Mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Bình Lục
Với quyết tâm không ngừng hỗ trợ nông dân nâng cao thu nhập trong sản xuất nông nghiệp, huyện Bình Lục (tỉnh Hà Nam) đang đẩy mạnh thực hiện mô hình cánh đồng thâm canh ba vụ đạt giá trị gia tăng cao. Trong năm 2013, hiệu quả kinh tế từ mô hình này đạt khá cao, bình quân 140 triệu đồng/mô hình.
Năm 2013 là năm đầu tiên Bình Lục thực hiện mô hình cánh đồng thâm canh ba vụ đạt giá trị thu nhập cao có quy mô diện tích tập trung từ 25 ha trở lên. Đây là một trong những tiền đề quan trọng để Bình Lục tiến tới xây dựng cánh đồng mẫu năm 2014.
Thực hiện “ba cùng”
Ông Đặng Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Lục cho biết, nhằm triển khai xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, năm 2013 UBND huyện đã giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Lục tiến hành khảo sát, quy hoạch, đánh giá điều kiện cụ thể của từng địa phương. Theo đó, có 6 xã có đủ điều kiện xây dựng mô hình cánh đồng thâm canh ba vụ đạt giá trị thu nhập cao có quy mô diện tích tập trung từ 25 ha trở lên, đó là Bình Nghĩa, Tràng An, Đồng Du, An Lão, Bồ Đề và An Ninh. Bình Lục đã tổ chức hội nghị mời lãnh đạo các xã, trưởng ban nông nghiệp, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thảo luận, tham gia ý kiến đóng góp xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện mô hình. Đồng thời, huyện cũng chỉ đạo tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất thâm canh cho các chủ nhiệm, phó chủ nhiệm 6 xã cách thức thực hiện mô hình và đi tham quan một số mô hình cây trồng hàng hoá xuất khẩu của các tỉnh bạn. Để mô hình hoạt động ổn định, đạt hiệu quả cao, địa phương cũng đẩy mạnh việc liên kết với các doanh nghiệp trong việc cung ứng giống, vật tư và bao tiêu sản phẩm.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, mô hình thâm canh ba vụ gắn với thực hiện “ba cùng” (cùng trà – cùng giống – cùng chế độ chăm sóc), về tổng thể, đã giúp tăng năng suất từ 15-20%; giảm được chi phí sản xuất do áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào quá trình sản xuất. Việc gieo cấy ở mô hình này được áp dụng theo hình thức gieo sạ với chi phí chỉ từ 10-15.000 đồng/sào (nếu thuê cấy bằng tay sẽ chi phí khoảng 220.000 đồng/sào); công đoạn gặt cũng được thực hiện bằng máy, với chi phí khoảng 120-130.000 đồng/sào (nếu gặt bằng tay sẽ cần chi phí khoảng 250.000 đồng/sào);… Như vậy, khi triển khai thực hiện mô hình này đã giúp nông dân giảm được tổng chi phí từ 300-350.000 đồng/sào. Có thể thấy, nhờ giảm được chi phí sản xuất, nên đã góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Nhờ việc xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng mùa vụ, bố trí cơ cấu giống, lịch thời vụ, quy trình thâm canh của từng giống, các biện pháp tổ chức thực hiện nên về cơ bản, Bình Lục đã tạo được sự đồng thuận trong nông dân thực hiện mô hình. Theo đó, nhiều xã có diện tích thực hiện mô hình vượt kế hoạch như Tràng An với 35 ha; xã Bồ Đề với 28 ha; xã Đồng Du với 27 ha;… Nhìn chung, các xã đều có khả năng đáp ứng được sản xuất ba vụ trong năm, có hệ thống thuỷ lợi bảo đảm phục vụ cho sản xuất. Hệ thống giao thông nội đồng và giao thông nông thôn tương đối thuận tiện, nên thuận tiện cho việc đưa cơ giới vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Theo ông Đặng Thanh Bình, để giúp nông dân thực hiện mô hình, vụ đông xuân 2012-2013, địa phương đã hỗ trợ tiền lúa giống là 149.477.004 đồng. Ở vụ này, tổng diện tích quy hoạch là 171 ha với 1.708 hộ tham gia, diện tích được nghiệm thu là 168,56 ha. Để đảm bảo cùng giống, cùng trà, cùng chế độ chăm sóc, nên có 3 mô hình gieo cấy giống Khang Dân 18 với năng suất đạt 68 tạ/ha; 2 mô hình gieo cấy bằng giống Bắc Thơm số 7 với năng suất đạt 55 tạ/ha; 1 mô hình gieo cấy bằng giống Khang Dân 28 với năng suất đạt 69 tạ/ha. Để góp phần làm giảm chi phí sản xuất, có 5 mô hình áp dụng phương pháp gieo sạ, chỉ có một mô hình chỉ gieo sạ được 1 ha trên đất thịt, còn lại phải gieo cấy bằng tay do đất pha cát, gieo sạ khó. Qua kiểm tra, hầu hết diện tích gieo sạ phát triển tốt, mật độ bông cao hơn so với lúa cấy, năng suất lúa gieo sạ cao hơn so với lúa cấy từ 10-15 kg/sào. Ngoài tiết kiệm được chi phí gieo cấy, việc sử dụng đạm u rê mỗi sào gieo sạ giảm hơn so với lúa cấy từ 1-1,5 kg/sào. Do cấy cùng giống, cùng trà, cùng chế độ thâm canh nên lúa có độ đồng đều cao về chất lượng; tỷ lệ sâu bệnh ít hơn so với ngoài vùng; thuận tiện cho việc cơ giới hoá khâu thu hoạch để hạ giá thành sản phẩm. Trong vụ đông xuân, đã có nhiều mô hình đã thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp như ở An Ninh, Bồ Đề,…
Từ kết quả tích cực bước đầu thí điểm đã đạt được của vụ đông xuân 2012-2013, trong vụ mùa 2013, huyện Bình Lục vẫn giữ và phát triển được các mô hình với diện tích và số hộ nông dân tham gia. Với vụ này, địa phương đã hỗ trợ 186.896.430 đồng cho nông dân tham gia thực hiện mô hình. Nhìn chung, năng suất vụ mùa đạt bình quân 55,4 tạ/ha.
Với vụ đông năm 2013-2014, các mô hình này thực hiện trồng cây màu. Với vụ này, địa phương hỗ trợ kinh phí cho nông dân tham gia thực hiện mô hình là 235.522.481 đồng. Nhìn chung, các mô hình đã căn cứ vào điều kiện tự nhiên cũng như thế mạnh của từng vùng để lựa chọn cây màu phù hợp, hướng tới cây sản xuất hàng hoá. Có bốn mô hình trồng cây bí xanh, một mô hình trồng bí đỏ và một mô hình trồng cây ngô ngọt xuất khẩu.
Nâng cao giá trị gia tăng
Có thể thấy, tuy mới được đưa vào thực hiện từ năm 2013, nhưng mô hình thâm canh ba vụ đạt giá trị thu nhập cao có quy mô diện tích tập trung từ 25 ha trở lên ở Bình Lục là đúng hướng. Hầu hết 6 mô hình ở 6 xã đều hoàn thành các nội dung yêu cầu của kế hoạch đề ra, như đảm bảo các tiêu chí cùng trà, cùng giống, cùng áp dụng biện pháp thâm canh; áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh; cơ giới hoá khâu làm đất, thu hoạch có hiệu quả nên đã góp phần giảm chi phí sản xuất, tạo vùng sản xuất hàng hoá tập trung, năng suất cao.
Nhìn chung, phương thức sản xuất tại các mô hình bước đầu đều cho kết quả tích cực. Chẳng hạn, với phương thức “2 vụ lúa 1 vụ đông trồng cây bí xanh” cho giá trị thu hoạch là 183 triệu đồng/ha; phương thức “2 vụ lúa 1 vụ đông trồng cây ngô ngọt xuất khẩu” đạt giá trị là 127,5 triệu đồng/ha; hoặc như phương thức “2 vụ lúa 1 vụ đông trồng cây ngô nếp thương phẩm” đạt giá trị 113,7 triệu đồng/ha;… Với việc thực hiện đa phương thức trong sản xuất, các mô hình đã đưa cây trồng hàng hoá vào sản xuất. Nhờ đó, đã góp phần hình thành sự ký kết hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, tạo tiền đề quan trọng cho những vụ sản xuất tiếp theo, hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, giảm chi phí sản xuất, bảo đảm đầu ra và nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích và nâng cao thu nhập cho nông dân. Mặt khác, việc thực hiện mô hình này bước đầu cũng đã tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ cơ sở từ xã đến hợp tác xã và các thôn xóm tổ chức sản xuất theo kế hoạch tập trung, áp dụng các tiếp bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với các vùng sản xuất bình thường.
Cần phát triển theo hướng bền vững
Tuy mô hình cánh đồng thâm canh ba vụ bước đầu đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, nhưng cũng còn một số tồn tại nhất định. Chẳng hạn, ở vụ đông năm 2013-2014, có nhiều hộ đã đăng ký trồng cây màu, đã nhận giống nhưng sau đó lại xin trả lại. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự việc này, như đưa cây trồng mới, nông dân chưa có tập quán canh tác nên ngại tiếp nhận; nông dân sợ chi phí sản xuất cao; lo sợ gặp rủi ro do thời tiết, khi thu hoạch đạt hiệu quả không cao. Thập chí, có hộ gia đình còn cho rằng, hiệu quả kinh tế của vụ đông không cao bằng so với lao động ngoài thị trường… Việc quy hoạch đáp ứng yêu cầu tưới tiêu của một vài mô hình chưa thực sự thuận lợi. Đường ra đồng, kênh mương chưa thực sự được kiên cố hoá; một số mô hình sản xuất cây vụ đông hệ thống tưới tiêu còn gặp nhiều khó khăn.
Công tác tuyên truyền, vận động các hộ nông dân trong vùng thực hiện mô hình trồng cây vụ đông hàng hoá hiệu quả chưa cao. Tỷ lệ hộ trồng đúng cây trồng đã đăng ký như cây bí xanh, bí đỏ, cây ngô ngọt còn đạt tỷ lệ thấp. Vẫn còn một số mô hình chưa có doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản cho nông dân ở vụ đông xuân và vụ mùa.
Để thực hiện thành công xây dựng cánh đồng mẫu năm 2014 trên cơ sở những kết quả đã đạt được từ mô hình cánh đồng thâm canh ba vụ, hiện Bình Lục đang tiếp tục bổ sung, hoàn thiện kế hoạch xây dựng cánh đồng mẫu năm 2014 của địa phương. Các xã thực hiện mô hình sơ kết việc thực hiện xây dựng cánh đồng ba vụ năm 2013 để rút ra kinh nghiệm cho thời gian tới.
Đối với sản xuất hai vụ lúa đông xuân 2013-2014 và vụ mùa 2014, theo UBND huyện Bình Lục, các địa phương cần tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các hộ tham gia thực hiện sản xuất bảo đảm yêu cầu ba cùng “cùng giống – cùng trà – cùng chế độ thâm canh”. Về cơ bản, các mô hình thực hiện gieo sạ và thu hoạch bằng máy. Với vụ mùa cần sử dụng giống ngắn ngày để sớm có diện tích tiến hành sản xuất vụ đông.
Đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp sản xuất giống cây trồng, các doanh nghiệp thu mua và chế biến nông sản ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho các nông hộ tham gia vùng cánh đồng mẫu. Tăng cường công tác hỗ trợ giống cây trồng vụ đông năm 2014-2015 cho các giống như bí xanh, bí đỏ, ngô đông.
Tăng cường và có cơ chế xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất như cứng hoá đường giao thông ra đồng, kiên cố hoá kênh mương, trạm bơm tưới tiêu cùng với nguồn hỗ trợ của tỉnh. Huy động và vận động các nguồn vốn từ xã hội, của địa phương và nhân dân để xây dựng cánh đồng mẫu ngày càng hoàn thiện và bền vững…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()