tle=”Mô hình hợp tác xã kiểu mới ở Lâm Đồng”> Chăm sóc cà chua giống mới tại phường 7, Đà Lạt (Lâm Đồng) Kinh tế tập thể (KTTT), trong đó kinh tế hợp tác xã (HTX) đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam.
Mô hình HTX đã và đang được khẳng định ở nhiều địa phương. Nhất là từ khi Luật HTX ra đời đến nay, sự tồn tại và phát triển của KTTT mang tính tất yếu trong thời kỳ kinh tế mở cửa, hội nhập.
Chuyển biến về lượng và chất
Những năm qua, tỉnh Lâm Đồng có nhiều chủ trương, chính sách thu hút nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển; tiềm năng và lợi thế của địa phương đã và đang được khai thác khá tốt, tạo sự phát triển ổn định về kinh tế – xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, KTTT của tỉnh Lâm Đồng một thời gian dài có nhiều khó khăn, thử thách, nhiều HTX đã tự giải tán, tan rã. Nghị quyết T.Ư 5 (Khóa IX) và Luật HTX ra đời đã thổi luồng sinh khí mới, khẳng định vai trò, vị trí của KTTT.
Chủ tịch Liên minh HTX Lâm Đồng Phạm Văn Tường nhớ lại, vào thập niên 80 thế kỷ trước, Lâm Đồng có khoảng 400 HTX và hàng nghìn tổ hợp tác hoạt động đa lĩnh vực, ngành nghề và có mặt hầu hết các thôn, xã, bản làng của tỉnh. KTTT trong thời kỳ này đã góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng và quan hệ sản xuất mới XHCN. Nhưng từ khi xóa bỏ cơ chế quan liêu, bao cấp, các HTX rơi vào thế bị động và lúng túng trong quản lý, điều hành, không tạo được thế và lực để hội nhập và phát triển, dẫn đến hàng loạt các HTX tự giải thể.
Trước khi Luật HTX ra đời, Lâm Đồng chỉ có 28 HTX hoạt động, trong đó có 14 HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, 14 HTX tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải và tín dụng. Thực hiện Nghị quyết 13, Hội nghị T.Ư 5 (khóa IX), KTTT tại Lâm Đồng từng bước ổn định và phát triển. Đến nay, đã có 128 HTX, quỹ Tín dụng nhân dân, 2.900 tổ hợp tác với 86 nghìn hội viên hoạt động ở hầu hết các huyện, thành phố, các lĩnh vực kinh tế của tỉnh. Đồng thời, xuất hiện nhiều HTX kiểu mới, kinh doanh đa ngành nghề, gắn kế hoạch sản xuất, kinh doanh (SXKD) của HTX với quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội địa phương, đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, sản xuất hàng hóa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng.
Chủ tịch Liên minh HTX Lâm Đồng nhớ như in “thương hiệu” HTX trên từng lĩnh vực: HTX nông nghiệp có Anh Đào, Xuân Hương (Đà Lạt), Thạnh Nghĩa (huyện Đơn Dương), An Phú (huyện Đức Trọng), Tiến Phát (Bảo Lộc)…; tiểu thủ công nghiệp có HTX Hiệp Nhất (Đạ Tẻh), Tây Nguyên (Cát Tiên)…; quỹ Tín dụng nhân dân Lộc Sơn, B’Lao (Bảo Lộc), Liên Nghĩa (Đức Trọng)… Ông nhấn mạnh, giờ đã có luật rồi, HTX chủ yếu là làm dịch vụ cho xã viên, đó thật sự là “ngôi nhà chung” của họ để cùng nhau phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Xuân Hùng từng đến Lâm Đồng làm việc với một số HTX. Ông nói, đây là những mô hình tốt. Mấy chủ kinh tế hộ có nhu cầu đã lập một HTX. Có nơi họ sản xuất thức ăn gia súc, có chỗ họ nuôi gà, có nơi chế biến trứng… tức là họ trở thành những đơn vị rất chuyên sâu về một lĩnh vực để có sản phẩm cuối cùng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Kinh nghiệm tại Liên minh HTX Lâm Đồng, trước tiên Luật HTX được phổ biến tới tất cả cán bộ, công chức các cơ quan liên quan để nhà quản lý hiểu sự thay đổi về bản chất giữa HTX “kiểu cũ” và “kiểu mới”. Tiến hành rà soát hàng loạt các HTX để hỗ trợ giải quyết các vướng mắc, liên kết bồi dưỡng kiến thức về KTTT cho các hội: phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh… để họ trở thành cầu nối và hỗ trợ thành lập HTX, tổ hợp tác. Tổ chức tham quan, học tập các mô hình hay trong và ngoài nước. Và điều cốt lõi là phải xây dựng chữ tín, đó chính là thương hiệu.
Theo đánh giá mới đây, giá trị sản xuất khu vực KTTT tại Lâm Đồng đạt hơn 155,4 tỷ đồng, chiếm 0,5% tỷ trọng GDP của tỉnh. Tuy chưa lớn, song KTTT đã đóng góp đáng kể vào thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo; hỗ trợ kinh tế hộ phát triển. Số lao động thường xuyên trong HTX khoảng 11 nghìn người, thu nhập bình quân hơn ba triệu đồng/tháng. Đặc biệt, các HTX nông nghiệp đã đóng góp rất lớn trong chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh.
Xây dựng và khẳng định thương hiệu
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa IX), KTTT tại Lâm Đồng đã có sự chuyển biến căn bản trong nhận thức của các tầng lớp nhân dân. Vai trò, vị trí của KTTT đã được khẳng định trong tiến trình phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, các HTX đã chú trọng việc xây dựng uy tín, thương hiệu trong SXKD.
Dẫn chúng tôi đi thăm một số nhà vườn của xã viên, Chủ nhiệm HTX Anh Đào (Đà Lạt) cho biết, ngày mới thành lập HTX chỉ tập hợp được bảy thành viên với tổng diện tích chưa đến 30 ha, chuyên sản xuất các loại rau, quả theo hướng an toàn. Sản phẩm thì tốt, nhưng việc tìm đầu ra không dễ chút nào. Bây giờ, HTX đã có 17 xã viên, 120 lao động thường xuyên, diện tích sản xuất là 137 ha, sản lượng đạt hơn 13 nghìn tấn/năm với 52 chủng loại rau, củ, quả; chín xe đông lạnh để vận chuyển hàng hóa, doanh thu đạt hơn 86 tỷ đồng. Để bảo đảm uy tín trên thị trường, tạo đầu ra ổn định cho xã viên, HTX đã chuyển hướng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm của HTX Anh Đào được tiêu thụ trên thị trường toàn quốc qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm của hệ thống các siêu thị: Metro, CoopMart, MaxiMark… và được dán nhãn độc quyền “Rau Đà Lạt”.
Chủ nhiệm HTX Xuân Hương – Đà Lạt Trần Đức Quang cho biết, làm ăn bây giờ quan trọng phải là xây dựng được thương hiệu. Vì vậy, từ khi thành lập năm 2003, nhãn hiệu hàng hóa “Xuân Hương – Đà Lạt” đã được đăng ký. Trên cơ sở đó, 21 xã viên của HTX trong 10 năm qua đều đồng tâm tạo ra những cánh đồng rau an toàn, bây giờ đã “đóng dấu” VietGAP. Sản phẩm của xã viên được hệ thống siêu thị Metro bao tiêu nên giá cả và đầu ra ổn định.
Để tìm đầu ra cho sản phẩm, đồng thời tạo sự đoàn kết, hỗ trợ kinh tế, bảy HTX có tiếng về sản xuất rau công nghệ cao tại Lâm Đồng đã thành lập Liên hiệp HTX rau hoa Hưng Phát – Đà Lạt, tạo thương hiệu mới trên thị trường. Tổng Giám đốc Nguyễn Công Thừa cho biết, mỗi HTX để riêng ra thì chỉ mạnh nhất trong loại nông sản của mình, nếu kết hợp lại có thể cung cấp hầu hết các mặt hàng rau, củ của Lâm Đồng cho đối tác và xuất khẩu.
Trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, HTX Hiệp Nhất (huyện Đạ Tẻh) là một điển hình, Chủ tịch Liên minh HTX Lâm Đồng khẳng định. Được thành lập năm 2006 với vỏn vẹn 50 nhân công, chuyên gia công mặt hàng mây, tre, đồ nhựa. Đến nay, HTX Hiệp Nhất đã trở thành đối tác cung cấp hàng thủ công mỹ nghệ cao cấp cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tại Bình Dương, TP Hồ Chí Minh… giải quyết việc làm trực tiếp cho 200 lao động và hơn 600 người khác gián tiếp gia công sản phẩm, với mức thu nhập ổn định.
HTX mỹ nghệ Hữu Hạnh, HTX duy nhất bước lên bục vinh quang, đón nhận ngôi “Sao Vàng đất Việt” – giải thưởng tổ chức lần đầu tại Hà Nội. Thành lập năm 1998 với 10 xã viên, đến nay đã gấp 10 lần. Sản phẩm tranh thêu tay Hữu Hạnh đã có thương hiệu trên thị trường Na-Uy, Tây Ban Nha, Mỹ, Pháp và Nhật Bản. Năm 2011, HTX đã chuyển đổi sang mô hình công ty.
Bên cạnh những thương hiệu của các HTX, quỹ Tín dụng nhân dân đã có những bước tiến đáng kể, thật sự là “bà đỡ” cho nông dân ở vùng nông thôn, miền núi Lâm Đồng. Hiện ở đây có 21 quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở được xếp hạng khá trên toàn quốc, với hơn 69 nghìn thành viên, tổng nguồn vốn hoạt động hơn 2.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay hơn 1.627 tỷ đồng, gấp 12 lần so với năm 2002. Giám đốc Quỹ Tín dụng B’Lao (Bảo Lộc) cho biết, mặc dù nền kinh tế đang biến động phức tạp, song quỹ Tín dụng nhân dân thật sự “gần dân” nên hoạt động rất hiệu quả.
Những năm qua, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ra nghị quyết về hóa giá vườn cây và chuyển giao quyền sử dụng đất của các HTX nông nghiệp cho hộ xã viên quản lý, sử dụng góp phần làm hồi sinh nhiều HTX kiểu cũ, các HTX khác thì có nguồn vốn lớn để phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Chủ tịch Liên minh HTX Lâm Đồng cho biết, theo tiến trình phát triển, hơn nữa khi nước ta đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hướng đổi mới các HTX ở Lâm Đồng cũng theo đúng bản chất của HTX mà Liên minh HTX quốc tế đã đề ra. HTX là tổ chức tự chủ của các cá nhân liên kết với nhau một cách tự nguyện, nhằm đáp ứng các nhu cầu và nguyện vọng chung về kinh tế – xã hội và văn hóa.
Xây dựng HTX thật sự là “ngôi nhà chung” của các xã viên. Và hơn hết, họ sẽ chung tay xây dựng thương hiệu để phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo Nhandan
Ý kiến ()