Mô hình ở Tam Nông
Mô hình kinh tế tập thể trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và thương mại, dịch vụ, tăng nguồn thu nhập cho nông dân đã góp phần tô điểm cho bức tranh kinh tế nông thôn huyện Tam Nông, tỉnh Ðồng Tháp thêm nhiều khởi sắc. Sau một thập niên thực hiện Luật HTX, các đơn vị kinh tế tập thể ở Tam Nông đã và đang chuyển động đúng hướng mang lại nguồn lợi kinh tế khả quan, ngày càng thu hút nông dân tham gia HTX và các loại hình kinh tế tập thể (KTTT), góp phần tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân.
Mô hình kinh tế tập thể trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và thương mại, dịch vụ, tăng nguồn thu nhập cho nông dân đã góp phần tô điểm cho bức tranh kinh tế nông thôn huyện Tam Nông, tỉnh Ðồng Tháp thêm nhiều khởi sắc. Sau một thập niên thực hiện Luật HTX, các đơn vị kinh tế tập thể ở Tam Nông đã và đang chuyển động đúng hướng mang lại nguồn lợi kinh tế khả quan, ngày càng thu hút nông dân tham gia HTX và các loại hình kinh tế tập thể (KTTT), góp phần tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân.
Toàn huyện hiện đã thành lập được 36 HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2003, tăng 13 HTX so với năm 2006. Trong đó có 30 HTX nông nghiệp và sáu HTX phi nông nghiệp, với hơn 4.835 xã viên. Tổng nguồn vốn hoạt động của các HTX hơn 33 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của 30 HTX nông nghiệp hơn 20 tỷ đồng và tổng diện tích sản xuất xã viên giao cho HTX bơm tưới là 10.071 ha, chiếm 85,74% diện tích sản xuất trong vùng HTX quản lý (diện tích vùng HTX quản lý 11.746 ha), chiếm 33,03% diện tích canh tác của huyện. Ða số các HTX này đều hoạt động đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần tích cực trong việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân… Bên cạnh đó, ở Tam Nông còn thành lập Quỹ tín dụng nhân dân An Long và 68 tổ hợp tác sản xuất, mang lại hiệu quả khả quan. Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ đạo phát triển KTTT huyện Tam Nông Lê Hoàng Nam cho biết: Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể huyện đã tập trung củng cố 15 HTX. Theo đó, nâng cao chất lượng bảy HTX. Qua củng cố, cơ bản các HTX đều hoạt động đúng theo Luật HTX năm 2003, tạo được niềm tin trong nhân dân. Huyện đang lập kế hoạch mở rộng lĩnh vực kinh doanh và thành lập mới HTX ở những nơi có đủ điều kiện.
Cùng với sự phát triển của các HTX nông nghiệp, các hình thức KTTT khác cũng hình thành ngày càng nhiều. Ðến nay, toàn huyện đã thành lập được nhiều câu lạc bộ khuyến nông với hàng trăm thành viên tham gia, hàng chục tổ hợp tác nhân giống lúa và nhiều tổ phụ nữ tiết kiệm, tổ hội nông dân hùn vốn xây nhà kiên cố, chi hội thanh niên tự hùn vốn xoay vòng giúp nhau lập thân, lập nghiệp… Phần đông số hộ tham gia các hình thức kinh tế hợp tác và HTX với số vốn, mức độ hoạt động còn ở phạm vi hẹp nhưng đã mang lại lợi ích thiết thực cho hội viên, đoàn viên với tinh thần tương trợ lẫn nhau. Ngoài góp vốn, góp công sức làm dịch vụ hỗ trợ cho hội viên giải quyết khó khăn về vốn, vật tư, lúa giống, con giống… các HTX nông nghiệp còn làm dịch vụ hỗ trợ xã viên các khâu bơm nước, mua vật tư trả chậm, làm thủy lợi nội đồng, phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, diệt chuột, diệt ốc bươu vàng, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo… Thông qua các mô hình kinh tế hợp tác và HTX mà sản xuất nông nghiệp ở huyện Tam Nông được phát triển theo quy hoạch; việc chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong nông nghiệp đạt hiệu quả cao. Ðặc biệt, hai năm gần đây, huyện Tam Nông đã tổ chức sản xuất thắng lợi vụ lúa thu đông và thực hiện thành công cánh đồng liên kết sản xuất lúa theo hướng hiện đại tại tám HTX nông nghiệp Tân Cường, Hùng Cường (xã Phú Cường), số 1 (xã Phú Hiệp), Phú Thọ (xã An Long), Phú An (xã Phú Thành B), Hòa Lợi, Bình Phước, Bình Châu (xã Hòa Bình) gắn với hợp đồng cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm với Công ty Thu Hà trên tổng diện tích canh tác cả năm 2013 là 6.550 ha, với tổng sản lượng trên 45.850 tấn lúa, góp phần đưa tổng sản phẩm lúa cả năm của huyện lên hơn 384 nghìn tấn…
Sau 10 năm thực hiện kinh tế hợp tác và HTX tại huyện Tam Nông, mô hình KTTT đã đạt được kết quả khả quan. Ðặc biệt, các khâu làm dịch vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức cánh đồng liên kết sản xuất lúa theo hướng hiện đại gắn hợp đồng cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp đã làm tăng giá trị lợi nhuận cho nông dân, từng bước tạo tiền đề vững chắc nâng cao đời sống kinh tế gia đình của người dân. Việc phát triển mô hình kinh tế tập thể cũng đã góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh, trật tự ở xóm ấp; tinh thần đoàn kết của bà con nông dân được củng cố, tăng cường; các cơ sở hạ tầng như thủy lợi, giao thông, đê bao, trạm bơm điện… được tu sửa, thi công mới, bảo vệ và khai thác hiệu quả hơn; cánh đồng liên kết sản xuất lúa theo hướng hiện đại gắn hợp đồng cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp đã được nông dân đồng tình thực hiện, đạt kết quả khả quan…
Thời gian tới, huyện Tam Nông sẽ tiếp tục giữ vững và phát huy sức mạnh mô hình KTTT, bảo đảm hoạt động ngày càng hiệu quả hơn. Ðồng thời, đẩy mạnh việc thực hiện đề án KTTT của huyện; phấn đấu đến năm 2015, toàn huyện sẽ thành lập mới bảy HTX nông nghiệp và hai HTX phi nông nghiệp. Nâng tỷ lệ HTX khá giỏi đạt từ 35% trở lên; giảm tỷ lệ HTX yếu kém xuống dưới 10%; 100% số cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ được đào tạo nâng cao kỹ năng quản lý kinh tế HTX; nâng số cán bộ quản lý HTX còn trẻ, có trình độ đại học lên 15% và trình độ cao đẳng, trung cấp lên 35%. Sáp nhập các HTX nông nghiệp ở thị trấn Tràm Chim lên quy mô HTX nông nghiệp toàn xã. Xây dựng mô hình HTX điển hình về hiệu quả hoạt động cho các lĩnh vực, ngành nghề phù hợp, nhằm mở rộng quy mô và thu hút nhiều đối tượng tham gia HTX… góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội huyện Tam Nông ngày càng phát triển. Ðể KTTT ở Tam Nông phát triển bền vững, ông Lê Hoàng Nam cho biết, huyện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung Luật HTX cho các tầng lớp nhân dân; thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình hoạt động của các HTX, tiếp tục mở rộng liên doanh, liên kết giữa các HTX với nhau, giữa HTX với doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; từng bước hướng sản xuất theo quy trình khép kín từ đầu vào vật tư, phân bón đến tiêu thụ hàng hóa nhằm giảm bớt các khâu chi phí trung gian; tiếp tục vận dụng và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển HTX. Hằng năm, thông qua các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, ưu tiên mở nhiều lớp tập huấn cho các hộ xã viên HTX để chuyển giao các tiến bộ khoa học – công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch… nhằm tăng giá trị nông sản hàng hóa cho xã viên.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()