Mô hình nông - lâm kết hợp: Lợi ích nhân đôi
LSO-Là một huyện có khá nhiều loại đất canh tác nên sản xuất nông - lâm nghiệp ở huyện Chi Lăng khá đa dạng về các loại cây trồng.
LSO-Là một huyện có khá nhiều loại đất canh tác nên sản xuất nông – lâm nghiệp ở huyện Chi Lăng khá đa dạng về các loại cây trồng. Những năm qua, nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào canh tác, sản xuất nên nhiều loại cây trồng trên địa bàn đạt năng suất cao. Tuy vậy, hiện địa phương cũng có nhiều diện tích nương rẫy lớn chưa khai tác hết tiềm năng, do vậy, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã mạnh dạn xây dựng đề tài “Xây dựng mô hình chuyển đổi canh tác nương rẫy truyền thống sang mô hình nông – lâm kết hợp”. Với những kết quả bước đầu đạt được, mô hình này có thể sẽ được ứng dụng rộng ra trên toàn tỉnh.
Mô hình kinh tế đồi rừng, nông- lâm kết hợp tại xã Hoà Cư (Cao Lộc) đã mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân – Ảnh: Thế Bảo |
Theo lãnh đạo phòng NN&PTNT huyện Chi Lăng, đề tài đã xây dựng được 1 mô hình thí điểm phát triển sản xuất nông – lâm kết hợp, diện tích 1,5ha trên đất nương rẫy thuần loại và áp dụng mô hình SALT 1 (Kỹ thuật canh tác nông nghiệp trên đất dốc) với 4 loại cây trồng chính: bạch đàn mô, keo lai, ngô NK4300 và đỗ tương DT84. Sau 2 năm thực hiện thí điểm việc canh tác theo mô hình nông – lâm kết hợp, đề tài đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, hiệu quả về xã hội và môi trường, nâng cao nhận thức và mức sống của người dân. Hiện tại, trên diện tích đất đồi dốc, bà con có thể trồng một số loại cây lâm nghiệp lâu năm, song song với đó, với phương thức “lấy ngắn nuôi dài”, bà con sẽ trồng xen một số loại cây như ngô, đặc biệt là các loại cây họ đậu, việc làm này tạo ra thu nhập cho bà con. Ngoài ra, việc trồng xen các cây nông nghiệp với lâm nghiệp còn làm tăng thêm khả năng bảo vệ đất, chống xói mòn, thoái hóa và cháy rừng diễn ra hàng năm. Vào ngày 24/4 vừa qua, tại buổi nghiệm thu đề tài khoa học, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh đã đánh giá cao đề tài này. Vì thông qua việc sản xuất nông – lâm kết hợp đã hỗ trợ người dân sử dụng đất hiệu quả, thay đổi phương thức canh tác nương rẫy luân canh tăng vụ, ổn định cuộc sống thông qua việc chuyển sang trồng rừng hoặc trồng những cây có giá trị kinh tế cao hơn, từng bước ngăn chặn tình trạng canh tác nương rẫy tự phát, hướng người dân vào sản xuất nông lâm nghiệp bền vững trên địa bàn huyện. Trao đổi về lợi ích của mô hình canh tác nông – lâm kết hợp, một số thành viên trong Hội đồng KH-CN tỉnh cho biết, ở miền núi, từ xưa việc canh tác nương rẫy là hoạt động sản xuất chủ yếu và đây cũng là cách canh tác truyền thống từ lâu của bà con trên địa bàn huyện Chi Lăng nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung. Cách canh tác truyền thống này đến nay không còn phù hợp nữa vì nó thường khiến đất bạc màu. Cụ thể, canh tác nương rẫy truyền thống, người dân thường chặt đốt cây cối, làm rẫy, tỉa ngô, trồng lúa…, cách làm này chỉ có thể tận dụng độ màu mỡ của đất khoảng 3 – 4 năm, sau đó phải bỏ hoang hóa đất để cây dại mọc lại, đợi một thời gian cho đất phục hồi, người dân mới quay lại tiếp tục canh tác. Hiện tại, ở Lạng Sơn, cách canh tác trên nương rẫy không còn như vậy, bà con không bỏ đất hoang nhưng lại canh tác theo cách du canh không luân canh. Cách làm này khiến bà con mất nhiều công sức mà sản phẩm thu về không được bao nhiêu. Chính vì thế, mô hình canh tác nông – lâm kết hợp sẽ giúp bà con không còn canh tác nương rẫy tự phát nữa, và từng bước sử dụng diện tích đất một cách hợp lý, biết cách canh tác trên những diện tích đất dốc, duy trì được độ màu mỡ của đất để canh tác được lâu dài hơn. Lãnh đạo Sở KH&CN Lạng Sơn khẳng định: Mô hình này có thể ứng dụng rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Với đặc thù về địa hình nhiều đồi núi dốc, đất thường bị xói mòn mạnh, mặt khác do quá trình phong hóa yếu nên đa số đất có phẫu diện không dày. Nên việc áp dụng các kỹ thuật trồng nông lâm kết hợp được coi là phương pháp khả thi và sẽ mang lại hiệu quả cao nhất. Kết quả bước đầu đạt được từ “mô hình chuyển đổi canh tác nương rẫy truyền thống sang mô hình nông lâm kết hợp” tại huyện Chi Lăng sẽ là tiền đề để nhân rộng mô hình này. Theo cách làm thí điểm tại huyện Chi Lăng thì thực chất mô hình này là sự sắp xếp hợp lý các loại hình sản xuất cây lâm nghiệp và cây công nghiệp dài ngày trên cùng một địa bàn đất đai sản xuất. Cách làm cũng khá đơn giản, bà con trồng cây lâm nghiệp trên diện tích đất cao nhất, tiếp đó là canh tác và trồng các loại hoa màu dọc theo các đường đồng mức để chống xói mòn và giữ được nước. Ngoài cây hoa màu, tùy thuộc vào từng địa hình, bà con có thể đa dạng hóa cây trồng, bao gồm cả trồng cây ăn quả. Cây ăn quả và cây công nghiệp có thể được trồng thành các vườn nhỏ hoặc xen lẫn cây nông nghiệp.
Như vậy, nếu mô hình canh tác nông – lâm kết hợp được nhân rộng thì sẽ góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân hiện đang sinh sống và canh tác ở khu vực địa hình đồi núi dốc, phức tạp. Cùng đó, cách làm như mô hình nông lâm kết hợp còn giữ cho đất luôn màu mỡ, từ đó nâng cao thời gian canh tác cho bà con nông dân trên cùng một diện tích đất.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()