Mô hình công dân học tập góp phần xây dựng xã hội học tập
– Những năm gần đây, nhằm góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, tạo đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội, các cấp hội khuyến học (HKH) trong toàn tỉnh luôn chú trọng thực hiện hiệu quả các mô hình học tập. Trong đó, mô hình xây dựng công dân học tập (CDHT) được coi là một trong những điểm nhấn nổi bật và là hạt nhân nòng cốt để tiến tới xây dựng xã hội học tập (XHHT).
Cán bộ hội khuyến học các xã trên địa bàn tỉnh tham gia tập huấn triển khai thực hiện bộ công cụ (phần mềm) đánh giá, công nhận danh hiệu công dân học tập
So với các mô hình như “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Đơn vị học tập”, mô hình CDHT ra đời muộn hơn và có nhiều điểm mới. Chính vì vậy, để mô hình đi vào thực tiễn, mang lại hiệu ứng tích cực và phát triển bền vững, ngay khi có chủ trương xây dựng mô hình, HKH tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 77/KH – HKH ngày 29/10/2020 và thống nhất triển khai thí điểm mô hình CDHT đến các huyện, thành phố; mỗi huyện chọn 3 xã, mỗi xã chọn 3 thôn, mỗi thôn vận động 10 hộ có cá nhân đăng ký CDHT.
Nhận thức sâu sắc về vai trò, ý nghĩa của mô hình, ngay khi được chọn thí điểm, các đơn vị đã xây dựng kế hoạch triển khai bài bản, nghiêm túc đến đông đảo cán bộ, công nhân, viên chức, các tầng lớp Nhân dân về bộ tiêu chí, tổ chức đánh giá, công nhận danh hiệu CDHT. Trong quá trình xây dựng mô hình điểm, các cấp HKH thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc quá trình triển khai thực hiện. Sau khi kết thúc mô hình điểm, căn cứ vào các tiêu chí xét danh hiệu CDHT, hội tập trung bình xét, đánh giá và có trên 90% số người đăng ký đạt danh hiệu trên. Với kết quả ban đầu đó, HKH tỉnh đã rút kinh nghiệm và xây dựng kế hoạch triển khai tiếp các phương án khác nhằm nhân rộng mô hình CDHT trên toàn tỉnh.
Thành công từ mô hình điểm đã tạo sức lan tỏa không chỉ ở phạm vi các thôn, xã được lựa chọn thí điểm mà còn lan tỏa đến từng thôn, xã còn lại và từng người dân trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2022, các cấp HKH đã triển khai đại trà mô hình CDHT đến 100% thôn, khối phố trên địa bàn. Bà Lê Kim Hòa, Chủ tịch HKH tỉnh cho biết: Thực hiện Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 3/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình “Xây dựng mô hình CDHT giai đoạn 2021 – 2030”, các cấp HKH đã tham mưu cấp ủy, chính quyền cùng cấp kiện toàn ban chỉ đạo xây dựng XHHT giai đoạn 2021 – 2030 và xây dựng các kế hoạch, mục tiêu nhiệm vụ hằng năm và cả giai đoạn với những giải pháp cụ thể. Trong đó, hội tập trung vào một số nội dung như: nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; đẩy mạnh tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của mô hình; phát huy vai trò nòng cốt của hội trong việc đẩy mạnh phong trào thi đua học tập thường xuyên, học tập suốt đời đến mọi tầng lớp Nhân dân…
Người được đánh giá là CDHT phải đạt 80/100 điểm, ứng với 10 tiêu chí dựa trên 3 năng lực cốt lõi gồm: năng lực tự học và học tập suốt đời: công dân phải dành thời gian đọc sách báo, cập nhật thông tin trên báo, đài và biết xây dựng kế hoạch học tâp tại cộng đồng, trung tâm dạy nghề hoặc trung tâm ngoại ngữ – tin học…; năng lực sử dụng những công cụ tương tác: công dân biết sử dụng thiết bị thông minh như máy tính, điện thoại…; năng lực xây dựng và thực hiện các mối quan hệ xã hội: hòa đồng với mọi người và biết hợp tác, chia sẻ trong sản xuất, kinh doanh. |
Theo đó, các cấp HKH đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng mô hình CDHT qua các hội nghị, các cuộc họp thôn, sinh hoạt chi hội ở cơ sở… Chỉ tính riêng từ năm 2022 đến nay, các cấp hội trên toàn tỉnh đã phối hợp tuyên truyền được trên 1.100 cuộc đến cán bộ, hội viên và Nhân dân. Đáng chú ý, từ năm 2022, các đơn vị còn thành lập nhóm Zalo chung gồm cán bộ HKH xã, chi hội trưởng chi HKH các thôn… để tuyên truyền, trao đổi, giải đáp các thắc mắc xoay quanh việc xây dựng mô hình CDHT để các thành viên hiểu và chính họ sẽ là đội ngũ tuyên truyền viên hữu hiệu tạo sự lan tỏa đến người dân.
Đồng thời, công tác tập huấn về mô hình CDHT luôn được các cấp HKH trên toàn tỉnh chủ động phối hợp thực hiện. Từ năm 2021 đến nay, HKH tỉnh đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức 2 hội nghị cấp tỉnh tập huấn, phổ biến kế hoạch, kỹ năng xác định, triển khai thí điểm bộ tiêu chí đánh giá mô hình cho 200 lượt người tham gia; phối hợp với Trung tâm Công nghệ và Học liệu, Đại học Mở Hà Nội tổ chức 2 hội nghị tập huấn triển khai thực hiện bộ công cụ (phần mềm) đánh giá, công nhận danh hiệu CDHT giai đoạn 2021 – 2030. Các hội cơ sở tổ chức được hơn 70 cuộc tập huấn cho hơn 3.000 lượt người tham dự. Điểm nhấn trong công tác tập huấn là năm 2022, HKH tỉnh đã phối hợp với Sở GD&ĐT thành lập tổ cốt cán tập hợp đội ngũ cán bộ tin học của các huyện, thành phố để kịp thời hỗ trợ các cấp hội trong quá trình thực hiện bộ công cụ (phần mềm) đánh giá CDHT.
HKH thành phố Lạng Sơn là địa bàn có số người đạt danh hiệu CDHT cao nhất trên toàn tỉnh. Ông Ngô Hiền, Chủ tịch HKH thành phố Lạng Sơn cho biết: Đi đôi với việc đẩy mạnh tuyên truyền về xây dựng mô hình CDHT, chúng tôi tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác khuyến học. Từ năm 2021 đến nay, HKH thành phố đã phối hợp với Phòng GD&ĐT tổ chức 5 cuộc tập huấn với hơn 600 lượt người dự; HKH cấp cơ sở phối hợp tổ chức được gần 30 cuộc với trên 1.500 lượt người tham dự. Nhờ đó, mô hình CDHT đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn, hiện toàn thành phố có 22.975 người đạt danh hiệu CDHT (tăng hơn 22.800 so với năm 2021).
Bên cạnh đó, để kịp thời đánh giá công tác triển khai, việc thực hiện các nội dung trong xây dựng mô hình CDHT, các cấp HKH còn tham mưu cho Ban Chỉ đạo xây dựng XHHT cùng cấp thành lập các đoàn kiểm tra xây dựng mô hình CDHT tại các phường, xã, thị trấn. Qua kiểm tra, hầu hết các đơn vị đều thực hiện nghiêm túc.
Kết quả sau 2 năm triển khai, mô hình CDHT đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn tỉnh. Nếu như năm 2021, toàn tỉnh mới có 1.125/1.184 cá nhân đăng ký tham gia mô hình và đạt danh hiệu CDHT thì đến nay toàn tỉnh có 105.773 người đạt danh hiệu CDHT, chiếm 22,49% tổng dân số toàn tỉnh (tăng 104.648 người so với năm 2021).
Qua việc triển khai mô hình, mỗi cá nhân đều có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về sự cần thiết mỗi công dân phải là một CDHT trong giai đoạn hiện nay. Bà Vi Thị Ngụ, khu Cầu Lấm, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình cho biết: Trước đây, tôi cứ nghĩ rằng mô hình CDHT chỉ dành cho những người trẻ hoặc những người làm công chức, viên chức nhưng sau khi được tuyên truyền về mô hình, tôi hiểu rằng CDHT là những người biết tự học và áp dụng những kiến thức hay, bổ ích vào cuộc sống để giúp bản thân, gia đình có cuộc sống tốt đẹp hơn chứ không phân biệt đối tượng, ngành, nghề. Gia đình tôi chăn nuôi lợn từ lâu, tuy nhiên, từ năm 2022, nhờ việc học tập theo mô hình CDHT, tôi tự học hỏi thêm qua sách báo, mạng Internet và áp dụng vào thực tế nên mô hình đem lại thu nhập cao hơn, đạt hơn 200 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
Có thể thấy, việc xây dựng mô hình CDHT là yếu tố cần thiết, là hạt nhân nòng cốt để có được các gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập. Từ những chuyển biến tích cực trong việc thực hiện mô hình, thời gian tới, các cấp HKH tiếp tục vận động người dân đăng ký thực hiện mô hình và tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện mô hình tại các đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng mô hình, tất cả hướng tới mục tiêu xây dựng XHHT.
Ý kiến ()