Mô hình sản xuất nông nghiệp nào phù hợp cơ chế thị trường và quá trình CNH, HÐH ở nước ta hiện nay ?
Nông thôn là địa bàn sinh sống chủ yếu của hộ gia đình nông dân, có chức năng quan trọng là sản xuất và cung ứng nông sản cho xã hội. Hiện nay có 70% dân số, 57% số lao động sinh sống và làm việc ở khu vực nông thôn và nông thôn đóng góp 20% thu nhập quốc nội (GDP). Vì vậy làm thế nào để nâng cao sức sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống nông dân, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài của Đảng và Nhà nước ta.Một số mô hình sản xuất nông nghiệpHiện nay ở khu vực nông thôn có rất nhiều mô hình sản xuất trong nông nghiệp, đó là Hợp tác xã nông nghiệp, Tổ hợp tác, Kinh tế trang trại, Mô hình liên kết, liên doanh với các doanh nghiệp; Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp cổ phần.Mô hình HTX kiểu cũ hình thành trên cơ sở tập thể hóa tư liệu sản xuất, tập thể hóa lao động, tập thể hóa mọi hoạt động kinh tế, biến nông dân thành người làm thuê, làm công, bình...
Một số mô hình sản xuất nông nghiệp
Hiện nay ở khu vực nông thôn có rất nhiều mô hình sản xuất trong nông nghiệp, đó là Hợp tác xã nông nghiệp, Tổ hợp tác, Kinh tế trang trại, Mô hình liên kết, liên doanh với các doanh nghiệp; Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp cổ phần.
Mô hình HTX kiểu cũ hình thành trên cơ sở tập thể hóa tư liệu sản xuất, tập thể hóa lao động, tập thể hóa mọi hoạt động kinh tế, biến nông dân thành người làm thuê, làm công, bình công nói chung. Từ khi có chính sách giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài cho hộ nông dân (theo Nghị quyết 10 BCT 4-1988) lấy hộ là đơn vị sản xuất trong nông nghiệp, rồi thực hiện cơ chế thị trường thì mô hình HTX kiểu cũ không còn phù hợp. Nghị quyết số 13-NQ/T.Ư của Hội nghị T.Ư 5 (Khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Quốc hội đã ban hành Luật HTX sửa đổi năm 2003, chúng ta tiến hành chuyển HTX nông nghiệp cũ sang HTX nông nghiệp kiểu mới. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2006 tới năm 2010, số HTX nông nghiệp kiểu mới của ta trên phạm vi toàn quốc có 9 nghìn HTX (khoảng 7,7 triệu xã viên).
Phần lớn các tỉnh đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ đã chuyển đổi theo mô hình này. Theo kết quả điều tra ở các tỉnh như Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định thì có tới 98 đến 100% số hộ nông dân tham gia chuyển đổi từ HTX nông nghiệp kiểu cũ sang HTX nông nghiệp kiểu mới. HTX nông nghiệp kiểu mới chủ yếu là loại hình HTX dịch vụ: khâu nào hộ xã viên làm riêng lẻ không hiệu quả thì HTX làm. HTX làm dịch vụ các khâu như: thủy lợi, bảo vệ thực vật, khuyến nông, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, làm đất, bảo vệ nội đồng, cung ứng vật tư… thường mỗi HTX làm dịch vụ được 4 đến 5 khâu.
Các tỉnh Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long thành lập HTX nông nghiệp kiểu mới có khác là giải thể HTX nông nghiệp cũ thành lập HTX nông nghiệp mới hoàn toàn theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, cùng có lợi. Nông dân tự nguyện góp vốn đáp ứng được nhu cầu hoạt động kinh doanh của HTX, gắn quyền lợi và trách nhiệm của từng hộ xã viên. Cách chuyển đổi HTX nông nghiệp kiểu cũ sang HTX nông nghiệp kiểu mới vẫn mang nặng tính hình thức: tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế lợi ích, không có sự thay đổi căn bản, chưa tạo được động lực phát triển mới để gắn lợi ích của các hộ xã viên và người quản lý. Hộ tham gia HTX theo cách 'đánh trống ghi tên' nên họ không góp vốn hoặc có góp thì góp chiếu lệ từ 30.000 đến 50.000 đồng một hộ và bản thân họ không có động lực kinh tế; HTX thì không có vốn để hoạt động (cán bộ quản lý ngồi chơi xơi nước), ruộng đất theo hộ vẫn manh mún, nhỏ lẻ không tập trung được, không tiến hành cơ khí hóa để nâng cao năng suất, không tiến hành thủy lợi hóa, điện khí hóa, sinh học hóa, thị trường hóa, v.v… không tạo ra được sản phẩm hàng hóa lớn để thích ứng với cơ chế thị trường và hội nhập.
Từ khi các HTX kiểu cũ giải thể, loại hình tổ hợp tác (có nơi gọi là nhóm sở thích) trong nông nghiệp, nông thôn ra đời và ngày càng phát triển mạnh mẽ, đa dạng, như một loại hình kinh tế hợp tác đơn giản. Đó là các tổ, hội nghề nghiệp hình thành trên cơ sở tự nguyện của các thành viên tự tham gia hoặc tự ra khỏi tổ, quản lý dân chủ, cùng có lợi. Mục đích là cộng tác, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh tiêu thụ sản phẩm nhằm mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận của mỗi thành viên. Loại hình tổ hợp tác không có điều lệ, không có tư cách pháp nhân, quan hệ ràng buộc với nhau được xây dựng trên cơ sở tình cảm, tập quán, truyền thống cộng đồng, không mang tính chất pháp lý.
Theo số liệu của Cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến năm 2010, cả nước có 112 nghìn tổ hợp tác. Nhiều địa phương có hàng nghìn tới hàng chục nghìn tổ hợp tác (như Thanh Hóa 22.752 tổ, Hưng Yên 1.754 tổ, Quảng Bình 1.172 tổ, Nghệ An 2.000 tổ, Yên Bái 2.500 tổ…). Đặc biệt ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, tổ hợp tác trở thành hình thức kinh tế tập thể chính của vùng, được coi là tổ chức có phương thức mưu sinh hiệu quả, năng động hiện nay.
Tổ hợp tác hình thành trên cơ sở địa phương không còn HTX nông nghiệp, HTX kiểu mới được hình thành từ các tổ hợp tác và tổ hợp tác ra đời từ các HTX kiểu mới. Các loại hình chủ yếu là: Tổ hợp tác tưới tiêu, tổ hợp tác vay vốn, tổ hợp tác khoa học kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm, tổ hợp tác lao động, tổ hợp tác trong lĩnh vực trồng trọt, tổ hợp tác chăn nuôi, tổ hợp tác thủy sản, tổ hợp tác ngành nghề nông thôn, tổ hợp tác quản lý bảo vệ rừng…
Mô hình này là sản phẩm tất yếu của nền sản xuất hàng hóa, nó đã đóng góp rất quan trọng vào việc giải quyết giữa sản xuất nhỏ manh mún với sản xuất hàng hóa, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nó là cơ sở để hình thành HTX kiểu mới, liên hiệp HTX, doanh nghiệp-HTX (HTX cổ phần), các hiệp hội trong nông nghiệp, nông thôn, đồng thời tổ hợp tác là vệ tinh quan trọng làm cho sức sống HTX kiểu mới càng lớn mạnh. Tổ hợp tác mang tính tự nguyện, tự chủ, tự quản, không cần ban bệ nhưng vẫn bảo đảm tính công bằng, trung thực, không bị thất thoát tài sản, không tham nhũng… Loại hình này trở thành phương thức mưu sinh bền vững cho nông dân không những ở vùng đồng bằng mà còn cả ở vùng núi, vùng biển, nơi có nền kinh tế phát triển còn thấp và trình độ sản xuất lạc hậu. Tuy nhiên cho tới nay, Nhà nước chưa có một chế tài cụ thể cho tổ hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn.
Trước đây, thành phần kinh tế trang trại không được chấp nhận, chỉ sau khoán 10, giao quyền sử dụng ruộng đất về cho hộ nông dân, khi kinh tế phát triển trong thời gian dài, dần dần hình thành kinh tế trang trại. Thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, với Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành T.Ư Khóa VIII tháng 12-1997, Đảng ta mới có chủ trương giải quyết một số vấn đề về quan điểm và chính sách, nhằm tạo môi trường và điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển kinh tế trang trại. Đặc trưng chủ yếu của kinh tế trang trại là sản xuất nông, lâm, thủy sản hàng hóa với quy mô lớn. Tập trung hóa, chuyên môn hóa các điều kiện và yếu tố sản xuất cao hơn hẳn so với kinh tế hộ. Chủ trang trại có kiến thức, kinh nghiệm điều hành sản xuất, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất, sử dụng lao động gia đình và thuê lao động bên ngoài sản xuất có hiệu quả cao, có thu nhập vượt trội so với kinh tế hộ.
Theo báo cáo của Cục Thống kê trong thời gian chưa đầy 10 năm cả nước đã phát triển lên hơn 150 nghìn trang trại các loại, sử dụng gần 1 triệu ha đất trống, ao hoang, đồi núi trọc. Cho tới nay các trang trại chuyên trồng cây nông nghiệp chiếm 55,3%, chăn nuôi gia súc, gia cầm 10,3%, lâm nghiệp 2,2%, nuôi trồng thủy sản 27,3%, trang trại sản xuất kinh doanh tổng hợp chiếm 4,9%. Phần lớn các trang trại có xuất phát điểm ban đầu từ mảnh vườn, ao cá, chuồng trại truyền thống, sản xuất thấy hiệu quả thì mở rộng quy mô vườn, ao, chuồng (VAC) lên vài ha và đã thu hàng trăm triệu đồng/năm/một trang trại. Trang trại vừa sản xuất vừa là địa chỉ cung cấp các loại giống tốt, làm dịch vụ kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm cho trang trại và nhân dân trong vùng.
Nhưng một trong những khó khăn hiện nay làm ảnh hưởng đến việc mở rộng đầu tư của trang trại là khó tiếp cận được với các tổ chức tín dụng để vay vốn cho sản xuất kinh doanh.
Một nghịch lý đang tồn tại là: người có khả năng kinh doanh nhưng lại không có đất đai, còn người có đất đai lại không có khả năng kinh doanh. Hộ nông dân có diện tích đất nhỏ lẻ, manh mún không thể sản xuất hàng hóa lớn được. Thời gian qua đã có rất nhiều mô hình liên kết liên doanh với các doanh nghiệp, cả quốc doanh và tư doanh, với HTX, với hộ nông dân, cụ thể là: Doanh nghiệp lo đầu tư vốn, cung cấp giống tốt, kỹ thuật, vật tư cho sản xuất nông nghiệp, tiến hành chế biến và tiêu thụ hầu hết các sản phẩm làm ra. Hộ nông dân góp ruộng và ngày công lao động theo quy hoạch 'liền vùng, cùng trà, khác chủ', sản phẩm làm ra được doanh nghiệp thu mua chế biến và tiêu thụ.
Mô hình liên kết này hiện đang diễn ra rất sôi động ở nhiều nơi, nhiều vùng, nhiều dạng, mấu chốt là sản phẩm làm ra có khối lượng lớn, được chế biến và tiêu thụ trở thành hàng hóa lớn. Có thể nêu một số mô hình điển hình như: Hợp tác xã, nông dân liên doanh liên kết với các công ty sản xuất mía đường (Nhà máy đường Lam Sơn, Thanh Hóa). Hợp tác xã liên doanh với doanh nghiệp sản xuất rau quả thực phẩm (Công ty Bảy Hòa, TP Hồ Chí Minh; Vân Nội, Hà Nội; Xuân Hương, Đà Lạt…). Hợp tác xã liên doanh với doanh nghiệp sản xuất cây ăn quả (Thí dụ: Công ty Vĩnh Kim, sản xuất vú sữa Vĩnh Long). Hợp tác xã liên doanh với doanh nghiệp sản xuất các loại giống lúa, ngô chất lượng cao (như Công ty CP giống cây trồng Thái Bình; Công ty Cường Tân, Trực Ninh, Nam Định nông dân cho thuê đất rồi làm công cho Công ty) và rất nhiều loại hình khác.
Phần lớn các HTX liên doanh, liên kết với ba nhà (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học) nên những mô hình này rất sống động, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm ổn định, phát triển và có hiệu quả. Đây là những mô hình có thể nhân rộng, khuyến khích phát triển mạnh trong giai đoạn hiện nay.
Mô hình này phát triển ở mức độ cao hơn, tự thân vận động. Đó là các hộ trong HTX quy mô thôn hay HTX quy mô xã tự góp vốn (ở mức độ cao, không phải ở mức 50 nghìn đồng/hộ như kiểu HTX hiện nay). Hộ nông dân là những cổ đông, họ góp vốn bằng quyền sử dụng đất và tính cổ phần. Họ vẫn là nông dân, đất vẫn thuộc về họ. Họ được chia cổ tức và nhận lương khi lao động. Đặc biệt Ban quản lý phải là những người có trình độ quản lý, có ý chí đầu tư, nhiệt tình, năng động, sáng tạo. Ban quản lý thường gọn nhẹ gồm: chủ nhiệm phụ trách chung, từ hai đến ba Phó Chủ nhiệm phụ trách trồng trọt, phụ trách hậu cần, phụ trách gia công chế biến tiêu thụ sản phẩm. Nông dân được chia từ các nguồn: thu từ đóng góp cổ phần bằng ruộng đất, từ ngày công cụ thể bằng lao động, từ lợi nhuận hằng năm của HTX cổ phần, từ trích lãi tăng theo từng vụ, từng năm. Thực hiện mô hình này sẽ giải quyết được nhiều vấn đề lớn đang đặt ra ở khu vực nông thôn, đó là: Tập trung hay tích tụ được ruộng đất để tiến hành cơ giới hóa, sản xuất ra sản phẩm hàng hóa lớn, nâng cao được năng suất lao động, hạ giá thành, phù hợp cơ chế thị trường và sản xuất hàng hóa. Phù hợp với nguyện vọng của người nông dân là không bị mất đất, cái mà nông dân mong muốn, thì mới ổn định lâu dài. Bảo đảm ổn định lâu dài về tiêu thụ sản phẩm làm ra.
Việc thực hiện mô hình này yêu cầu phải quy hoạch lại vùng sản xuất, hoạch định sản xuất những sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi chính và tìm thị trường tiêu thụ ổn định.
Ở nước ta hiện nay, mô hình này đang xuất hiện ở một số nơi nhưng số lượng còn ít. Thí dụ như HTX cổ phần nông nghiệp Bắc Vọng (Bắc Phú, Sóc Sơn, TP Hà Nội); Hợp tác xã cổ phần cà-phê Lâm Viên (Lâm Đồng); Hợp tác xã cổ phần Kiều Thạch (Thanh Hải, Lục Ngạn, Bắc Giang). Cụ thể là mỗi HTX cổ phần quy tụ được số đông thành viên là những người có nhu cầu, chung lợi ích, tự nguyện góp vốn, góp ruộng vườn, vốn điều lệ cao hàng tỷ đồng (tính giá trị các sản vật vườn ruộng), vốn lưu động có hàng trăm triệu đồng để sản xuất kinh doanh, sản phẩm làm ra bảo đảm an toàn lương thực, thực phẩm để có thể tiêu thụ cả trong và ngoài nước.
Tạo điều kiện cho các mô hình sản xuất nông nghiệp phát triển
Thực tiễn trong quá trình phát triển kinh tế cho thấy: tùy từng nơi, từng vùng, tùy từng trình độ quản lý và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất mà có thể áp dụng các loại mô hình sản xuất nông nghiệp khác nhau. Trong đó, mô hình liên doanh liên kết với các doanh nghiệp và mô hình HTX cổ phần (doanh nghiệp – HTX) là những mô hình tiên tiến sẽ đưa sản xuất nông nghiệp nước ta lên sản xuất lớn, bởi vì có những ưu điểm là tập trung, tích tụ được ruộng đất (không ở tình trạng nhỏ lẻ, manh mún, 'dẫm chân tại chỗ' như hiện nay). Đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn (cơ khí hóa để nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, điện khí hóa, thủy lợi hóa, sinh học hóa, thị trường hóa v.v…). Tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, tiêu thụ các sản phẩm nông dân làm ra, phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập. Nông dân không bị mất đất, cái mà nông dân không bao giờ muốn. Đó là thành quả của cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân mà Đảng đã mang lại cho nông dân.
Thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, đời sống của nông dân sẽ được nâng lên, bộ mặt nông thôn sẽ đổi mới, sẽ giải quyết được mâu thuẫn mất cân đối giữa thành thị và nông thôn. Đây là vấn đề lớn, đòi hỏi Đảng, Nhà nước ta phải có chủ trương, chính sách, giải pháp tạo thuận lợi cho các loại mô hình sản xuất nông nghiệp mới, phù hợp với yêu cầu phát triển nông nghiệp và nông thôn.
Một là, chính sách về đất đai: Trước hết phải tiếp tục chỉ đạo thực hiện dồn điền, đổi thửa trong các hộ nông dân từ 10 đến 12 mảnh/hộ xuống còn 1 đến 2 mảnh/hộ, không còn manh mún, nhỏ lẻ để tiến hành sản xuất ra sản phẩm hàng hóa hoặc có thể dùng 'mảnh lớn' để góp cổ phần bằng ruộng đất sản xuất hàng hóa lớn hơn. Sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, giao quyền sử dụng lâu dài cho nông dân từ 20 năm lên 50 đến 70 năm. Trong quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn sẽ diễn ra sự phân công lại lao động rất lớn. Lao động trong nông nghiệp sẽ dịch chuyển ra các khu công nghiệp, ra thành thị, ra làm dịch vụ…, sẽ phải giảm từ 70% xuống còn 40% rồi 20% và khi nước ta trở thành nước công nghiệp thì lao động trong nông nghiệp chỉ còn dưới 10%. Cho nên bỏ chính sách hạn điền để mở đường cho tập trung và tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện cho các loại hình sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn, hiện đại phát triển, nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống cho nông dân.
Hai là, chính sách tín dụng: Phải có cơ chế chính sách cho nông dân, hay bất kể mô hình nào cũng được vay vốn để đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Không được vay vốn thì mô hình nào cũng không hoạt động và phát triển được. Chính sách tín dụng hiện nay chưa thật sự tạo điều kiện cho các loại hình hợp tác vay vốn để phát triển sản xuất.
Ba là, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Nhà nước kêu gọi các loại hình doanh nghiệp đầu tư, liên doanh, liên kết với HTX, với nông dân bằng nhiều chính sách ưu đãi như miễn giảm thuế, ưu tiên vay vốn, tiêu thụ sản phẩm, bảo hộ sản phẩm… để doanh nghiệp thuận lợi đầu tư vào nông nghiệp, đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn.
Bốn là, chính sách đào tạo cán bộ: Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho các dạng hình hợp tác là vô cùng quan trọng, nó nâng cao nguồn lực lâu dài cho các mô hình để quản lý, kinh doanh có hiệu quả, mở rộng liên doanh liên kết với các thành phần kinh tế. Đây là yếu tố con người, mang tính quyết định thành bại. Thậm chí Đảng và Nhà nước cần có chính sách đưa cán bộ giỏi, có kinh nghiệm, năng lực, sinh viên tốt nghiệp ra trường về nông thôn giúp nông dân, giúp HTX xây dựng nông thôn mới, xây dựng HTX làm ăn lớn, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()