và chất lượng tốt…; sản xuất tôm giống sạch bệnh, chất lượng cao.
Đối với nông dân vùng sản xuất tôm – lúa, các nhà khoa học khuyến cáo cần trang bị những kiến thức, hiểu biết về biến đổi khí hậu, kết hợp thay đổi dần tập quán sản xuất truyền thống ở họ bằng phương pháp sản xuất mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất tôm, lúa. Giữ vững tính bền vững liên hoàn của mô hình sản xuất tôm – lúa, không chạy theo lợi nhuận con tôm khi có giá cao trên thị trường, mà phá vỡ mô hình làm phát sinh nhiều hệ lụy bất lợi; tuân thủ lịch thời vụ theo khuyến cáo của ngành chức năng; sử dụng giống tốt, chất lượng cao và sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()