Mô hình cải tạo đàn bò ở Bắc Sơn: Mở hướng phát triển chăn nuôi hiệu quả
– Để cải thiện tầm vóc, nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò, năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (TTDVNN) huyện Bắc Sơn thực hiện mô hình cải tạo đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo (TTNT). Sau hơn một năm thực hiện, mô hình bước đầu đem lại kết quả tích cực, mở ra hướng phát triển chăn nuôi hiệu quả cho người dân.
Bắc Sơn là huyện có đàn gia súc lớn của tỉnh, trong đó, tổng đàn bò hiện có trên 7.500 con. Trước đây, các hộ chăn nuôi đã đầu tư và phát triển về số lượng và chất lượng nhưng đạt hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân là do giống bò địa phương tầm vóc nhỏ, lớn chậm, tỷ lệ xẻ thịt thấp chỉ đạt 40 đến 50% so với các giống bò lai.
Cán bộ UBND xã Tân Lập (bên trái) kiểm tra mô hình cải tạo đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo
Trước thực tế đó, năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với TTDVNN huyện Bắc Sơn thực hiện mô hình cải tạo đàn bò địa phương bằng kỹ thuật TTNT tại 2 xã: Tân Lập, Tân Hương. Quy mô phối giống TTNT cho 200 con bò cái của 143 hộ tham gia. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ 70% thức ăn, vắc xin, tinh đông lạnh, dụng cụ TTNT, các hộ tham gia đối ứng 30% thức ăn và một số vật tư phục vụ TTNT.
Ông Lý Văn Đạo, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Để thực hiện mô hình, trung tâm đã phối hợp với phòng chuyên môn huyện, UBND 2 xã tổ chức họp dân thông báo các tiêu chí của mô hình, lựa chọn bò cái đảm bảo theo tiêu chuẩn. Sau khi lựa chọn, đánh giá bò cái đủ điều kiện, trung tâm phối hợp với UBND các xã tổ chức tập huấn kỹ thuật cho người dân với các nội dung: chăm sóc nuôi dưỡng bò qua các giai đoạn, phát hiện bò động dục để TTNT, chế biến thức ăn chăn nuôi bò và tiến hành TTNT với các loại giống chuyên thịt cao sản…
Qua đó, các hộ tham gia mô hình biết cách chăm sóc, theo dõi chu kỳ phát triển của bò nhằm thực hiện TTNT theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo hiệu quả đạt cao nhất.
Kết quả, sau hơn một năm triển khai mô hình, bò sinh trưởng và phát triển tốt, 80% số bò được TTNT đến nay đã sinh bê con. Theo đánh giá của các đơn vị thực hiện, chất lượng bò khi được lai tạo tốt, bê con sinh ra khỏe mạnh, trọng lượng tăng khoảng 10 kg so với bê thông thường, lớn nhanh, sức đề kháng tốt, giá bán bê giống này cũng cao gấp đôi so với bê không lai tạo.
Ông Hoàng Doãn Thịnh, thôn Nà Yêu, xã Tân Lập, một trong những hộ tham gia mô hình cho biết: Năm 2021, tôi tham gia mô hình cải tạo đàn bò bằng phương pháp TTNT do Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện với tổng số 9 con. Gia đình được hỗ trợ thức ăn chăn nuôi và các vật tư phục vụ kỹ thuật TTNT. Đặc biệt, tôi được cán bộ trung tâm tập huấn các kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh, chăm sóc đàn bò… Do vậy, 9 con bò của gia đình đều được TTNT thành công với giống bò Brahman. Đến nay, đã có 4 con bê được sinh ra khỏe mạnh, chân cao, thân dài, sinh trưởng và phát triển tốt. Dự kiến lứa sau, gia đình tiếp tục thực hiện kỹ thuật này để lai tạo giống bò chuyên thịt cao sản nhằm nâng cao giá trị chăn nuôi.
Từ hiệu quả đó, thông qua tập huấn kỹ thuật, sau thời gian triển khai mô hình, các hộ dân đã tự nhân rộng và phối thêm được 13 con. Ông Dương Văn Linh, Phó Giám đốc TTDVNN huyện cho biết: Mô hình cải tạo đàn bò địa phương bằng kỹ thuật TTNT của Trung tâm Khuyến nông tỉnh tại xã Tân Lập và xã Tân Hương đã đem lại kết quả tích cực, bê con sinh ra khỏe mạnh, tầm vóc cao lớn, bà con nông dân rất ủng hộ. Nhận thấy đây là phương pháp thiết thực, có ý nghĩa trong phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện, năm 2022, chúng tôi đã tham mưu UBND huyện tiếp tục hỗ trợ nhân rộng mô hình tại 4 xã: Bắc Quỳnh, Trấn Yên, Vũ Lăng, Chiêu Vũ với tổng số 300 con, kinh phí 150 triệu đồng.
Mô hình cải tạo đàn bò bằng phương pháp TTNT có vai trò quan trọng trong phát triển chăn nuôi trên địa bàn, từ đó, khắc phục hiện tượng cận huyết, nâng cao tầm vóc, thể trạng bò, đảm bảo an toàn dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đem lại thu nhập cao cho người dân.
Ý kiến ()