Miệt mài “gieo chữ” nơi vùng khó
Để đến được điểm trường Bản Quyên, thầy cô giáo và học sinh phải đi bộ qua suối |
Dù đã được thông tin trước, nhưng chúng tôi cũng không nghĩ quãng đường từ thị trấn Lộc Bình đến xã Tĩnh Bắc (xã vùng 3) lại khó đi đến vậy. Sau khoảng 10 cây số đường nhựa uốn lượn đưa chúng tôi đến đoạn đường đất dẫn thẳng đến trung tâm xã Tĩnh Bắc. Chỉ hơn 6 cây số mà chúng tôi trải qua những con dốc dựng đứng, mặt đường hình thành hai rãnh đi song song toàn bùn lầy ngập quá đầu gối. Con đường trơn trượt và bùn lầy đặc quánh bám vào bánh xe khó di chuyển. Cứ đi được khoảng vài ba chục mét, chúng tôi lại phải dừng xe để gạt những mảnh đất bết ở bánh xe. Sau hơn 1 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới đến được Trường Tiểu học xã Tĩnh Bắc.
Cô giáo Lương Thị Đan Thanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: vào mùa khô đi lại đỡ vất vả, nhưng chỉ cần một cơn mưa nhỏ thì việc đi lại của các thầy, cô giáo, học sinh cũng như người dân là rất khó khăn, chứ chưa nói đến mùa mưa, các anh phóng viên đi vào đây chắc đã được chứng kiến. Nhà trường hiện có 26 cán bộ, giáo viên nhưng có gần 20 người là từ các nơi khác đến dạy học như huyện Văn Quan, Tràng Định, thành phố Lạng Sơn… Do giao thông đi lại vất vả nên hầu hết các các giáo viên đều ở bán trú tại trường. Có giáo viên cả tháng trời mới về thăm nhà một lần.
Tĩnh Bắc là xã vùng 3, tỷ lệ hộ nghèo trên 32%, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Các dịch vụ còn hạn chế, đường sá đi lại khó khăn, lại xa trung tâm thị trấn nên mọi thứ đều phải tự cung, tự cấp.
Hiện nay chỉ có trường chính được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang. Ngoài ra, còn 3 điểm trường ở các thôn, bản cách trung tâm xã từ 3 đến 6 km chưa được đầu tư nâng cấp. Các điểm trường xây dựng từ lâu, nay xuống cấp nghiêm trọng, đồ dùng học tập cho học sinh thiếu thốn. Các thầy, cô giáo hằng ngày phải đi bộ từ điểm trường chính vào điểm trường dạy học mất hơn một tiếng đi bộ. Do chưa có nhà ở cho giáo viên, nên sau các buổi học các thầy, cô lại đi bộ ra trường chính để ở. Nhưng không vì những khó khăn đó mà các thầy, cô giáo giảm đi nhiệt huyết và lòng yêu nghề. Cô Nông Thị Kiều, quê ở Tràng Định đã 5 năm công tác tại trường chia sẻ: khi mới ra trường, tôi được nhận công tác ở đây. Thiếu thốn về cơ sở vật chất, khác biệt về ngôn ngữ và đường giao thông không thuận lợi đã gây nhiều khó khăn cho tôi. Song chứng kiến những trẻ em nghèo vì mong muốn được đi học, phải đi bộ mấy con đèo trên những đôi chân trần, dù nắng hay mưa vẫn đều đặn đến lớp khiến tôi càng phải cố gắng bám lớp, bám trường để dạy học.
Cô Thanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm: để các thầy, cô giáo có thêm điều kiện đem “con chữ” đến với các em học sinh nơi đây, tôi mong muốn các cấp, ngành quan tâm hơn nữa đến sự phát triển kinh tế – xã hội của xã Tĩnh Bắc nói chung, cơ sở vật chất của nhà trường nói riêng. Cụ thể như nhanh chóng thi công tuyến đường vào trung tâm xã để việc đi lại của người dân, thầy, cô giáo cũng như các em học sinh đi lại dễ dàng, xây dựng các điểm trường, nhà ở cho giáo viên và đầu tư cơ sở, thiết bị, đồ dùng học tập cho học sinh. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự nghiệp trồng người ở xã vùng 3 còn nhiều khó khăn này.
Ý kiến ()