Mô hình huyện phát triển toàn diện ở Phước Long
Năm 2006, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu ra Chỉ thị số 05 về "Xây dựng phát triển toàn diện huyện Phước Long, giai đoạn 2006 - 2010". Sau năm năm thực hiện mô hình này, huyện đã đạt kết quả rất đáng khích lệ, bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống nhân dân có bước phát triển. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chọn huyện Phước Long là một trong năm đơn vị trong cả nước thực hiện điểm chỉ đạo xây dựng huyện phát triển toàn diện, giai đoạn 2010-2015.Những kết quả khá ấn tượngSau năm năm thực hiện Đề án xây dựng huyện phát triển toàn diện, đến nay huyện Phước Long đã hoàn thành hầu hết các tiêu chí của Đề án, sáu trong số tám xã, thị trấn được công nhận phát triển toàn diện. Trong quá trình thực hiện việc xây dựng nông thôn mới theo Quyết định 491 và Quyết định 800 của Thủ tướng Chính phủ, Huyện ủy, UBND huyện luôn xác định và coi đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Đặc biệt, đối với huyện Phước Long được Ban chỉ đạo Chương trình mục...
Năm 2006, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu ra Chỉ thị số 05 về “Xây dựng phát triển toàn diện huyện Phước Long, giai đoạn 2006 – 2010”. Sau năm năm thực hiện mô hình này, huyện đã đạt kết quả rất đáng khích lệ, bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống nhân dân có bước phát triển. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chọn huyện Phước Long là một trong năm đơn vị trong cả nước thực hiện điểm chỉ đạo xây dựng huyện phát triển toàn diện, giai đoạn 2010-2015.
Những kết quả khá ấn tượng
Sau năm năm thực hiện Đề án xây dựng huyện phát triển toàn diện, đến nay huyện Phước Long đã hoàn thành hầu hết các tiêu chí của Đề án, sáu trong số tám xã, thị trấn được công nhận phát triển toàn diện. Trong quá trình thực hiện việc xây dựng nông thôn mới theo Quyết định 491 và Quyết định 800 của Thủ tướng Chính phủ, Huyện ủy, UBND huyện luôn xác định và coi đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Đặc biệt, đối với huyện Phước Long được Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia chọn làm điểm chỉ đạo của Trung ương về xây dựng huyện nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2015. Huyện đã đề ra 30 tiêu chí, trong đó có tám tiêu chí về lĩnh vực kinh tế, nhằm phát huy tốt tiềm năng, lợi thế trên cả hai vùng sản xuất, đưa nền kinh tế của huyện phát triển mạnh. Nhờ vậy, GDP của huyện tăng trưởng với tốc độ khá cao từ 15 đến 16%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, đến nay đạt gần 16 triệu đồng, tăng hơn hai lần so với năm 2005.
Điểm nổi bật là, sản xuất nông nghiệp và thủy sản của huyện đạt được kết quả trên cả ba mặt: diện tích, năng suất và sản lượng, năm sau cao hơn năm trước. Đến nay, tổng sản lượng lương thực đạt hơn 170 nghìn tấn; sản lượng thủy sản đạt gần 21 nghìn tấn, tăng hơn hai lần năm 2005. Công tác xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển giao thông, thủy lợi và kè chống sạt lở đạt được kết quả rất phấn khởi. Huyện đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, xây dựng được hơn 400 km đường nhựa; bắc mới hơn 600 cây cầu bê-tông và nhiều công trình xây dựng dân dụng khác. Toàn huyện đã có 8/8 xã, thị trấn có đường nhựa cho xe bốn bánh lưu thông đến trung tâm xã; 78/78 ấp xây dựng được đường nhựa cho xe hai bánh lưu thông thuận lợi cả hai mùa mưa nắng; trụ sở các cơ quan, đơn vị, trường học, trạm y tế, bệnh viện, chợ được xây dựng khang trang…
Ngoài những kết quả trên, từ năm 2007 đến nay, Huyện ủy, UBND huyện Phước Long đã chủ động chỉ đạo xây dựng gần 150 km bờ kè chống sạt lở trên các tuyến sông chính, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm. Riêng từ đầu năm đến nay, huyện vận động quỹ an sinh xã hội – xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông – thủy lợi được hơn 16,2 tỷ đồng. Huyện được UBND tỉnh Bạc Liêu công nhận là đơn vị đầu tiên của tỉnh có 100% số ấp xây dựng được đường nhựa.
Đến một số ấp của thị trấn Phước Long và xã Vĩnh Thanh, qua tiếp xúc với cán bộ và bà con nông dân, chúng tôi ghi nhận hầu hết bà con trong huyện rất đồng tình, ủng hộ chủ trương, cách làm của huyện về việc xây dựng bờ kè ven sông chống sạt lở, vì việc làm này đem lại lợi ích thiết thực đối với nhân dân.
Chánh Văn phòng UBND huyện Phước Long Nguyễn Hữu Tới, dẫn chúng tôi đến quan sát bờ kè chống sạt lở tại thị trấn của huyện; đồng thời khẳng định: 'Một trong những việc làm mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội thiết thực, được hầu hết nhân dân hoan nghênh và đồng tình ủng hộ, đó là việc gần đây huyện xây dựng bờ kè một số tuyến sông, kênh lớn, ngăn chặn được tình trạng sạt lở kéo dài nhiều năm qua, bảo vệ sinh mạng và tài sản của nhân dân… Bởi tại huyện có con sông khá lớn chảy qua 23 ấp thuộc sáu xã, thị trấn, chiều dài hơn 30 km. Đáng lưu ý, trong những năm gần đây do các phương tiện vận tải đường thủy có công suất lớn ngày một tăng, ngày đêm liên tục qua lại trên con sông này, tác động mạnh gây sạt lở nghiêm trọng, đe dọa cuộc sống và sinh mạng của nhiều hộ dân. Thực tế mấy năm qua, tại tuyến sông này, năm nào cũng có nhiều vụ sạt lở bờ sông, gây thiệt hại rất lớn về tài sản của nhân dân, làm cho nhiều hộ sinh sống nơi đây luôn trong tình trạng hoang mang, lo sợ! Tất nhiên, trong quá trình vận động cán bộ, nhân dân đóng góp tiền, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, đầu tư vốn của tỉnh và Trung ương xây dựng bờ kè để có kết quả như hôm nay, không phải dễ dàng. Đó là sự nỗ lực, tâm huyết rất cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện…'.
Xây dựng huyện phát triển toàn diện
Theo Bí thư Huyện ủy Phước Long, Chính phủ vừa chấp thuận lấy huyện làm điểm chỉ đạo của Trung ương (ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long) về xây dựng nông thôn mới. Đây là vinh dự, là cơ hội và điều kiện rất thuận lợi để huyện phát huy thành tựu đạt được thời gian qua, tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt hơn nữa công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh sản xuất phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như: Trước hết, cần nghiêm túc đánh giá đúng những mặt làm được, tìm ra những nguyên nhân hạn chế, yếu kém, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm. Mặt khác, huyện tập trung làm tốt công tác rà soát, bổ sung và thực hiện các quy hoạch phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ; hạ tầng kinh tế – xã hội. Tăng cường đầu tư phát triển sản xuất trên cả hai vùng sinh thái, với nhiều mô hình đạt hiệu quả cao, chất lượng tốt, xây dựng được nhiều cánh đồng có thu nhập từ 70 đến 100 triệu đồng/ha, bảo đảm hàng hóa cạnh tranh được thị trường, tạo nhiều thương hiệu mới và tăng thu nhập bình quân đầu người.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phước Long đang tiếp tục phấn đấu cao hơn, bằng nhiều cách làm năng động, sáng tạo. Huyện ủy đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, với quyết tâm rất cao xây dựng huyện phát triển toàn diện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, để chứng mình rằng: Phước Long không chỉ là huyện anh hùng trong chiến đấu, mà luôn có khát vọng, ý chí vươn lên giàu mạnh, phấn đấu trở thành huyện anh hùng trong thời kỳ đổi mới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()