Mở cửa lại thị trường du lịch: Quan trọng nhất phải bảo đảm an toàn phòng chống dịch
Việc tập trung khôi phục và phát triển thị trường nội địa cùng với việc tính đến các giải pháp để mở cửa lại thị trường quốc tế là những công việc cần thiết để khôi phục lại tăng trưởng của ngành du lịch, tuy nhiên, để thực hiện tốt những mục tiêu này, công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 vẫn là giải pháp cần được đặt lên hàng đầu.
Du khách khám phá Vịnh Hạ Long. (Ảnh:TS) |
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, du lịch Việt Nam phải gánh chịu những tổn thất vô cùng nặng nề do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Sau nhiều năm liên tục đạt mức tăng ấn tượng, năm 2020 Việt Nam lần đầu tiên ghi nhận sự sụt giảm mạnh về lượng khách du lịch quốc tế và nội địa do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tổng số lượt khách do các cơ sở lưu trú phục vụ năm 2020 đạt 97,3 triệu lượt khách, giảm 44% so với năm trước; số lượt khách do các công ty lữ hành phục vụ là 3,7 triệu lượt khách, giảm 80,1%. Khách quốc tế đến Việt Nam giảm 78,7% so với năm trước, chỉ đạt 3,8 triệu lượt người. Số lượng khách du lịch nội địa và quốc tế giảm mạnh đã kéo theo doanh thu cho các cơ sở lưu trú và lữ hành cũng sụt giảm nghiêm trọng, ước tính đạt 61,8 nghìn tỷ đồng, giảm 43,2%.
Trong những tháng đầu năm 2021, tình hình du lịch chưa có nhiều tiến triển nổi bật khi tiếp tục chịu ảnh hưởng dây chuyền bởi dịch COVID-19. Trong tháng 1/2021, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước tính đạt 48,7 nghìn tỷ đồng, giảm 4,1% so với cung kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, giảm 15%; doanh thu du lịch lữ hành ước tính đạt 1,6 nghìn tỷ đồng, giảm 62,2%.
Riêng với lượng khách quốc tế đến nước ta, trong tháng 1/2021 ước tính đạt 17.736 lượt người, tăng 9% so với tháng trước và giảm 99,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 11.118 lượt người, giảm 99,3%; khách đến bằng đường bộ đạt 6.575 lượt người, giảm 97,8%; khách đến bằng đường biển chỉ đạt 43 lượt người, giảm 99,9%.
Trong tháng 2/2021, số liệu thống kê cho thấy, lượng khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt gần 11 nghìn lượt người, giảm 38,3% so với tháng trước và giảm 99,1% so với cùng kỳ năm trước.
Những con số trên cho thấy, ngành du lịch nước ta vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi trở lại trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19. Do vậy, việc tính đến các phương án để phục hồi thị trường du lịch, đặc biệt là việc mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế là một trong những bài toán cần được tính đến.
Đây là vấn đề được đặt ra khi thực tế hiện nay, các quốc gia trong khu vực đang rục rịch mở cửa đón khách quốc tế với những chính sách riêng. Trong đó, Singapore đã mở cửa dần cho khách hội nghị, Indonesia cũng đã công bố kế hoạch mở lại thiên đường du lịch Bali với “Hành lang không COVID-19”. Một số công ty du lịch lớn ở Thái Lan đã phát động chiến dịch “Mở cửa Thái Lan an toàn” nhằm kêu gọi chính phủ cho phép đón du khách quốc tế trở lại từ ngày 1/7 tới,…
Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nếu Việt Nam không chuẩn bị ngay từ bây giờ thì sẽ chậm so với Thái Lan, Singapore vì những nước này có cùng thị trường nguồn với du lịch Việt Nam.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, Tổng cục Du lịch đang bàn biện pháp từng bước mở cửa thị trường du lịch quốc tế, tuy nhiên “sẽ không mở cửa ồ ạt”. Trong đó sẽ phải xem xét, cân nhắc kỹ những tiêu chí lựa chọn thị trường nguồn, lượng khách, đi tour trọn gói, các yếu tố về y tế như tiêm vaccine, cách ly; sự thuận tiện tiếp cận điểm đến bằng đường hàng không; phạm vi độc lập của các khu du lịch nghỉ dưỡng. Đặc biệt, theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, tiêu chí quan trọng nhất là phải bảo đảm an toàn phòng chống dịch.
Đề xuất phương án mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế, theo ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty du lịch Images Travel, trước tiên Việt Nam có thể thí điểm với nhóm khách doanh nhân đến từ các nước trong khu vực mà Việt Nam đang kết nối giao thương nhiều như: Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore… Những người đã được tiêm vắc – xin có thể nhập cảnh vào Việt Nam mà không còn bắt buộc cách ly.
Ông Nguyễn Văn Tấn, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, dư luận thế giới đánh giá rất cao việc phòng, chống dịch của Việt Nam, cộng với việc có vắc – xin, nếu biết cách làm, Việt Nam có thể sẽ là điểm đến hấp dẫn, an toàn, thu hút nhiều khách quốc tế khi thị trường mở lại. Việt Nam cần trao đổi với các nước để đưa ra các tiêu chí để đón khách quốc tế. Đồng thời, nghiên cứu thị trường xem tập trung vào thị trường nào, ưu tiên thị trường nào, sản phẩm nào để phục vụ khách, nhu cầu của khách thay đổi ra sao, khách mong muốn gì? Thậm chí, cần tính toán kỹ việc đón đoàn đầu tiên thế nào, tiêu chí đón ra sao, quy trình đón và nếu có rủi ro thì xử lý thế nào…
Thực tế Chính phủ, cơ quan quản lý du lịch và doanh nghiệp du lịch đã thực hiện rất nhiều công việc để có thể mở lại thị trường du lịch quốc tế, trong đó có việc đưa ra các tiêu chí an toàn để đón khách, phục hồi các chính sách miễn thị thực đã tạm ngưng để ngăn chặn dịch hồi tháng 3/2020.
Bên cạnh đó, hiện nay, thông tin vắc – xin COVID-19 đang được triển khai tiêm rộng rãi trên thế giới, ngay cả Việt Nam đang khẩn trương tiêm vắc-xin cho người dân nên nhiều doanh nghiệp cũng hy vọng sẽ sớm được kết nối lại các đường bay quốc tế. Về vấn đề này, các cơ quan chức năng đang triển khai đánh giá lại quy trình và khả năng thực hiện các chuyến bay thương mại chở khách trong thời gian tới khi trưa 25/3, chuyến bay chở khách thương mại quốc tế đầu tiên trong năm 2021 đã hạ cánh xuống Đà Nẵng, đánh dấu việc nối lại khai thác hoạt động bay thương mại quốc tế, sau thời gian phải tạm dừng từ cuối năm 2020 vì dịch COVID-19 tái bùng phát.
Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới tiếp tục phức tạp, dự báo bức tranh du lịch toàn cầu những tháng đầu năm 2021 vẫn chưa có dấu hiệu tươi sáng. Do vậy, cùng với việc tính đến mở cửa lại thị trường quốc tế thì tập trung khôi phục, phát triển thị trường nội địa là giải pháp rất cần được sự quan tâm của ngành du lịch khi đây là thị trường đang giữ vai trò cốt yếu trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh.
Và để thực hiện được mục tiêu này, vượt qua khó khăn, du lịch Việt Nam cần tập trung vào cơ cấu lại thị trường khách du lịch theo hướng bền vững, hiệu quả nhằm vào thị trường khách chất lượng cao, lưu trú dài ngày, chi tiêu cao; phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, liên kết đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với từng phân đoạn thị trường. Đẩy mạnh hợp tác công – tư, liên kết vùng giữa các địa phương, điểm đến trong hợp tác phát triển du lịch; chuyển đổi số trong phát triển du lịch, nhất là trong quản lý, kinh doanh, trong nghiên cứu thị trường, trong tiếp thị và bán sản phẩm du lịch.
Việc tập trung khôi phục và phát triển thị trường nội địa cùng với việc tính đến các giải pháp để mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế là những công việc cần thiết để khôi phục lại tăng trưởng của ngành du lịch, tuy nhiên, để thực hiện tốt những mục tiêu này, công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 vẫn là giải pháp cần được đặt lên hàng đầu./.
Ý kiến ()