Minh bạch và hiện đại hóa công tác đấu thầu
VNPT là một trong số ba đơn vị tiên phong thí điểm công tác đấu thầu qua mạng đạt kết quả cao. Triển khai rộng rãi đấu thầu qua mạng mở ra bước ngoặt lớn trong lộ trình công khai, minh bạch và hiện đại hóa công tác đấu thầu, góp phần tăng cường các biện pháp phòng, chống tham nhũng khi thực hiện đấu thầu mua sắm công ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện thí điểm, việc đấu thầu qua in-tơ-nét vẫn tồn tại không ít khó khăn, cần được tháo gỡ kịp thời.Khẳng định ưu thế Phó Cục trưởng Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Sơn cho biết, qua hơn ba năm thực hiện thí điểm đấu thầu qua mạng giai đoạn I tiến độ đã hoàn thành cơ bản theo yêu cầu đặt ra, kết quả đạt được tuy còn thấp nhưng đáng khích lệ, với gần 60 gói thầu thực hiện thành công. Hệ thống đã đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật để tiếp nhận thực hiện đăng tải gần 800 thông tin kế hoạch đấu thầu, hơn 20 nghìn thông báo...
VNPT là một trong số ba đơn vị tiên phong thí điểm công tác đấu thầu qua mạng đạt kết quả cao. |
Khẳng định ưu thế
Phó Cục trưởng Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Sơn cho biết, qua hơn ba năm thực hiện thí điểm đấu thầu qua mạng giai đoạn I tiến độ đã hoàn thành cơ bản theo yêu cầu đặt ra, kết quả đạt được tuy còn thấp nhưng đáng khích lệ, với gần 60 gói thầu thực hiện thành công. Hệ thống đã đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật để tiếp nhận thực hiện đăng tải gần 800 thông tin kế hoạch đấu thầu, hơn 20 nghìn thông báo mời thầu với sự tham gia đăng ký của hơn 1.100 bên mời thầu và hơn 400 nhà thầu. Đây là cơ sở để đưa hoạt động đấu thầu qua in-tơ-nét, trong đó có việc tự đăng tải thông tin đấu thầu của bên mời thầu đi vào thực tiễn. Từ đầu năm đến nay, việc đấu thầu qua mạng đã có sự phát triển nhanh. Tính riêng trong sáu tháng đầu năm, đã có thêm 94 gói thầu triển khai qua mạng (so với 55 gói thầu trong ba năm từ 2009 đến đầu năm 2012), Hệ thống đấu thầu điện tử đã có hơn 30 nghìn thông báo mời thầu, hơn 1.000 kế hoạch đấu thầu, với số lượng hơn 3.500 bên mời thầu và hơn 1.000 nhà thầu đăng ký sử dụng hệ thống.
Kết quả đạt được trong giai đoạn thí điểm vừa qua là bài học kinh nghiệm quan trọng cho việc thực hiện đấu thầu qua mạng trong thời gian tới và là tiền đề cho việc soạn thảo quy định về đấu thầu qua mạng, một bộ phận không thể tách rời của Luật Đầu tư công, mua sắm công (sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu năm 2015) trong năm 2012 theo yêu cầu của Quốc hội. Bên cạnh đó, trong giai đoạn thí điểm với quy mô áp dụng tại ba cơ quan, gồm UBND thành phố Hà Nội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị khác có nhu cầu tham gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng được một hệ thống vận hành cơ bản để đáp ứng nhu cầu thí điểm. Hệ thống đã đạt hiệu quả và đáp ứng được nhu cầu về quy mô, dung lượng đường truyền. Hệ thống đấu thầu điện tử thử nghiệm hoàn toàn đáp ứng yêu cầu đăng tải thông tin đấu thầu trên mạng. Bên mời thầu thực hiện toàn bộ quy trình đấu thầu trên hệ thống này đối với các gói đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh và nhà thầu cũng tham dự thầu bằng cách đăng ký, nộp hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trên hệ thống này.
Cần mở rộng đấu thầu qua mạng
Mặc dù hệ thống đấu thầu điện tử thử nghiệm mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai hiện nay có nhiều ưu điểm, bước đầu đạt mục tiêu công khai hóa công tác đấu thầu, tuy nhiên, quá trình triển khai vừa qua vẫn bộc lộ một số hạn chế, cần nghiên cứu khắc phục. Hạn chế đầu tiên là yếu tố về trình độ công nghệ thông tin và hạ tầng công nghệ của các bên tham gia chưa đồng đều; khả năng kết nối dữ liệu dùng chung giữa các hệ thống Chính phủ điện tử còn hạn chế, khiến một số chức năng như kiểm tra thông tin đăng ký, thanh toán qua mạng,… chưa thể thực hiện trực tuyến, đã ảnh hưởng tới quá trình đấu thầu. Nhưng hạn chế lớn nhất vẫn là yếu tố con người. Ưu điểm nổi bật của đấu thầu qua mạng là nhà thầu không tiếp xúc trực tiếp với chủ đầu tư và bên mời thầu. Điều này hạn chế phát sinh tiêu cực, có tính minh bạch và cạnh tranh cao hơn, nhưng chính sự “minh bạch cao” lại là “khuyết điểm” khiến một số chủ đầu tư “ngập ngừng và e ngại”.
Trong giai đoạn phát triển hệ thống, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động tiếp nhận công nghệ hạ tầng khóa công khai (PKI – công nghệ được sử dụng để chứng thực người dùng hệ thống) của Hàn Quốc và trực tiếp quản lý việc cấp phát miễn phí thí điểm chứng thư số cho các đối tượng tham gia đấu thầu qua mạng. Tuy nhiên, đây là công nghệ mới ở nước ta, mã nguồn công nghệ này lại không được chuyển giao trong giai đoạn thí điểm dẫn đến khó khăn trong việc vận hành kỹ thuật, đặc biệt khi áp dụng hệ thống trên phạm vi rộng. Do phối hợp giữa các bên thiếu chặt chẽ, dẫn đến tình trạng nhiều gói thầu được đấu thầu qua mạng có số lượng nhà thầu tham gia rất ít.
Theo Phó Cục trưởng Quản lý đấu thầu Nguyễn Sơn, để giải quyết những hạn chế vướng mắc trên, trước hết, cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xu hướng hiện đại, hiệu quả khi đấu thầu qua mạng; cải thiện hạ tầng công nghệ, nâng cao dung lượng đường truyền,… Đồng thời, cần quy định cụ thể về tỷ lệ đấu thầu qua mạng, chẳng hạn quy định địa phương phải đạt tỷ lệ khoảng 30% dự án thực hiện đấu thầu qua mạng, tiến tới 40% hoặc cao hơn trong những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, xây dựng ban hành chế tài rõ ràng, cụ thể đối với gói thầu quy định đấu thầu qua mạng, như trường hợp bên mời thầu không tuân thủ sẽ không công nhận kết quả trúng thầu. Trong giai đoạn 2 (từ nay đến năm 2015), hệ thống đấu thầu điện tử sẽ được mở rộng, áp dụng cho nhiều cơ quan, đơn vị hơn, do vậy cần hoàn thiện hệ thống đấu thầu điện tử với đầy đủ các chức năng bao gồm đấu thầu điện tử (E-bidding), mua sắm điện tử (E-shopping), hợp đồng điện tử (E-contracting), thanh toán điện tử (E-payment). Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo với Chính phủ, đề nghị nâng số cơ quan, đơn vị, địa phương áp dụng đấu thầu qua in-tơ-nét lên 15 đơn vị trong năm nay.
Đấu thầu qua mạng là xu thế tất yếu của nhiều quốc gia, có thể giúp tiết kiệm chi phí từ 3 đến 20% giá trị đấu thầu mua sắm. Ở nước ta, theo tính toán, giá trị các gói thầu thực hiện theo Luật Đấu thầu hằng năm chiếm khoảng 20% GDP (tương đương hơn 20 tỷ USD), nếu triển khai rộng rãi việc đấu thầu qua mạng, có thể tiết kiệm hàng tỷ USD cho ngân sách nhà nước. Không chỉ tăng tính minh bạch trong mua sắm công, nó còn góp phần tinh giản thủ tục hành chính. Do đó, việc đẩy mạnh các giải pháp để mở rộng phạm vi đấu thầu qua mạng là việc làm cần thiết. Đây là một trong tám chương trình trọng tâm của Chính phủ điện tử và việc ứng dụng đấu thầu điện tử sẽ đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong mua sắm công ở nước ta. Những kết quả đáng khích lệ đạt được giai đoạn thí điểm vừa qua là bài học kinh nghiệm quan trọng giúp triển khai hiệu quả trong thời gian tới, góp phần ngăn ngừa tham nhũng và hiện đại hóa công tác đấu thầu.
Theo Nhandan
Ý kiến ()