Mô hình điểm giảm nghèo ở Cường Lợi: Cơ hội cho người dân thoát nghèo
LSO- Năm 2016, xã Cường Lợi, huyện Đình Lập được chọn để thực hiện mô hình điểm giảm nghèo của tỉnh với mô hình chăn nuôi lợn thịt. Đây là cơ hội không nhỏ để người dân tham gia mô hình thoát nghèo, đồng thời góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống dưới 9,73%.
Vượt hàng chục cây số đường đất, đèo dốc, chúng tôi đến được trụ sở xã Cường Lợi. Nhìn chúng tôi nhanh tay rũ bụi đỏ còn vương trên áo, mũ, ông Nông Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã vui vẻ nói: “Thời gian ngắn nữa thôi là con đường vào xã sẽ được trải nhựa, khi đó các nhà báo sẽ không phải “mặc áo mưa giữa trời nắng” như hôm nay nữa. Đường sá thuận lợi hơn thì khả năng tìm đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi, nhất là những hộ nghèo tham gia mô hình giảm nghèo được mở rộng hơn. Đó cũng là mong muốn của chúng tôi”.
Mô hình giảm nghèo của gia đình ông Bế Văn Lợi ở thôn Khe Bó
Cùng với chị Tô Thị Điệp, cán bộ văn hóa xã hội, chúng tôi đến tham quan một vài gia đình tham gia vào mô hình điểm. Tiếp chúng tôi trong căn nhà chình tường, ông Bế Văn Lợi ở thôn Khe Bó không giấu được niềm vui. Ông Lợi chia sẻ: “Gia đình tôi chỉ có 2 vợ chồng già, lại đang nuôi thằng con lớn nhưng có vấn đề về sức khỏe. Do đó, cái nghèo cứ đeo đẳng suốt mấy năm qua. May mắn được chọn tham gia mô hình nuôi lợn thịt, gia đình tôi được hỗ trợ 4 con lợn, cám chăn nuôi, 2 triệu tiền xây chuồng và được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi… Sau hơn 3 tháng nuôi, tôi thấy lợn phát triển tốt, tăng cân đều chứ không như những lần nuôi trước”.
Còn chị Lã Thị Long ở thôn Quang Hòa khi được hỗ trợ chuồng, lợn giống từ mô hình thì như cởi bỏ được một phần gánh nặng kinh tế. Trong nhà, chị Long là lao động chính; chồng chị là đối tượng bảo trợ xã hội và 4 con nhỏ đang đi học. Thế rồi, được thôn, xã tạo điều kiện chọn tham gia mô hình điểm, hướng phát triển kinh tế mở ra với gia đình chị Long.
Gia đình ông Lợi và chị Long là 2 trong số 20 hộ của thôn Khe Bó và Quang Hòa được chọn tham gia mô hình điểm giảm nghèo ở xã Cường Lợi. Đến đầu tháng 9/2016, 100% hộ tham gia mô hình đã được bàn giao lợn giống, trung bình mỗi hộ 5 con lợn; hộ nào thiếu chuồng có thể chọn lấy 4 con lợn và 2 triệu tiền hỗ trợ xây chuồng chăn nuôi. Trước đó, xã đã chuẩn bị mọi điều kiện để thực hiện mô hình. Theo đó, 20/20 hộ được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi theo đề án dạy nghề cho lao động nông thôn; tham gia tập huấn thêm 1 lớp về kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt. Mỗi hộ tham gia còn được hỗ trợ 2 đợt với trên 170kg cám ăn cho lợn, được hỗ trợ thuốc thú y… Trong ban điều hành xã, mỗi cán bộ được giao phụ trách 2-3 hộ để thường xuyên theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn và xử lý tình huống phát sinh kịp thời trong quá trình thực hiện mô hình.
Nói thêm về triển khai thực hiện mô hình, ông Nguyễn Văn Công, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Đình Lập cho biết: Khi được tỉnh giao thực hiện mô hình, chúng tôi chọn Cường Lợi để triển khai. Vì xã vốn có nhiều lợi thế như: nhiều người dân đã chăn nuôi lợn thịt để bán ra thị trường với đầu ra đảm bảo; nhiều gia đình thoát nghèo từ lợn thịt; nguồn thức ăn tại chỗ dồi dào, an toàn; khí hậu phù hợp với sự phát triển của lợn nên ít bị dịch bệnh… Do đó, sau khi chọn Cường Lợi, người dân rất phấn khởi tham gia mô hình. Sau hơn 3 tháng thực hiện, cơ bản đàn lợn của các hộ đều phát triển tốt, chưa có con nào bị bệnh. Hiện nay, Cường Lợi còn 36 hộ nghèo. Xã phấn đấu giảm 13 hộ nghèo trong số 20 hộ tham gia mô hình nuôi lợn thịt, góp phần giữ vững tiêu chí về hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới.
Bài, ảnh: HOÀI AN
Ý kiến ()