LSO-Giải quyết vấn đề khan hiếm chất đốt, tăng hiệu quả sử dụng của bếp đun có ý nghĩa về kinh tế, xã hội, đặc biệt là vấn đề môi trường. Đó là những ưu điểm mà bếp đun cải tiến, tiết kiệm nhiên liệu mà các hộ gia đình hội viên phụ nữ xã Nhật Tiến (Hữu Lũng) đang sử dụng.Hiện nay cũng như trong nhiều năm tới, năng lượng dùng để đun nấu chủ yếu là gỗ củi, phụ phẩm - phế thải nông - lâm nghiệp vẫn là nguồn năng lượng - nhiên liệu chưa thể thay thế được đối với vùng nông thôn nước ta. Một điều rất dễ nhận thấy là hầu hết các hộ gia đình ở vùng nông thôn đều tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn trong sản xuất nông nghiệp như rơm rạ, lá cây, gỗ củi... làm chất đốt. Bếp đun cải tiến của gia đình chị Hoàng Thị Lả ở thôn Tân Thịnh, xã Nhật Tiến, huyện Hữu LũngVới loại bếp kiềng - một loại bếp truyền thống thì hiệu suất sử dụng năng lượng nhiệt thu được sẽ rất thấp. Thêm vào đó, đây là loại bếp hở...
LSO-Giải quyết vấn đề khan hiếm chất đốt, tăng hiệu quả sử dụng của bếp đun có ý nghĩa về kinh tế, xã hội, đặc biệt là vấn đề môi trường. Đó là những ưu điểm mà bếp đun cải tiến, tiết kiệm nhiên liệu mà các hộ gia đình hội viên phụ nữ xã Nhật Tiến (Hữu Lũng) đang sử dụng.
Hiện nay cũng như trong nhiều năm tới, năng lượng dùng để đun nấu chủ yếu là gỗ củi, phụ phẩm – phế thải nông – lâm nghiệp vẫn là nguồn năng lượng – nhiên liệu chưa thể thay thế được đối với vùng nông thôn nước ta. Một điều rất dễ nhận thấy là hầu hết các hộ gia đình ở vùng nông thôn đều tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn trong sản xuất nông nghiệp như rơm rạ, lá cây, gỗ củi… làm chất đốt.
|
Bếp đun cải tiến của gia đình chị Hoàng Thị Lả ở thôn Tân Thịnh, xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng |
Với loại bếp kiềng – một loại bếp truyền thống thì hiệu suất sử dụng năng lượng nhiệt thu được sẽ rất thấp. Thêm vào đó, đây là loại bếp hở nên khi đun rất dễ gây hỏa hoạn, tỏa nhiều khói, bụi gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người sử dụng, trong đó đa phần là phụ nữ, người già và trẻ em – họ là những người nội trợ chính ở các gia đình nông thôn nước ta. Mặt khác, nhu cầu nhiên liệu làm chất đốt cho đun nấu ở hộ gia đình đang gia tăng (tăng do tăng dân số) đã kéo theo việc khai thác gỗ, củi vượt quá khả năng cung cấp bền vững, làm mất rừng và như vậy là môi trường sinh thái đã, đang và sẽ bị tác động xấu.
Từ thực tế đó, năm 2007, Hội LHPN Việt Nam và Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã hỗ trợ xây dựng điểm mô hình “Bếp đun cải tiến” cho hội viên phụ nữ xã Nhật Tiến. Ban đầu triển khai, xã được hỗ trợ xây 50 bếp đun cải tiến, trị giá 12,5 triệu đồng. Vật liệu xây loại bếp này rất đơn giản, chỉ cần một ít xi măng, vôi, cát và gạch vỡ, gạch thừa của các công trình khác là có thể thực hiện được. Sau khi chọn nơi thích hợp để đặt bếp thì xây một lớp gạch để làm bệ. Trên lớp gạch này tiến hành xây hai hoặc ba buồng đốt chính (tùy theo nhu cầu) và ngăn tận dụng sao cho phù hợp với kích cỡ nồi, xoong mà gia đình có. Đặt ghi ngang qua thân bếp, mỗi buồng đốt đặt hai thanh ghi. Mặt trước của thành bếp thiết kế buồng tiếp nhiên liệu ứng với mỗi buồng đốt và hai bên sườn bếp phải có nơi lấy tro ra.
Cuối cùng xây thêm hàng gạch nữa lên trên mặt bếp và đổ một lớp bê tông tạo độ bền vững cho bếp; tất cả các buồng đốt đều có đường dẫn khói chung đến một ống để ra ngoài. Sau một thời gian triển khai thử nghiệm cho thấy, loại bếp này đun mang lại hiệu quả thiết thực, bên cạnh giảm được tiêu thụ chất đốt, giảm khói bụi thì còn tiết kiệm được từ 30 – 35% thời gian đun nấu so với đun bằng kiềng bởi cùng một lúc có thể đun được 2 – 3 xoong. Chị Hoàng Thị Lả, thôn Tân Thịnh, xã Nhật Tiến cho hay: “Đun nấu từ bếp cải tiến rất tiện lợi, không tốn nhiều củi như đun bếp kiềng, rơm rạ còn thừa để lại ruộng làm phân bón, cải tạo đất… trong nhà bếp không có khói bụi”.
Sau khi xây và sử dụng bếp đun này, Hội LHPN xã Nhật Tiến đã tích cực tuyên truyền sâu rộng trong xã và các xã lân cận, hiện nay số bếp đun cải tiến trong xã đã tăng lên 196 chiếc và các xã xung quanh cũng xây dược 30 bếp đun cải tiến. Chị Hoàng Thúy Thanh, Chủ tịch Hội LHPN xã Nhật Tiến cho biết: “Nhận thấy được những ưu điểm của bếp đun cải tiến, đặc biệt giảm đáng kể nhu cầu sử dụng gỗ củi, dẫn đến giảm việc khai thác chất đốt từ rừng và bảo vệ môi trường sinh thái”, chúng tôi tiếp tục triển khai nhân rộng và xác định đây là việc làm cần thiết nhằm xây dựng một nông thôn mới lành mạnh, văn minh.
Trung Xuân
Ý kiến ()