Mở đường lên núi Vũ Trụ
Điều khiển máy đào chông chênh nơi sườn núi dốc đứng; treo mình trên vách núi cheo leo khoan đá nổ mìn; bắc giàn giáo trên ngọn cây cổ thụ nối hai sườn núi..., đó là công việc, cuộc sống thường ngày của những người lính công binh Tiểu đoàn 2 (Đoàn Công binh Hải Vân, Quân khu 4) trong quá trình mở đường lên đỉnh núi Vũ Trụ nằm trên dãy Trường Sơn, thuộc dự án đường tuần tra biên giới đoạn qua Nghệ An.Khó có thể nói hết mức độ khó khăn, gian khổ, hiểm nguy trong quá trình mở đường lên đỉnh núi Vũ Trụ. Chỉ biết rằng, cứ mỗi lúc trước khi bộ đội bước vào làm việc là một cuộc họp chớp nhoáng được tổ chức. Cuộc họp này vừa có ý nghĩa động viên, giữ vững quyết tâm cho bộ đội, vừa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là tìm ra người xung phong thực hiện nhiệm vụ ở những nơi có độ hiểm nguy cao nhất. Phó đoàn trưởng Đoàn Công binh Hải Vân Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, người trực tiếp chỉ huy mở đường lên núi Vũ Trụ cho biết:...
Khó có thể nói hết mức độ khó khăn, gian khổ, hiểm nguy trong quá trình mở đường lên đỉnh núi Vũ Trụ. Chỉ biết rằng, cứ mỗi lúc trước khi bộ đội bước vào làm việc là một cuộc họp chớp nhoáng được tổ chức. Cuộc họp này vừa có ý nghĩa động viên, giữ vững quyết tâm cho bộ đội, vừa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là tìm ra người xung phong thực hiện nhiệm vụ ở những nơi có độ hiểm nguy cao nhất. Phó đoàn trưởng Đoàn Công binh Hải Vân Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, người trực tiếp chỉ huy mở đường lên núi Vũ Trụ cho biết: Biết rõ khó khăn, gian khổ, hiểm nguy phía trước, nhưng ở mỗi cuộc họp như thế, mọi cán bộ, chiến sĩ đều xung phong vào những nơi nguy hiểm nhất. Tinh thần ấy của bộ đội là điểm mấu chốt để đơn vị chúng tôi 'mở đường thắng lợi'.
Chuẩn úy Phạm Hữu Minh, người lái máy đào của đơn vị, luôn là người xung phong đầu tiên ở tất cả mọi cuộc họp. Anh kể với tôi: Mở đường lên núi Vũ Trụ, hoạt động của những chiếc máy đào luôn ở trong trạng thái 'vắt vẻo trên cao' (nhiều nơi độ cao từ vị trí hoạt động của máy đến tim đường gần 70 m). Quá trình điều khiển máy làm việc và di chuyển, nếu để xảy ra một sơ suất nhỏ, thì cả máy và người sẽ rơi xuống vực sâu…
Với người chiến sĩ làm nhiệm vụ bắc cầu qua hai đỉnh núi để mở đường lên núi Vũ Trụ thì sự hiểm nguy còn lớn hơn nhiều. Khoảng cách giữa hai đỉnh núi không lớn nhưng độ dốc của hai sườn núi thì dựng đứng. Muốn thi công cầu, bộ đội phải dũng cảm, khéo léo bám những cành to trên ngọn cây cổ thụ, tìm điểm thích hợp để chăng lưới, cột dây bảo hiểm và từng bước nối liền các kết cấu thép, đóng cốp pha, đổ trụ, đổ dầm nối liền hai đỉnh núi. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 Trung tá Lê Văn Thư, người luôn có mặt cùng bộ đội trong suốt quá trình bắc cầu, kể lại: Có nhiều ngày, bộ đội đang thi công thì bất ngờ gặp gió lớn thổi từ khe núi đến. Ngọn cây chao đảo, bị gió đưa đi đưa lại hàng giờ, nhưng anh em kiên quyết không rời 'trận địa' chờ đến khi gió ngừng thổi là bắt tay vào làm việc ngay.
Thường xuyên đối mặt hiểm nguy trên công trường, quá trình mở đường lên núi Vũ Trụ, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 2 khi ngủ nghỉ, sinh hoạt cũng luôn bị lũ quét, sạt lở núi đe dọa. Trận lũ quét kinh hoàng nơi suối Lách năm 2009, đã san bằng doanh trại của các anh…
Khó khăn, gian khổ, hiểm nguy là thế nhưng những người lính công binh trên công trường mở đường lên núi Vũ Trụ vẫn bền gan, vững chí, kiên cường bám trụ để hoàn thành nhiệm vụ. Có được điều đó, là vì dù ở đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào các anh cũng nỗ lực cố gắng cao nhất, xây dựng một tập thể đoàn kết, gắn bó, xây dựng doanh trại, môi trường cảnh quan hài hòa… luôn tạo nên sự yên tâm cho mọi cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy. Có những thời điểm mưa lũ dài ngày, nhưng nhờ sản phẩm tăng gia, chăn nuôi tại chỗ mà cuộc sống của bộ đội vẫn được bảo đảm đầy đủ. Bằng nhiều việc làm thiết thực, các anh đã xây đắp tình cảm quân dân tốt đẹp nơi biên giới. Câu chuyện về hai học sinh Trường THPT Thanh Chương 1 gặp nạn ở thác suối Láng, được Thiếu úy Phạm Hồng Long, y tá của đơn vị cứu sống…, hay câu chuyện về những gia đình khó khăn ở vùng núi Ngọc Lâm được các anh giúp đỡ về vật chất… đã minh chứng điều đó.
Vượt lên khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 2 (Đoàn Công binh Hải Vân) đã 'mở đường thắng lợi' lên núi Vũ Trụ, với khoảng thời gian 'về đích' sớm hơn dự kiến nhiều. Liên tục trong các năm mở đường lên núi Vũ Trụ, đơn vị đều được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen về thành tích vượt tiến độ, bảo đảm chất lượng, công tác quản lý điều hành, bảo đảm an ninh, trật tự tốt.
Trước đây, đỉnh núi Vũ Trụ bốn mùa mây phủ, thưa dấu chân người. Còn hôm nay, với bàn tay, khối óc và lòng quả cảm của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 2, một con đường lớn xuyên qua rừng già, đủ sức cho những chuyến xe lớn của Tổng công ty Hợp tác kinh tế Quân khu vận chuyển vật liệu, máy móc tập kết ở đỉnh núi Vũ Trụ để tiếp tục cuộc hành trình nối dài con đường tuần tra biên giới.
Theo Nhandan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()