Mô hình kinh tế VACR hiệu quả
Theo Trạm Khuyến nông huyện Văn Chấn (Yên Bái), mô hình kinh tế kết hợp vườn - ao - chuồng - rừng (VACR) của gia đình anh Hà Đình Huấn, thôn 5 Khe Liền, xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn được đánh giá là khá hiệu quả ở tỉnh. Với 21 ha đồi rừng giao khoán của Nhà nước, hơn 5.000 m2 ao thả cá, một hệ thống dãy chuồng lợn cùng với đàn bò 11 con, gia đình anh Hà Đình Huấn đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Năm 2006, khi huyện Văn Chấn có chính sách giao đất giao rừng, anh Huấn nhận 21 ha đất để đầu tư trồng keo và bồ đề. Qua các lớp tập huấn của Trạm Khuyến nông huyện Văn Chấn, anh được tiếp cận những tiến bộ kỹ thuật về việc ươm, trồng rừng. Nhờ đó mà rừng trồng của gia đình anh ngày càng xanh tốt, đến kỳ khai thác cây đạt sản lượng cao, đem lại nguồn thu lớn. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, gia đình anh đã bắt đầu khai thác bảy ha rừng trồng đến kỳ thu hoạch, trung bình mỗi ha cho thu khoảng 80 triệu đồng, sau khi trừ mọi chi phí, cho lãi hơn 300 triệu đồng.
Thấy quỹ đất của gia đình vẫn còn, để lấy ngắn nuôi dài, vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, anh Huấn tiếp tục đầu tư nuôi bò, lợn. Có thời điểm, gia đình anh nuôi bảy con lợn nái và hơn 50 con lợn thịt, năm con bò sinh sản và sáu con bò thịt. Để tận dụng chất thải chăn nuôi, anh đào ao rộng hơn 5.000 m2 thả nuôi các loại cá chép, trắm cỏ, cá rô phi đơn tính và cá chim… Mỗi năm thu hoạch hai lần, anh thu được khoảng hơn một tấn cá; với giá bán trung bình 30 nghìn đồng/kg, trừ mọi khoản chi phí, cho thu lãi gần 30 triệu đồng. Ngoài ra, hơn 200 con gà ri lai và hơn 100 khóm măng tre bát độ đang cho thu hoạch cũng đem lại cho gia đình hơn 20 triệu đồng mỗi năm.
Nhờ xây dựng mô hình kinh tế VACR thành công mà từ một hộ khó khăn, gia đình anh Hà Đình Huấn đã vươn lên thành hộ khá giả của xã Đại Lịch.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()