Mô hình "Con nuôi của hội" sưởi ấm trái tim trẻ mồ côi
– Thực hiện mô hình “Con nuôi của hội”, những năm qua, trên địa bàn huyện Hữu Lũng đã có nhiều trẻ mồ côi được các cấp hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện hỗ trợ về cả vật chất lẫn tinh thần.
Năm 2022, em Triệu Sinh Lâm (sinh năm 2007) trú tại thôn Lân Châu, xã Hữu Liên được Hội LHPN huyện lựa chọn để hỗ trợ. Em Lâm có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mất vì bệnh ung thư, mẹ cũng bị bệnh nặng, em không đủ điều kiện để theo học cấp 3. Sau khi tìm hiểu, nắm bắt thực tế, Hội LHPN huyện đã quyết định hỗ trợ để em có thể tiếp tục đến trường. Vì nhà ở xa trường, các cán bộ hội đã hỗ trợ kinh phí thuê phòng trọ, sắm sửa vật dụng để em được đảm bảo mọi điều kiện trong quá trình học tập.
Hội LHPN huyện Hữu Lũng hỗ trợ gạo cho trẻ mồ côi trên địa bàn xã Yên Thịnh
Ngoài việc hỗ trợ chi phí ăn ở (3 triệu đồng/tháng), các cán bộ hội còn thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, động viên em cố gắng vượt qua hoàn cảnh khó khăn để vươn lên. Em Lâm cho biết: Được các cô quan tâm, hỗ trợ sinh hoạt phí hằng tháng cũng như động viên giúp em có thêm động lực để học tiếp. Hiện nay em đang cố gắng học tập và rèn luyện thêm kỹ năng trong cuộc sống để sớm tự lập, mong sau này có thể trở thành chỗ dựa vững chắc cho mẹ.
Cùng với em Lâm, từ năm 2021 đến nay, các cấp hội phụ nữ trong huyện đã hỗ trợ 62 em nhỏ mồ côi với số tiền hơn 107 triệu đồng. Các em được hỗ trợ tiền mặt, gạo hoặc vật dụng sinh hoạt…, giúp các em mồ côi giảm bớt gánh nặng và chi phí học tập, vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Bà Lê Thị Yến, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: Mô hình “Con nuôi của hội” nằm trong chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Hội LHPN Việt Nam phát động. Hưởng ứng chương trình, Hội LHPN huyện bắt đầu triển khai mô hình từ năm 2021, vận động các hội cơ sở thực hiện từ năm 2022. Để mô hình được triển khai hiệu quả, các cấp hội đã thực hiện linh hoạt hình thức hỗ trợ, tăng cường tuyên truyền, huy động nguồn lực xã hội hóa…
Theo đó, trong quá trình thực hiện, các cấp hội tiến hành khảo sát kỹ lưỡng, lựa chọn đúng đối tượng thụ hưởng; tùy từng hoàn cảnh gia đình của trẻ mà có cách thức triển khai linh hoạt về hình thức và thời gian như hỗ trợ tiền, gạo theo tháng, theo năm. Đồng thời, các cấp hội tăng cường phối hợp tuyên truyền bằng nhiều hình thức như qua trang thông tin điện tử của huyện, mạng xã hội, trên hệ thống loa truyền thanh… Qua đó nội dung, ý nghĩa, mục đích triển khai mô hình được lan tỏa rộng rãi không chỉ trong hệ thống hội mà trong cả cộng đồng, thu hút nhiều tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ. Tiêu biểu như Phòng khám Hà Nội Medic – Chi nhánh Công ty Cổ phần phát triển đầu tư công nghệ Hà Nội Medic đã ủng hộ Hội LHPN huyện 9 triệu đồng, Ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện ủng hộ 2 triệu đồng…
Về phía các tổ chức hội phụ nữ cơ sở cũng đã chủ động thực hiện mô hình và huy động sự ủng hộ, đóng góp của cán bộ, hội viên nhằm tăng thêm nguồn lực xây dựng mô hình “Con nuôi của hội”. Điển hình như Hội LHPN xã Yên Thịnh huy động hội viên thực hiện phong trào “Hũ gạo tiết kiệm”; cá nhân hội viên Hội LHPN xã Quyết Thắng hỗ trợ kinh phí để nuôi 2 cháu nhỏ trên địa bàn với mức 2 triệu đồng/cháu/năm…
Bà Vi Thị Cầm, Chủ tịch Hội LHPN xã Yên Thịnh cho biết: Từ năm 2022 đến nay, hội đã hỗ trợ 7 cháu mồ côi trên địa bàn. Để huy động nguồn hỗ trợ, Hội LHPN xã đã triển khai mô hình “Hũ gạo tiết kiệm” vận động mỗi hội viên đóng góp từ 1 kg gạo trở lên. Qua 2 đợt phát động, mỗi đợt thu hút gần 300 hội viên tham gia. Với số gạo này, hội đã dùng hỗ trợ mỗi cháu mồ côi từ 5 kg gạo/tháng. Năm 2023, trên cơ sở rà soát thực tế, hội sẽ hỗ trợ tất cả những cháu mồ côi ở xã để các cháu có điều kiện sinh hoạt, học tập tốt hơn.
Với việc triển khai đồng bộ, linh hoạt, Hữu Lũng là một trong những đơn vị thực hiện hiệu quả mô hình “Con nuôi của hội” trên địa bàn tỉnh, góp phần vào thực hiện tốt các mặt công tác hội. Năm 2022, Hội LHPN huyện vinh dự được nhận bằng khen của Trung ương Hội LHPN Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc về hoạt động công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2022.
Thời gian tới, Hội PHPN huyện Hữu Lũng tiếp tục tuyên truyền về ý nghĩa nhân văn của mô hình nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và hành động tích cực của các tổ chức, cá nhân, cán bộ, hội viên… trong việc quan tâm, giúp đỡ những trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tiếp tục nhân rộng mô hình để nhiều em nhỏ được giúp đỡ, có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống.
Ý kiến ()