Mô hình bác sĩ gia đình và dịch vụ y tế gia đình: Từ manh nha đến hiện thực
LSO- Phát triển y học gia đình trên cơ sở cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản và liên tục, tiến tới quản lý sức khỏe toàn dân là một chủ trương lớn đã được nhấn mạnh tại Nghị quyết số 20/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Từ bác sĩ gia đình…
Nhận các bệnh nhân tiểu đường và huyết áp về quản lý và điều trị tại xã, ngoài việc cấp thuốc, khám sức khỏe định kỳ, bác sĩ Lý Thị Xít và các nhân viên y tế xã Bằng Khánh (Lộc Bình) còn thường xuyên đến tận nhà bệnh nhân thăm hỏi, tư vấn và giữ mối liên lạc thường xuyên để có thể xử lý các vấn đề đột xuất. Đó là công việc của loại hình bác sĩ gia đình. Theo các chuyên gia y tế, có đến 80% công việc tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn hiện nay là công việc của bác sĩ gia đình và dịch vụ y tế gia đình. Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ, thầy thuốc ưu tú Hoàng Thế Hạnh, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Lạng Sơn rất tâm huyết với mô hình bác sĩ gia đình và coi đó là cơ sở của một nền y tế bền vững. Đồng chí cho rằng: “Người ta thường quan niệm bác sĩ gia đình là bác sĩ của những nhà giàu, thực ra không phải. Bác sĩ gia đình đáp ứng nhu cầu thăm khám chu đáo, toàn diện; là người đầu tiên cung cấp thông tin về bệnh nhân cho bác sĩ chuyên khoa, nhằm giúp bác sĩ tuyến trên chẩn đoán nhanh và chính xác”.
Nữ hộ sinh BVĐK tỉnh làm dịch vụ chăm sóc trẻ sơ sinh tại gia đình
Sau khi thực hiện thí điểm đề án bác sĩ gia đình tại 8 tỉnh, thành phố từ năm 2013, Bộ Y tế đã quyết định đến năm 2020, toàn quốc sẽ có 80% tỉnh, thành triển khai thực hiện đề án bác sĩ gia đình. Tại Lạng Sơn, trong năm 2017, ngành y tế đã xây dựng đề án và được UBND tỉnh phê duyệt. Ngành đã cử 25 bác sĩ đa khoa đi học chuyên môn về y học gia đình với thời hạn 3 tháng và họ đã được cấp chứng chỉ. Bác sĩ Phạm Đức Cơ, Trưởng phòng Nghiệp vụ y – Sở Y tế cho biết: Sở đang khảo sát và sẽ chọn 2 xã thực hiện thí điểm mô hình phòng khám bác sĩ gia đình từ năm 2018. Cùng với đó là việc bổ sung cơ sở vật chất, bồi dưỡng về công nghệ thông tin (CNTT) cho đội ngũ y tế xã và chuẩn bị huy động lực lượng khám sàng lọc sức khỏe toàn dân tại xã để lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử.
… đến dịch vụ y tế gia đình
Do khoa Phụ sản BVĐK tỉnh quá tải phòng lưu trú bệnh nhân, nên sau khi sinh con được 2 ngày, chị Nguyễn Thị Tuyết, phường Chi Lăng quyết định chuyển về điều trị tại nhà. Để đáp ứng nguyện vọng của sản phụ, lãnh đạo khoa đã giới thiệu và cử đội ngũ nữ hộ sinh đến phục vụ tại gia đình. Với mức tiền công 200 ngàn đồng/ngày, các nhân viên y tế thực hiện công việc chuyên môn của mình tại gia đình sản phụ như: tắm, chăm sóc bé, chăm sóc vết mổ cũng như tư vấn về việc chăm sóc trẻ sơ sinh cho gia đình.
Xuất phát từ nhu cầu xã hội, từ năm 2014 đến nay, ở Lạng Sơn đã có hàng trăm hợp đồng dịch vụ y tế gia đình được thực hiện. Chủ yếu là các dịch vụ điều dưỡng sau điều trị, điều trị các bệnh thông thường, chăm sóc sau sinh, bệnh người già, bệnh mãn tính với công việc như: kê đơn, thay băng, cắt chỉ, lấy mẫu máu, tiêm, truyền, khí dung… Các hoạt động này mang lại lợi ích thiết thực là chăm sóc toàn diện, giảm mệt mỏi cho bệnh nhân, giảm thời gian khám bệnh, giảm tải và ngăn chặn nguy cơ nhiễm khuẩn từ bệnh viện.
Bác sĩ gia đình là một phần của dịch vụ y tế gia đình. Hoạt động của bác sĩ gia đình gắn liền với y tế tuyến xã. Thông qua các dịch vụ y tế gia đình, tuyến xã sẽ nắm vững mô hình bệnh tật địa phương, biết được bệnh của từng cá nhân gắn với hoàn cảnh và điều kiện sống của họ để lưu vào sổ quản lý sức khỏe điện tử. Thực hiện tốt phác đồ điều trị đã được phân cấp.
Theo bác sĩ Nguyến Thế Toàn, Giám đốc Sở Y tế, hiện nay, khi tất cả các trạm y tế xã đã ứng dụng CNTT trong quản lý khám, chữa bệnh và luôn được tăng cường bổ sung trang thiết bị; khi có nhiều hơn bác sĩ đi học về y học gia đình, khi cơ quan bảo hiểm vào cuộc mạnh mẽ hơn, hoàn toàn chúng ta có thể triển khai tốt mô hình bác sĩ gia đình và y học gia đình sẽ phát triển bền vững.
Bài, ảnh: MINH HỒNG (TP Lạng Sơn)
Ý kiến ()