“Mở cửa” cho doanh nghiệp Việt vào Aeon
![](http://www.nhandan.com.vn/cdn/vn/media/k2/items/src/3998/x9b447b53f95d5bcd53e5ed7f60e0ca70.jpg.pagespeed.ic.b0t4YqIpAv.webp)
Hội thảo có sự góp mặt của đông đảo doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành hàng dệt may, gia dụng và thực phẩm. Đây cũng là hoạt động nhằm tiếp tục triển khai Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài đến năm 2020” và thực hiện cam kết tại Biên bản ghi nhớ (MOU) ký giữa Bộ Công thương và tập đoàn Aeon Nhật Bản năm 2018.
Hội thảo cũng nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung tiếp cận hệ thống phân phối của tập đoàn Aeon Nhật Bản, qua đó có định hướng sản xuất, chiến lược xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nhật Bản, đồng thời kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp Hà Nội, Việt Nam với tập đoàn Aeon tại Nhật Bản và các nước. Các doanh nghiệp cũng sẽ được cung cấp thông tin về Tuần hàng Việt Nam – Hà Nội 2019 trong hệ thống phân phối của tập đoàn Aeon tại Nhật Bản, dự kiến tổ chức vào tháng 6 tới, đồng thời lựa chọn các doanh nghiệp, sản phẩm có khả năng cung ứng vào hệ thống của Aeon dự Tuần hàng.
Ông Shiotani Yuichiro, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Aeon Top Valu Việt Nam cho biết, năm 2017, tổng số hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Aeon Nhật Bản đạt khoảng 250 triệu USD, tuy nhiên 70% số đó là từ các doanh nghiệp Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài, chỉ có 30% từ doanh nghiệp Việt Nam. Có những mặt hàng chất lượng cao nhưng giá bán lại thấp. “Nhờ Bộ Công thương kết nối, chúng tôi đã làm việc với một số doanh nghiệp Việt Nam và đã có những đơn hàng đầu tiên từ tám doanh nghiệp Việt. Những doanh nghiệp đã xuất khẩu hàng hóa vào được Aeon có lợi thế rất lớn, bởi Aeon luôn đặt ra tiêu chuẩn rất cao đối với chất lượng hàng hóa. Đạt được tiêu chuẩn đó, không chỉ số lượng hàng hóa bán ra tăng lên, mà còn có cơ hội ra thị trường quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch TP Hà Nội chia sẻ một vài kinh nghiệm trong xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nhật Bản. Bà Mai Anh cho biết, năm 2017, TP Hà Nội và Aeon đã ký kết hợp tác trong thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang Aeon, và năm 2018 bắt đầu triển khai, giới thiệu sản phẩm Việt tại 40 điểm của Aeon ở Nhật Bản. Hàng hóa của các doanh nghiệp Hà Nội được giới thiệu qua hai hình thức: bày bán trên kệ ở các siêu thị của Aeon hoặc tổ chức hội chợ giới thiệu sản phẩm tại các trung tâm thương mại của Aeon, kết hợp với trình diễn văn hóa nghệ thuật để quảng bá, giới thiệu trực tiếp sản phẩm tới người tiêu dùng Nhật Bản.
Bà Mai Anh cho biết, để đạt được mục tiêu hàng Việt có mặt trên các kệ của siêu thị Aeon, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch TP Hà Nội, TP Hà Nội cùng Bộ Công thương đã phải mất rất nhiều công sức. Năm 2018, mới có sáu mặt hàng được giới thiệu bán tại Aeon Nhật Bản, nhưng chỉ trong vòng một tuần, doanh số đã đạt tới 6 tỷ đồng, đồng thời có nhiều phản hồi tốt và có sức mua từ người tiêu dùng Nhật Bản.
Tại hội thảo, các chuyên gia của tập đoàn Aeon còn tư vấn về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản pahảm và logistic đối với cá nhóm hàng để tham gia cung ứng vào hệ thống phân phối của Aeon, chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Nhật Bản nói chung và tập đoàn Aeon nói riêng của một số doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Cũng tại hội thảo, các doanh nghiệp Việt Nam và Aeon còn kết nối theo bốn nhóm ngành hàng dệt may, gia dụng, thực phẩm và sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp.
Aeon được đánh giá là một trong những hệ thống siêu thị tốt nhất thế giới, vì vậy những tiêu chuẩn Aeon đặt ra là rất cao. Hàng hóa Việt Nam vào được Aeon cũng có cơ hội vào được những nhà phân phối lớn khác. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt cũng phải vượt qua rất nhiều đối thủ cạnh tranh về cả chất lượng và giá cả, ở trong và ngoài khu vực. Đó là lý do các doanh nghiệp muốn vào được Aeon phải chuẩn bị “hành trang” tốt nhất cho mình, như lời bà Nguyễn Thị Mai Anh chia sẻ.
Theo Nhandan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()