Mô hình nhỏ, hiệu quả lớn
LSO-Tai nạn giao thông (TNGT) đang là nỗi lo chung của toàn xã hội. Việc thành lập các điểm sơ cấp cứu TNGT do Hội Chữ thập đỏ tỉnh triển khai đã góp phần tích cực giảm thiểu tổn thất và thương vong không đáng có cho người bị TNGT.
![]() |
Điểm sơ cấp cứu tại xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng tiếp nhận vật tư y tế từ Hội Chữ thập đỏ tỉnh |
Bắt đầu triển khai từ năm 2009, ban đầu với chỉ 5 điểm sơ cấp cứu; sau 8 năm triển khai, hiện nay, toàn tỉnh có 10 điểm sơ cấp cứu TNGT được đặt tại các nơi hay xảy ra tai nạn và tiềm ẩn nguy cơ TNGT trên tuyến quốc lộ: 1A, 1B đi qua địa bàn các huyện: Cao Lộc, Bình Gia, Bắc Sơn, Chi Lăng, Hữu Lũng. Mỗi điểm có một đội sơ cấp cứu gồm 4 đến 5 tình nguyện viên và được trang bị những vật tư y tế cần thiết như: băng, gạc, nẹp, thuốc sát trùng… đảm bảo sơ cấp cứu trong trường hợp khẩn cấp.
Cách đây khoảng 4 tháng, trong lúc đi trên quốc lộ 1A (đoạn thuộc địa phận huyện Chi Lăng), ông Đinh Thành Công, xã Thượng Cường, huyện Chi Lăng không may bị va quệt giao thông nhưng may mắn được người dân phát hiện và gọi cho tình nguyện viên điểm sơ cấp cứu gần đó để sơ cứu ban đầu cho ông, sau đó hỗ trợ đưa lên trạm y tế thị trấn.
Từ khi được thành lập đến nay, các điểm sơ cấp cứu TNGT đã tiếp nhận sơ cấp cứu được hơn 250 trường hợp của hơn 200 vụ va chạm, TNGT. Điểm chốt sơ cấp cứu TNGT đã giúp giảm thiểu hậu quả do TNGT. Có được kết quả này là do lực lượng tình nguyện viên ở các trạm hoạt động nhiệt tình và có trách nhiệm, không quản ngại nắng, mưa hay đêm tối, khi nhận được tin báo hoặc bắt gặp vụ TNGT nào, đội ngũ tình nguyện viên cũng sẵn sàng tới hiện trường; không những hỗ trợ cấp cứu các vụ tai nạn mà còn hỗ trợ giúp đỡ các nạn nhân chuyển lên bệnh viện tuyến trên an toàn.
Bà Lương Thị Thon, Đội trưởng Điểm sơ cấp cứu TNGT thuộc thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc chia sẻ: Tôi tham gia tình nguyện tại điểm sơ cấp cứu từ khi mới thành lập, đã qua 8 năm hoạt động, điểm sơ cấp cứu này đã sơ cứu cho gần 40 người bị TNGT; không chỉ sơ cấp cứu cho người bị TNGT, các tình nguyện viên tại điểm sơ cấp cứu còn năng nổ trong tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
Những năm qua, Hội Chữ thập đỏ tỉnh cũng đã phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh lắp các biển thông báo điểm sơ cấp cứu ở những điểm đen giao thông, trên biển có ghi rõ số điện thoại của tình nguyện viên. Do vậy, khi có tai nạn xảy ra, người đi đường có thể nhìn vào biển báo và liên hệ lực lượng tình nguyện viên đến sơ cấp cứu kịp thời. Bên cạnh đó, hội thường xuyên mở lớp tập huấn cho các tình nguyện viên để họ có thêm kiến thức, kỹ năng trong việc cấp cứu người bị nạn. Đồng thời thường xuyên rà soát, bổ sung kịp thời đội ngũ tình nguyện viên ở các điểm còn thiếu. Để nâng cao hiệu quả hoạt động này, các tình nguyện viên cũng thường xuyên luyện tập, chia sẻ kinh nghiệm về sơ cứu, cấp cứu. Qua 8 năm hoạt động và đã phát huy hiệu quả tích cực, tuy nhiên, các trạm sơ cấp cứu hiện vẫn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động như kinh phí, cung cấp kịp thời vật tư y tế…
Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết: Tại các điểm sơ cấp cứu TNGT, các tình nguyện viên rất nhiệt tình, năng nổ song vẫn hoạt động trên tinh thần tự nguyện chứ chưa có nguồn kinh phí hỗ trợ và các trang thiết bị cần thiết để sơ cấp cứu nạn nhân. Chính vì vậy rất cần sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa từ cộng đồng, các cấp ủy, chính quyền, các nhà hảo tâm để động viên các tình nguyện viên tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, kịp thời giúp đỡ người bị nạn.
TUẤN ANH

Ý kiến ()