An toàn trong lũ
Ngay những ngày nước lũ sông Cửu Long đang đổ về với tần suất mạnh, vượt báo động III, chúng tôi có mặt tại các tiểu vùng thuộc mô hình kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao. Hệ thống cống đã được đóng ngay khi nước lũ chạm ngưỡng báo động III, ông Lê Văn Nựng, cán bộ quản lý và vận hành cống Phú Hiệp cho biết: “Từ giữa cuối tháng 8, mực nước lũ bắt đầu đổ về sông Tiền, chúng tôi đã tiến hành đóng, mở cống theo chế độ nhật triều, bảo đảm lưu thông nguồn nước phù sa vừa bảo đảm an toàn cho các tiểu vùng sản xuất. Đến ngày 30-9, chúng tôi đã đóng cống tuyệt đối do nước lũ đã vượt báo động III. Hiện mức nước trong và ngoài cống đã chênh nhau đến hơn 1,7 m. Nếu không có hệ thống vận hành cống chắc chắn tất cả các tiểu vùng và hệ thống đê bao nội đồng tại đây sẽ bị vỡ như nhiều địa phương khác, do cường suất nước từ sông Tiền đổ về rất mạnh”. Cống Phú Hiệp chịu trách nhiệm điều tiết, kiểm soát nước cho nhiều tiểu vùng sản xuất thuộc dự án kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao như tiểu vùng 16, 17, 18, 19. Các tiểu vùng trên được chia tách theo địa giới hành chính và theo hệ thống đê, kênh mương nội đồng kiểm soát lũ.
Theo tuyến kênh Phú Hiệp, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Đực, Trưởng Ban quản lý tiểu vùng 18 thuộc ba xã: Phú Hưng, Phú Thọ và thị trấn Phú Mỹ (Phú Tân) dẫn thăm những cánh đồng lúa nếp từ 30 đến hơn 45 ngày tuổi đang phát triển rất tốt. Cư dân dọc tuyến kênh Phú Hiệp hầu như chẳng mấy bận tâm với việc nước lũ đang ngày đêm đe dọa nhiều địa phương trong tỉnh, trong khu vực. Nông dân Phạm Văn Rùm (ấp Phú Mỹ Thượng, xã Phú Thọ, huyện Phú Tân) chia sẻ: “Mấy ngày nay, chúng tôi cũng theo dõi trên đài, báo thấy lũ làm vỡ đê, ngập lụt, nhưng ở đây chuyện lũ lớn, lũ nhỏ hầu như chẳng thấy. Khi dự án bắt đầu triển khai từ năm 2006 đến nay, đâu có lũ lớn như vầy đâu để thấy nó hiệu quả hay không. Nhưng bây giờ thấy bà con nông dân an toàn sản xuất, nhà cửa không ngập lụt, mừng lắm”. Còn tại khu vực cống Mương Tri (xã Lê Chánh, thị xã Tân Châu), hàng nghìn ha lúa vụ thu đông đã bắt đầu trổ đòng đòng. Ông Trịnh Văn Ấn, một nông dân bày tỏ: “Mừng lắm, năm 2000, nước lũ lên, ở đây người lớn đứng trước sân còn lút đầu chứ nói chi tới chuyện làm lúa vụ 3 an toàn như vầy. Lũ năm nay nhà cửa, ruộng vườn không bị ngập do cống đã đóng ngay lúc nước bắt đầu lên cao. Người dân chúng tôi bây giờ thật sự an tâm nhờ dự án kiểm soát lũ”.
Đồng chí Phan Văn Dũng, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Tân Châu, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thị xã cho biết: “Nếu không có dự án được vận hành an toàn, lũ lớn năm 2011 này, hơn 3.600 ha diện tích sản xuất vụ thu đông của năm xã, phường ven kênh Vĩnh An, sông Tiền và sông Hậu (thuộc vùng dự án Bắc Vàm Nao) trên địa bàn thị xã Tân Châu rất khó mà giữ được. Nhờ có dự án kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao, chính quyền và nhân dân thị xã rất yên tâm.
Năm nay, toàn vùng kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao hầu hết đều canh tác vụ thu đông, trong đó, huyện Phú Tân có hơn 13.300 ha canh tác nếp đặc sản và thị xã Tân Châu có khoảng 3.600 ha canh tác lúa cao sản. Theo Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão tỉnh An Giang, từ khi lũ năm 2011 bắt đầu về đến nay, toàn vùng kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao không có diện tích sản xuất bị ngập, 100% đê bao, người dân, nhà cửa, tài sản an toàn trong lũ.
Đưa khoa học kỹ thuật vào “trị thủy”
Từ hiệu quả thực tế trong việc ứng phó an toàn với lũ đầu nguồn sông Cửu Long ngay trong cơn lũ lịch sử năm 2011, đã cho thấy hiệu quả của việc ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào việc trị thủy an toàn. Mô hình kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao được kiểm chứng trong cơn lũ lịch sử năm nay đã tạo nên những thay đổi đáng kể tại cù lao hai địa phương Phú Tân, Tân Châu so với các vùng khác trong tỉnh An Giang. Việc phân cấp quản lý các công trình thủy lợi đã tạo sự quản lý thống nhất trong hệ thống đê bao ngăn lũ triệt để, gia tăng diện tích sản xuất, cải tạo cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo thêm thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.
Mục đích chính của dự án kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao là thiết lập hệ thống quản lý nước tổng hợp nhằm hỗ trợ An Giang xây dựng, vận hành hệ thống thủy lợi một cách có hiệu quả nhất. Tính bền vững về môi trường và xã hội sẽ luôn song hành cùng lợi ích kinh tế địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Chính yếu tố đó, ngay từ đầu triển khai thực hiện, vùng dự án kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao được xác định có lợi thế và giàu tiềm năng để phát triển nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Cùng với việc trị thủy an toàn, những thành công bước đầu trong quá trình chuyển dịch cơ cấu theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa chất lượng cao (nếp đặc sản Phú Tân, hoa màu, lúa chất lượng cao tại Tân Châu…), đáp ứng nhu cầu thị trường đã mang lại hiệu quả cho nông dân và chính quyền các địa phương. Từ khi hệ thống công trình được vận hành khai thác, tất cả đã tạo nên những thay đổi đáng kể tại hai địa phương cù lao Tân Châu, Phú Tân nằm giữa hai con sông Tiền, sông Hậu thuộc vùng Bắc Vàm Nao. 24 tiểu vùng thuộc hệ thống kiểm soát lũ cùng với hệ thống đê bao nội đồng trong từng tiểu vùng, kể cả những vùng trũng, thấp, thường xuyên bị ngập vào mùa lũ hằng năm cũng được hệ thống bảo đảm sản xuất ăn chắc.
Theo Trưởng Ban quản lý tiểu vùng 18 Nguyễn Văn Đực, việc canh tác lúa vụ 3 đã được người dân tiến hành trước khi có dự án Bắc Vàm Nao từ hệ thống đê bao do địa phương, người dân đầu tư, thế nhưng chưa thật sự an toàn. Những vùng trũng luôn thấp thỏm khi lũ về. Hệ thống đê bao vì vậy cũng luôn trong tình trạng vỡ lúc nào không biết. Từ khi hệ thống kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao ra đời, đã giải quyết triệt để vấn đề trên, và còn hỗ trợ xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng hoàn chỉnh, các tuyến đê bao thuộc dự án đã trở thành đường giao thông liên xã, huyện. Hai cống đầu mỗi tuyến kênh trở thành hai nút thắt – mở hiệu quả cho tuyến giao thông thủy nội đồng.
Ngoài việc bảo đảm sản xuất an toàn cho diện tích lúa nếp vụ thu đông, hệ thống cống được vận hành khai thác tốt đã kiểm soát lượng nước, phù sa cho việc bố trí tái cơ cấu sản xuất, cây trồng, vật nuôi, giúp nông dân gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống gia đình. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Tân, Nguyễn Hữu Trí cho rằng: “Thông qua việc kiểm soát lũ bằng hệ thống cống, đê vành đai và các tuyến đê bao chia tách từng tiểu vùng không đơn thuần chỉ bảo vệ sản xuất, bảo đảm việc xả lũ theo chu kỳ ba năm tám vụ cho các tiểu vùng sản xuất, mà còn tạo thuận lợi về giao thông thủy, bộ liên xã, tạo điều kiện cho việc lưu chuyển hàng hóa, nông sản trong vùng một cách rộng khắp. Trẻ em đến trường thuận lợi cả trong lũ lớn, người dân có cả đường bộ lẫn thủy để di chuyển; tạo bước thay đổi đáng kể an sinh xã hội vùng dự án”.
Dự án kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao nằm đầu nguồn sông Cửu Long (giữa sông Tiền và sông Hậu), bao gồm diện tích của thị xã Tân Châu và huyện Phú Tân (An Giang). Dự án được Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Ô-xtrây-li-a đồng tài trợ. Khu vực dự án có diện tích 30.836 ha, trong đó diện tích đất sản xuất là 24.039 ha (tỷ lệ 78%) chủ yếu trồng nếp đặc sản Phú Tân, lúa chất lượng cao và một phần hoa màu, phân bố trên địa giới hành chính của 22 xã, phường, thị trấn.
Ý kiến ()