Minh bạch thu - chi bảo hiểm y tế
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Chiều 22/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về nhiều vấn đề: Tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2020; việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Tính đến 31/12/2020, số người tham gia BHYT là 87,96 triệu người đạt tỉ lệ bao phủ 90,85% dân số. Trong đó, ngân sách Nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng trên 51 triệu người, chiếm 58%. Tổng số chi do ngân sách Nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng năm 2020 là 39.953 tỷ đồng, bằng 37% tổng số thu tiền đóng BHYT.
Theo ông Long, về công tác khám chữa bệnh BHYT năm 2020 có 2.612 cơ sở khám chữa bệnh BHYT, tăng 166 cơ sở (6,8%) so với năm 2019; số cơ sở công lập tăng 66 cơ sở (4%) so với năm 2019, ngoài công lập tăng 100 cơ sở (12,6%). Năm 2020, cả nước có hơn 167 triệu lượt khám chữa bệnh, giảm hơn 10% so với năm 2019. Trong đó số lượt khám chữa bệnh nội trú giảm khoảng 11%, ngoại trú giảm khoảng 9%. Tuy nhiên, chi phí khám chữa bệnh BHYT chỉ giảm khoảng 2% so với năm 2019.
“Tổng thu quỹ BHYT là 110.395 tỷ đồng; chi bảo hiểm y tế năm 2020 là 104.220 tỷ đồng. Về cân đối quỹ bảo hiểm y tế, tổng số thu quỹ BHYT lớn hơn tổng số chi quỹ BHYT là 5.071 tỷ đồng, dự kiến số dư quỹ BHYT lũy kế đến cuối năm 2020 là 32.991 tỷ đồng”, ông Long cho hay.
Đại biểu Phạm Đình Toản (đoàn Hưng Yên) cho rằng BHXH và BHYT là trụ cột quan trọng trong an sinh xã hội, mang tính chất lâu dài. Tuy nhiên, ông Toản lo ngại khi còn tình trạng văn bản hướng dẫn thực hiện mâu thuẫn với luật chưa được giải quyết dứt điểm. Nhất là gói dịch vụ y tế cơ bản do Quỹ BHYT chi trả và quy trình kỹ thuật chuyên môn, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị chưa được ban hành đầy đủ và cập nhật.
Ông Toản cho rằng: “Thực tế trên dễ xảy ra cơ chế “xin – cho” vì chưa có hướng dẫn cụ thể. Từ đó khiến các cơ sở khám chữa bệnh không dám dùng các gói dịch vụ y tế kỹ thuật chuyên môn để chăm sóc cho người bệnh do sợ bị ảnh hưởng”.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) lại cho rằng cần lưu ý đến nhóm số lượng lưu học sinh nước ngoài học ở Việt Nam được tham gia BHYT. Đây là số lượng tương đối đông. Đối với số lượng được học bổng hưởng ngân sách cấp thì được hưởng chế độ BHYT, còn du học sinh thuộc dạng đóng tiền đi học thì không được tham gia BHYT. Nhiều em đau ốm nhưng không được tham gia đóng BHYT trong khi số lượng học sinh cũng rất đông.
“Học sinh Việt Nam ra nước ngoài được tham gia BHYT, còn học sinh nước ngoài học ở Việt Nam lại không được tham gia. Do đó cần quy định để cho du học sinh nước ngoài du học tại Việt Nam có thể tham gia, đây cũng là cách để tăng lượng người tham gia BHYT, cũng như đảm bảo quyền lợi cho các học sinh trong nước và ngoài nước”, bà Thơ phân tích.
Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cũng cho rằng, hiện đang có bất cập trong chi BHYT, đó là tiêu chí nhiều khi không cụ thể, nhất là các bệnh mới như COVID-19. Đáng ra ngành y tế phải hướng dẫn BHXH chi trả và cần có sự bóc tách. Bộ Y tế phải có các tiêu chí cụ thể trong chi tiêu cho thuốc, khám chữa bệnh để rõ ràng, minh bạch, tránh việc lơ mơ, mù mờ. Chính phủ cần đưa ra các giải pháp, các định mức về chi tiêu và ngành tài chính phải định giá sát với thị trường. Như vậy thu-chi BHYT mới minh bạch.
Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (đoàn Lai Châu) cho rằng, dịch COVID-19 theo quy định điều trị là ngân sách Nhà nước chi trả. Nhưng các bệnh nhân có bệnh nền bị COVID-19 phải do quỹ BHYT chi trả, song hiện lại khó trong tách bạch chi phí chữa bệnh nền, cho nên đến giờ vẫn chưa có đáp án rõ ràng. Một là do ngân sách chi trả, còn hai là do BHYT chi trả. Nếu không xử lý sớm có thể ảnh hưởng đến vấn đề tài chính, trong khi các đơn vị thu dung là rất lớn. Vì thế Chính phủ và Bộ Y tế phải có hướng dẫn để phân định rõ ràng.
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho rằng, hiện quỹ BHXH có số dư rất lớn, trong đó có những thứ đến 6 năm không chi được. Nếu không đầu tư là lãng phí như Bác Hồ đã nói lãng phí nhiều khi còn lớn hơn tham ô. Do đó, các cơ quan cần xem xét, làm rõ. “Như trong thời gian qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên người ốm khó khăn trong đi khám BHYT, chỉ nhận thuốc, vậy chi ra sao, người dân đóng thì dân phải được hưởng”, ông Hùng băn khoăn.
Ý kiến ()