Mô hình “Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND cấp xã”: Kết quả bước đầu ở Lộc Bình
(LSO) – Trong khi đa số các huyện, thành phố trong tỉnh chỉ thực hiện nhất thể hóa chức danh Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND cấp xã được 1 – 2 đơn vị thì đến nay, huyện Lộc Bình đã thực hiện được 6/29 xã, thị trấn.
Ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả, hiệu lực”. Trong phần nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với hệ thống tổ chức Đảng nêu rõ: “Cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch HĐND các cấp; thực hiện bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã ở những nơi có đủ điều kiện”.
Đồng chí Đinh Hữu Thế, Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy cho biết: Triển khai nghị quyết, Huyện ủy đã xây dựng Đề án “Thực hiện mô hình Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND cấp xã, giai đoạn 2018 – 2020”, trong đó nêu rõ các quy định, tiêu chuẩn, lộ trình để thực hiện. Theo đề án, đến năm 2020, Lộc Bình sẽ có 17/29 xã, thị trấn thực hiện xong việc nhất thể hóa chức danh. Đến nay đã thực hiện được 6 đơn vị: Đồng Bục, Tú Mịch, Lợi Bác, Tĩnh Bắc, thị trấn Na Dương, thị trấn Lộc Bình.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Lộc Bình (người bên trái) cùng cán bộ trao đổi công việc
Đồng Bục là xã đầu tiên của huyện thực hiện mô hình này. Theo đó, ông Bùi Văn Khiêm, Bí thư Đảng ủy đảm nhiệm thêm chức danh Chủ tịch UBND xã từ tháng 12/2018. Ông Khiêm cho biết: Sau khi thực hiện nhất thể hóa chức danh, tôi có thể nắm bắt rõ hơn tình hình ở địa phương, từ đó chỉ đạo xây dựng nghị quyết, đề ra chủ trương sát thực tiễn cuộc sống; tạo sự thống nhất giữa chủ trương, nghị quyết của cấp ủy với chương trình hành động và việc triển khai tổ chức thực hiện của chính quyền. Thế nhưng cũng có cái khó là thời gian họp với các phòng, ban chuyên môn của huyện tương đối nhiều, buộc mình phải tính toán các phương án để hoàn thành công việc được giao.
Hay như bà Hoàng Thị Thúy, Bí thư Đảng ủy thị trấn Lộc Bình bắt đầu thực hiện kiêm Chủ tịch UBND thị trấn từ đầu tháng 4/2019. Bà Thúy cho biết: Việc kiêm nhiệm ban đầu hơi nặng, bởi tôi phải thực hiện khối lượng công việc gần như gấp đôi. Để đảm bảo, tôi phân công lại công việc cho các đồng chí trong Đảng ủy, bố trí, sắp xếp lịch làm việc khoa học… Do đã đảm nhận vai trò Bí thư Đảng ủy trước đó nên tôi biết rất rõ năng lực, trình độ chuyên môn của từng cán bộ, từ đó có sự phân công cụ thể, hợp lý nên các nhiệm vụ luôn hoàn thành tốt.
Theo phương án sắp xếp, bố trí nhân sự đối với việc thực hiện mô hình, từ nay đến năm 2020, Lộc Bình sẽ thực hiện tiếp tại 11 xã. Để đảm bảo thực hiện đúng theo lộ trình, hiện tại huyện cũng đang “tính toán” rất kỹ về phương án nhân sự. Như việc xem xét cán bộ chủ chốt nào đã đến tuổi nghỉ hưu, những cán bộ nào không nhận được sự tín nhiệm của nhân dân sẽ cho nghỉ, theo dõi sát quá trình công tác để biết được năng lực làm việc của mỗi người…
Thực tế chứng minh tại huyện Lộc Bình, việc thực hiện mô hình “Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND cấp xã” có những thuận lợi như: hạn chế được tình trạng bao biện, nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu; giảm khâu truyền đạt, báo cáo, xin ý kiến, đùn đẩy trách nhiệm; gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan với người đứng đầu cấp ủy chính quyền cơ sở… Đồng thời bộ máy gọn nhẹ, biên chế được tinh giản (dự kiến đến năm 2020, sau khi kết thúc đề án sẽ giảm được 17 biên chế cán bộ xã), tiết kiệm ngân sách, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Đồng chí Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy cho biết thêm: Thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục bám sát đề án để xây dựng các kế hoạch triển khai, thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của đơn vị mình; đồng thời tuyên truyền sâu rộng để cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đúng trong quá trình thực hiện mô hình.
Ý kiến ()