tle=”Mô hình liên minh sản xuất ở Ninh Thuận” on click=”$('#gallery_105649419_1_329134').click(); return false;” href=”ja vasc ript:void(0);”> Cán bộ BQL dự án vận động nông dân tham gia liên minh sản xuất. Từ năm 2009, Hiệp hội phát triển quốc tế và Chính phủ Việt Nam tài trợ 75 triệu USD cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai dự án cạnh tranh nông nghiệp và hỗ trợ các liên minh sản xuất tại các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Gia Lai, Đác Lắc, Lâm Đồng, Bình Định, Ninh Thuận và Bình Thuận. Ở Ninh Thuận, sau hơn hai năm triển khai, các liên minh sản xuất đã mang lại hiệu quả tích cực, mở ra triển vọng mới cho kinh tế hợp tác phát triển, giúp nông dân vươn lên thoát nghèo.
Hiệu quả nhờ liên kết sản xuất
Theo dự án, Ninh Thuận được tài trợ 8,24 triệu USD để triển khai bốn hợp phần chính, gồm: “Tăng cường công nghệ nông nghiệp”; “Hỗ trợ liên minh sản xuất”; “Cơ sở hạ tầng thiết yếu” và “Quản lý dự án” với 11 tiểu hợp phần.
Mục tiêu của hợp phần “Hỗ trợ các liên minh sản xuất” nhằm tạo điều kiện cho các hộ sản xuất nhỏ và doanh nghiệp (DN) cùng liên minh làm ra sản phẩm có chất lượng để nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường… Trong 24 tháng tham gia liên minh, các hộ nông dân được hưởng 40% chi phí vật tư, con giống, tập huấn kỹ thuật sản xuất. DN thì cam kết thu mua sản phẩm của thành viên bằng hoặc cao hơn 10% so với giá thị trường; quảng bá, tìm đối tác ký hợp đồng cung cấp sản phẩm. Trong ba năm (2009-2011), Ninh Thuận thành lập chín liên minh sản xuất (LMSX), hoạt động rất hiệu quả.
Tại xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, trong khuôn viên đất hơn một ha được xây dựng lò giết mổ bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, có lắp đặt dây chuyền sản xuất hiện đại để cho ra hàng chục tấn thịt cừu tươi mỗi ngày. Chủ tịch Liên minh nuôi cừu Huỳnh Thiên Nguyễn Thanh Thoại, cho biết: Tháng 3-2010, DN và Tổ hợp tác thôn Lương Cách, xã Hộ Hải phối hợp thành lập liên minh. Được Ban quản lý dự án hỗ trợ không hoàn lại số tiền 2,3 tỷ đồng (DN được hỗ trợ 370 triệu đồng, số còn lại hỗ trợ đều cho 52 hộ dân), liên minh đã đầu tư giống; nâng cấp chuồng nuôi; trồng cỏ; tiêm vắc-xin phòng bệnh cho hơn ba nghìn con cừu của các hộ thành viên; mở trang thông tin điện tử quảng cáo sản phẩm. Các hộ thành viên được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, nên đàn cừu thịt, cừu giống tăng trọng rất nhanh.
Hai năm qua, DN đã thu mua của các thành viên 52 tấn cừu hơi với giá 58 nghìn đồng/kg, tăng 18 nghìn đồng/kg so với giá thị trường cùng thời điểm. Sau khi đóng gói thành phẩm mang thương hiệu “Liên minh cừu Huỳnh Thiên”, đã cung cấp cho nhiều khách hàng ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam, đạt doanh thu hơn năm tỷ đồng, tăng 150% so với trước đây. Bình quân mỗi hộ lãi 40 triệu đồng/năm.
Ngày thành lập liên minh vui lắm, bà con phấn khởi lùa đàn cừu của gia đình đến trang trại, tất bật đánh số thứ tự cho từng con, thành lập nhóm đánh giá chất lượng rồi lập kế hoạch vỗ béo cừu theo quy trình chăm sóc mới để liên minh chủ động ký kết cung cấp thịt cho khách hàng, không khí rất nhộn nhịp – ông Phan Đình Bảy, thành viên của liên minh, nói.
Cùng đi tham quan một số vườn táo của Liên minh trồng táo xanh Văn Hải, phường Văn Hải, TP Phan Rang – Tháp Chàm, Bí thư Đảng ủy phường Võ Sinh thổ lộ: Mấy năm qua, người dân tích cực hưởng ứng chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, nên phần lớn đường giao thông từ khu dân cư đến các vùng đất sản xuất đã được bê-tông hóa rộng rãi, sạch sẽ. Nhờ vậy, chi phí vận chuyển nông sản giảm đáng kể; chuyện sản phẩm bị hư hại do đường vận chuyển xấu không còn, nên nông dân không còn bị tư thương ép giá. Cấp ủy, chính quyền đã tuyên truyền, vận động 90 nông hộ trồng táo xanh nhỏ lẻ, manh mún phối hợp với cơ sở thu mua táo thành lập liên minh vào tháng 6-2010, được Ban quản lý dự án hỗ trợ 2,4 tỷ đồng. Có thời điểm DN thu mua sản phẩm của thành viên với giá cao hơn 8% so với sản phẩm cùng loại của những hộ ngoài liên minh bán cho tư thương. Nhờ đó, 40 hộ thành viên đã thoát nghèo, có điều kiện nuôi các con ăn học.
Phấn khởi với những mùa vụ bội thu và kinh doanh có hiệu quả, anh Lê Văn Sanh, chủ cơ sở thu mua táo nói: Điểm nổi bật nhất sau khi thành lập liên minh là tư tưởng “đèn nhà ai, nhà nấy tỏ” không còn nữa. Các hộ thành viên hào hứng chia sẻ kinh nghiệm, họp bàn bạc sâu kỹ để tìm phương thức sản xuất hiệu quả, nâng chất lượng sản phẩm và đã thống nhất cao việc thành lập nhóm chăm sóc 30 ha táo “tập thể” mỗi ngày. Do đó, dịch bệnh gây hại cây trồng giảm, năng suất từ 38 tấn tăng lên 42 tấn quả tươi/ha/năm. DN thu mua 1.140 tấn táo, đạt doanh thu 6 tỷ 800 triệu đồng. Tết này, nông dân trúng lớn.
Thăm Liên minh sản xuất lúa giống Nha-hô-xít Vụ Bổn của đồng bào Chăm ở xã Phước Ninh, huyện Thuận Nam trong lúc nông dân đang thu hoạch lúa vụ mùa năm 2011, lão nông Từ Công Thức cho biết: Được sự hỗ trợ của tập thể liên minh, 1,5 ha trồng lúa giống của gia đình cho năng suất gần chín tấn/ha (tăng hai tấn so với các vụ trước). Vụ mùa này, tăng thêm thu nhập hàng chục triệu đồng. Hòa chung niềm vui, Chủ nhiệm Hợp tác xã Vụ Bổn Mã Lạc nói: Năm vừa qua, 166 ha của 125 hộ thành viên trồng hai vụ lúa giống Nha-hô-xít và được Công ty CP giống cây trồng Nha Hố xác nhận lúa đạt yêu cầu làm giống, nên đã ký hợp đồng thu mua hết sản phẩm. Hợp tác xã đã xây dựng vùng chuyên canh sản xuất lúa giống chất lượng cao và sẽ nâng diện tích gấp từ hai đến ba lần trong năm 2012.
Ngược về vùng trồng rau an toàn với diện tích 250 ha của hai Liên minh rau an toàn Tuấn Tú – Đại Lợi và Liên minh rau an toàn xã An Hải tại huyện Ninh Phước, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của 167 hộ thành viên liên minh đang háo hức vì trúng mùa, được giá trong thời điểm những ngày đón Tết Nguyên đán Nhâm Thìn đang đến gần. Ông Trần Văn Hoán, đại diện Liên minh rau Tuấn Tú – Đại Lợi nói: Sau một năm liên minh, giá trị sản lượng đạt 5,28 tỷ đồng, tăng 139% so với mục tiêu đề ra. Qua tiếp thị, DN đã mở rộng thị trường tiêu thụ tại thành phố Hồ Chí Minh và đạt doanh thu cao. Rau an toàn được thị trường ưa chuộng vì nông dân không còn sử dụng thuốc hóa học trừ sâu.
Các liên minh còn lại như: Liên minh sản xuất giống dê Bách-bo-ơ Phước Hậu; LMSX giống ngô Nha-hô-xít; Liên minh mít đặc sản Sông Pha; Liên minh giống mía Pha-su-cô… cũng đã mang lại hiệu quả cao, tăng thu nhập đáng kể cho người dân.
Giải pháp mở rộng mô hình
Với hiệu quả mang lại trong ba năm qua, hoạt động của các LMSX ở Ninh Thuận đã làm thay đổi tích cực tư duy sản xuất của nông dân và đang thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của dư luận về mô hình này. Điều đáng mừng là các sản phẩm như: lúa giống, rau, táo, cừu… đã có đầu ra ổn định, thu nhập của nông dân và DN tăng cao. Đây là một trong những yếu tố then chốt, là điều kiện thuận lợi để Ninh Thuận tiếp tục thành lập liên minh đối với các ngành hàng khác như: LMSX hành tỏi, sản xuất muối, nho…
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận Châu Thăng Long nhận xét: Các liên minh giảm sử dụng các chất hóa học bảo vệ cây trồng, vật nuôi, làm ra sản phẩm sạch và chất lượng đã nhanh chóng tạo được uy tín trên thị trường. Tuy nhiên, cần nỗ lực nhân rộng cách làm hay của các tổ hợp tác; đẩy mạnh cải tạo, nâng cao chất lượng giống và mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm ổn định thì sẽ tốt hơn.
Theo Ban quản lý dự án cạnh tranh nông nghiệp Ninh Thuận, kinh nghiệm cho thấy, nơi nào có thành viên là cán bộ của chính quyền địa phương tham gia quản lý, giám sát hoạt động sản xuất, thì nơi đó các mối quan hệ cũng như tranh chấp phát sinh trong liên minh đều được giải quyết kịp thời. Do mới thành lập, nên năng lực quản lý của người đứng đầu một số liên minh còn hạn chế và một số tổ hợp tác còn thụ động, nên những vướng mắc giữa DN và thành viên chưa được giải quyết nhanh, ảnh hưởng đến chất lượng sản xuất. Đơn cử như có DN năng lực tài chính chưa mạnh, gặp lúc giá cả thị trường biến động, đã phân loại chất lượng sản phẩm thiếu khách quan rồi tự thay đổi giá thu mua, chậm thanh toán tiền cho thành viên… dễ làm rạn nứt sự liên kết trong các liên minh. Hiện tại, còn nhiều vùng nông thôn vẫn chưa mạnh dạn thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún…, vô hình trung trở thành rào cản trong việc nhân rộng mô hình liên minh, khó đưa được kỹ thuật nông nghiệp hay cơ giới hóa vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng nông sản, nên khả năng cạnh tranh sản phẩm chưa mạnh.
Đến năm 2013, Ninh Thuận phấn đấu có ít nhất 12 LMSX; tổ chức đào tạo cho năm nghìn nông dân học tập phương thức sản xuất mới thông qua các chương trình khuyến nông. Có ít nhất 30% số hộ nông dân áp dụng các mô hình canh tác, quản lý dịch hại tổng hợp IPM. Phấn đấu giảm ít nhất 20% nông sản có dư lượng hóa chất vượt mức cho phép trong vòng năm năm; giảm 50% thất thoát sau thu hoạch so với hiện nay; tạo việc làm cho 12 nghìn lao động nữ, đồng bào dân tộc thiểu số và sáu nghìn nông dân tham gia các liên minh được hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng do dự án hỗ trợ.
Từ những bài học kinh nghiệm qua thực tiễn, những năm tiếp theo, hiệu quả của các LMSX sẽ phát triển rộng khắp, mang lại hiệu quả cao hơn trên nhiều lĩnh vực, góp phần thiết thực trong nâng cao chất lượng cuộc sống ở các vùng nông thôn Ninh Thuận.
Theo Nhandan
Ý kiến ()