Mô hình điểm giao dịch xã kiểu mẫu: Góp phần quản lý tốt vốn tín dụng ưu đãi
– Từ năm 2011 đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh triển khai mô hình điểm giao dịch xã kiểu mẫu. Qua thời gian triển khai, mô hình được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao, mang lại lợi ích “kép” giúp người dân dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để sản xuất kinh doanh, đồng thời góp phần giúp ngân hàng quản lý tốt nguồn vốn.
Năm 2020, xã Tú Xuyên (huyện Văn Quan) là một trong những xã được NHCSXH tỉnh bình xét là điểm giao dịch kiểu mẫu. Ông Long Văn Thơ, Quyền Chủ tịch UBND xã cho biết: NHCSXH giao dịch tại xã vào ngày mùng 8 hằng tháng. Để đảm bảo cho buổi giao dịch diễn ra hiệu quả, xã bố trí hội trường, bàn ghế và đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra mất an toàn cho ngân hàng và khách hàng. Ngoài ra, xã luôn thực hiện tốt 8 tiêu chí của NHCSXH về xây dựng điểm giao dịch kiểu mẫu; chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể tuyên truyền các hộ vay nộp tiền lãi cho tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) trước ngày giao dịch 3 ngày; đôn đốc các hộ vay có nợ đến hạn trước 2 đến 3 tháng… Đến nay, các tổ chức hội, đoàn thể xã quản lý 7 tổ TK&VV với dư nợ trên 30 tỷ đồng; thu nợ, thu lãi đạt 100%, không có nợ quá hạn. Nhiều năm liền, xã được NHCSXH tỉnh công nhận là điểm giao dịch kiểu mẫu.
Người dân thực hiện giao dịch tại điểm giao dịch xã Tân Liên, huyện Cao Lộc
Không chỉ xã Tú Xuyên, thời gian qua, việc thực hiện mô hình điểm giao dịch xã kiểu mẫu được Chi nhánh NHCSXH tỉnh quan tâm thực hiện hằng năm. Hết năm 2020, toàn tỉnh có 12 điểm giao dịch xã, phường, thị trấn được công nhận mô hình kiểu mẫu, tăng 6 xã so với năm 2019. Hằng năm, các điểm giao dịch kiểu mẫu đã được công nhận đều được duy trì, củng cố. Tại các phiên giao dịch hằng tháng, chủ tịch UBND xã; các hội, đoàn thể; tổ trưởng tổ TK&VV dự họp giao ban đầy đủ, báo cáo với cán bộ ngân hàng những tồn tại, khó khăn để có hướng khắc phục kịp thời…
Ông Phạm Mạnh Hà, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Để thực hiện mô hình, chi nhánh đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá cụ thể (gồm 8 tiêu chí). Ngay từ đầu các năm, đơn vị luôn quan tâm chỉ đạo phòng giao dịch các huyện phối hợp với chính quyền địa phương triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn tham gia thực hiện. Ngoài ra, chú trọng công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ quản lý vốn đối với cán bộ tham gia hoạt động tín dụng chính sách (từ năm 2020 đến nay, chi nhánh tỉnh và phòng giao dịch các huyện, thành phố đã phối hợp với UBND cấp xã, đơn vị nhận ủy thác mở được 353 lớp tập huấn với trên 7.500 lượt người tham dự).
Việc triển khai các mô hình điểm giao dịch xã kiểu mẫu đã góp phần tạo động lực thi đua, giúp các xã ngày càng nâng cao hơn chất lượng hoạt động, chất lượng nguồn vốn tín dụng ưu đãi, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với vốn vay. Qua đó, góp phần quản lý tốt nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Đến nay, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng đạt trên 3.144 tỷ đồng, người dân sử dụng vốn để trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ… Hiện, tỷ lệ thu nợ gốc đến hạn đạt 92,8%; thu lãi bình quân đạt 98,8%; tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,06% tổng dư nợ.
Bà Chu Thị Sen, thôn Kim Quán, xã Đình Lập (xã được công nhận điểm giao dịch kiểu mẫu năm 2020), huyện Đình Lập cho biết: Gia đình tôi vay vốn để trồng rừng, hằng tháng, khi đến hạn nộp lãi được tổ trưởng tổ TK&VV nhắc nhở nên tôi luôn nộp đúng hạn. Trong quá trình sử dụng vốn, nếu gặp khó khăn đều được cán bộ ngân hàng hướng dẫn xử lý kịp thời. Nhờ đó nguồn vốn phát huy hiệu quả, hiện gia đình tôi có khoảng 5 ha rừng thông, một phần đã cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Trao đổi với lãnh đạo NHCSXH tỉnh được biết, thời gian tới, chi nhánh tiếp tục chỉ đạo phòng giao dịch các huyện phối hợp với 4 tổ chức hội, đoàn thể nhân rộng các mô hình điểm giao dịch xã kiểu mẫu nhằm quản lý tốt nguồn vốn vay, góp phần đưa nguồn vốn vào phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
Các tiêu chí xây dựng điểm giao dịch kiểu mẫu gồm: Tổ chức giao dịch mỗi tháng 1 lần; tại UBND xã, các thông tin về chính sách vốn, dư nợ được niêm yết công khai, minh bạch, đặt ở nơi dễ nhìn để người dân tiện theo dõi, nắm bắt các thông tin về thực hiện chính sách vốn trên địa bàn; kết quả giải ngân, thu nợ đạt từ 90% trở lên; các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác có mặt đôn đốc 100% tổ TK&VV tham gia giao dịch và dự họp giao ban với NHCSXH, báo cáo những khó khăn cần tháo gỡ để có hướng xử lý; đảm bảo không để xảy ra mất an toàn cho ngân hàng và khách hàng trong ngày giao dịch… |
HIỂU LAM
Ý kiến ()