Mở cánh cửa cho nhà thầu Việt ra thị trường xây dựng quốc tế
Những năm gần đây, ngành xây dựng Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc cả về trình độ quản lý lẫn kỹ thuật thi công, thành công trong việc thay thế nhà thầu ngoại trên sân nhà ở những dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ-mỹ thuật cao.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)
Tận dụng những lợi thế này, nhiều nhà thầu Việt tính đường vươn xa, cạnh tranh tại thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, để thành công cần có một chiến lược phù hợp.
Đánh giá về lợi thế, ông Lê Viết Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình – cho rằng đó chính là khả năng cung cấp dịch vụ xây dựng chất lượng cao nhưng chi phí xây dựng lại rất thấp, chỉ đứng sau mỗi Ấn Độ.
Tính cạnh tranh của nhà thầu Việt Nam không chỉ ở yếu tố nhân công, mà còn cả về vật liệu xây dựng cũng như dịch vụ tư vấn thiết kế, giám sát thi công, quản lý dự án và các dịch vụ liên quan.
Một lợi thế quan trọng khác là số lượng kỹ sư và chuyên gia ngành xây dựng Việt Nam cao gấp 3 lần bình quân thế giới (Việt Nam bình quân có 9.000 kỹ sư, chuyên gia xây dựng/1 triệu dân; bình quân của thế giới là 3.000), ông Hải dẫn chứng.
Theo số liệu của Global Built Asset Performance Index 2016, giá trị sản lượng thị trường xây dựng của 36 quốc gia nằm trong bảng xếp hạng có cơ hội phát triển đầu tư xây dựng lên đến 11.200 tỷ USD.
Trong khi đó, theo số liệu Tổng cục Thống kê, giá trị sản lượng trong nước năm 2016 ước tính chỉ đạt khoảng 48 tỷ USD, bằng 1/235 giá trị sản lượng nói trên. Hiện nhiều nước có thị trường xây dựng phát triển nóng và phụ thuộc rất lớn vào các nhà thầu xây dựng nước ngoài. Bởi vậy, chỉ một 1% thị trường này đã hơn gấp 2 lần giá trị sản lượng của Việt Nam thực hiện trong nước. Đây cũng là cơ hội rất lớn cho nhà thầu Việt.
Tuy nhiên, không thể lấy số lượng mà áp đảo chất lượng, cứ thích là đem quân đi chinh chiến tại thị trường ngoại bởi các doanh nghiệp sẽ nhanh chóng thất bại nếu thiếu đi sự chuẩn bị bài bản và một chiến lược phù hợp. Ông Hải đề xuất Nhà nước cần đưa ra giải pháp để đảm bảo thực hiện tốt nhất những chủ trương, Nghị quyết đã ban hành.
Những chỉ tiêu được đưa ra cần trở thành những KPIs (Key Performance Indicators – những chỉ tiêu thực thi chủ yếu) cho các cấp lãnh đạo và điều hành trong toàn bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương. Khi đó, các hiệp hội ngành nghề cũng phải chia sẻ một phần nhiệm vụ quản lý chuyên ngành như: đánh giá năng lực, xếp hạng nhà thầu, cấp chứng chỉ hành nghề, tổ chức các giải thưởng… để công tác này đi vào thực chất, có hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế.
Một yếu tố đặc biệt quan trọng cần phát huy đó là vai trò của cơ quan chuyên trách ở trong nước kết nối với các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời về thị trường cũng như làm cầu nối hiệu quả. Điều này nhiều nước làm rất tốt khi họ muốn đưa doanh nghiệp vào tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác tại Việt Nam và thường thông qua Đại sứ quán hoặc cơ quan thương mại. Đối với các doanh nghiệp Việt, thường thì lĩnh vực thương mại nhận được nhiều hỗ trợ thông tin và kết nối hơn chứ lĩnh vực xây dựng hầu như không có, một số đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, chế tạo nhận xét.
Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lắp Máy Việt Nam (Lilama) Lê Văn Tuấn chia sẻ đã có lần những đoàn doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam, thậm chí Đại sứ của nước đó còn trực tiếp đứng ra kết nối với một số doanh nghiệp Việt để hai bên có cơ hội hợp tác và tìm hiểu lẫn nhau. Điều này cho thấy yếu tố kết nối đặc biệt quan trọng bởi nó giúp doanh nghiệp dễ tìm đúng đường, đúng đối tác, tránh lòng vòng mất thời gian và kém hiệu quả.
Hiện các cơ quan đại diện tại nước ngoài mới chính là những bộ phận có điều kiện nghiên cứu sâu về thị trường để phát hiện ra tiềm năng, cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng trong nước nhanh chóng tiếp cận. Kỳ vọng của nhà thầu Việt khi muốn chinh phục thị trường ngoại là tìm được cầu nối, xúc tiến hiệu quả chương trình hội nhập quốc tế.
Ở góc độ của Hiệp hội Nhà thầu, ông Hải đề xuất, khi đàm phán các hiệp định quốc tế trong tương lai, cần quan tâm đưa vào yêu cầu cho phép doanh nghiệp xây dựng Việt Nam được hành nghề bình đẳng như những nhà thầu nước ngoài khác và tốt nhất là bình đẳng với doanh nghiệp xây dựng ở nước sở tại, được miễn giảm thuế nhập khẩu lao động, vật tư và phương tiện thi công.
Các doanh nghiệp xây dựng khi ra nước ngoài hoạt động cần được tạo điều kiện thuận lợi về các mặt thủ tục hành chính, bảo lãnh, xuất cảnh, chuyển tiền; đặc biệt áp dụng chính sách tránh đánh thuế hai lần để thực hiện ưu đãi này nếu nước sở tại đã có Hiệp định với Việt Nam.
Về phía doanh nghiệp cũng phải chủ động tăng cường những chương trình đào tạo và cấp chứng chỉ nghề nghiệp có giá trị quốc tế cho lao động sẵn sàng đi làm việc tại nước ngoài bao gồm cả công nhân, kỹ sư và chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng.
Mặt khác, những chính sách phù hợp, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng Việt Nam chuyên môn hoá sản phẩm là rất cần thiết. Như vậy sẽ hình thành những doanh nghiệp xây dựng chuyên sâu về nhà ở, công trình bệnh viện, trường học hoặc một loại công trình công nghiệp hay hạ tầng nào đó. Như vậy, nguồn lực sẽ được tập trung đúng chỗ, tính chuyên môn hoá cao thì năng lực cạnh tranh quốc tế cũng sẽ được nâng lên rõ rệt, hướng đến phát triển thị trường xây dựng ra phạm vi toàn cầu./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()