Mô hình bón phân viên nén ở Lộc Bình: Hiệu quả khoa học đến với nhà nông
LSO- Phân bón viên nén mới được triển khai ở Lộc Bình vụ xuân năm nay. Thế nhưng hiệu quả của nó đã rất rõ nét. Người dân đã rất nhanh tiếp cận và áp dụng cách bón phân khoa học này cho lúa. Chắc rằng vụ tới, phân bón viên nén sẽ được nhân ra diện rộng.
Chị Mai Thị Chung, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Lộc Bình vừa tất bật chuẩn bị tài liệu về phân bón viên nén để tuyên truyền vừa tiếp chuyện chúng tôi. Chị cho biết, năm nay huyện Lộc Bình thực hiện làm điểm 29 mô hình thuộc 29 xã, thị trấn. Mỗi cơ sở khuyến nông viên phụ trách đã thực nghiệm 10 kg phân viên nén. Kết quả tốt đến mức chính cán bộ kỹ thuật cũng phải ngạc nhiên. Mô hình phân bón viên nén theo cách gọi của người dân Lộc Bình là viên “dúi”. Dúi nghĩa là người ta dúi nó xuống gốc mạ sâu tầm 5 đến 6 cm. Kỹ thuật dúi rất đơn giản, cho phân vào túi đeo bên mình, lấy phân từ túi bằng một tay, chuyển sang tay kia cho phân khỏi ướt và dúi xuống ruộng. Làm như vậy lượng phân bón rửa trôi, bốc hơi rất ít và cây lúa hấp thụ được tối đa dinh dưỡng. Tuy mới được triển khai nhưng những người nông dân Lộc Bình đã tìm hiểu và nắm bắt cách sử dụng rất nhanh. Mới chỉ trình diễn nhưng theo các khuyến nông viên cơ sở, rất nhiều nông dân đã tìm hiểu để đăng ký thực nghiệm ở ruộng nhà mình.
Cán bộ Trạm Khuyến nông Lộc Bình nghiên cứu tài liệu ứng dụng mô hình phân viên nén
Phân bón viên nén là loại phân NK tổng hợp, được sản xuất dưới dạng viên nhỏ bằng hột mận, có hình tròn. Mỗi viên phân đã được tổng hợp trộn các loại phân hóa học như đạm, ka ly. Khi bón phân thay vì vãi đầy ruộng như trước kia thì cách làm hiện nay là bón từng viên dúi vào đất. Theo chị Mai Thị Chung, cách bón xưa rất tốn kém mà hiệu quả không cao. Nhiều hộ khi bón xong gặp mưa nước tràn, tỉ lệ phân sót lại ruộng chỉ còn 30%. Vì vậy không đủ dưỡng chất cho cây lúa. Cách bón mới này sẽ tiết kiệm được chi phí và công sức rất nhiều, vì mỗi vụ chỉ cần bón một lần.
Khi được triển khai xuống cơ sở nhân dân rất quan tâm. Tuy mới thực nghiệm nhưng ở những thửa ruộng được bón phân sau 1 tuần cây lúa sinh trưởng rất tốt. Nếu so sánh với các thửa không bón dúi thì độ dài của lá lúa ở các thửa đã bón dài hơn 5cm trong vòng 10 ngày. Cây lúa phát triển đều và rất xanh, nhiễm sâu bệnh ít hơn. Theo ông Hoàng Văn Toàn, 70 tuổi, nông dân xã Đồng Bục, bằng kinh nghiệm của ông chắc chắn cây lúa phát triển như thế sẽ cho năng suất tối đa. Riêng với gia đình ông mặc dù khuyến nông xã mới thực nghiệm nhưng ông đã chủ động mua phân về dùng thử, kết quả cũng không khác gì những thửa ruộng trình diễn. Ông Toàn khẳng định, những gì cán bộ nói rất khoa học và có lý, thế nên không đợi đến vụ sau mà ngay từ vụ này mình phải làm để rút kinh nghiệm.
Hiện nay toàn huyện Lộc Bình đã thực hiện mô hình trình diễn phân bón viên nén trên diện tích 2,5 ha. Thế nhưng diện tích của nhân dân chủ động thực nghiệm đã đạt trên 3 ha. Có thể nói đây là bước đi tắt đón đầu của ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Chị Mai Thị Chung, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông cho biết thêm: Ngay sau khi thực nghiệm, Trạm đã liên tục chỉ đạo các xã báo cáo kết quả. Bước đầu có thể khẳng định, mô hình bón phân viên nén rất khoa học và khả năng thành công vượt trội so với bón thông thường. Tuy chưa khẳng định về năng suất nhưng khả năng tan của phân, hấp thụ của lúa, hạn chế sâu bệnh và tiết kiệm thời gian, hạn chế chi phí tài chính đã rất rõ. Và đây cũng chính là ý tưởng của nhà khoa học đã đến với nhà nông trên đồng đất Lộc Bình.
Ý kiến ()