tle=”Click vào để xem ảnh phóng to” rel=””> amesmall” src=”http://nhandan.com.vn/media/k2/items/cache/2018/9a60734e1145e5a4d7641cf6e80277ff_L.jpg” border=”0″ alt=”Nhiều năm qua, Tổng công ty CP Dệt – may Hòa Thọ (Ðà Nẵng) không ngừng phát triển, vươn lên trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu của Tập đoàn Dệt – may Việt Nam.
Trong ảnh: Phân xưởng sợi.” /> Năm năm trước, yêu cầu liên kết để phát triển kinh tế – xã hội toàn diện vùng duyên hải miền trung (VDHMT) đã được đặt ra.
Qua một quá trình, ý tưởng tích cực ấy mới có những chuyển động bước đầu trong thực tế, bắt đầu hé lộ nhiều triển vọng và thành tựu mới.
Khắc phục đầu tư dàn trải
Vùng duyên hải miền trung được xác định gồm chín tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên – Huế đến Bình Thuận. Ðây là vùng đất hẹp, kéo dài, áp sát biển, lâu nay phát triển và hội nhập kinh tế có nhiều khó khăn. Do tiềm năng thế mạnh tương đồng (đều có bờ biển, du lịch, cảng biển, sân bay, khu kinh tế, nguồn nhân lực, cảnh sắc, kể cả tư duy) nên hệ quả là tất cả các tỉnh, thành phố trong VDHMT đều bị phân tán, dàn trải. Ðã xuất hiện những xung đột giữa lợi ích địa phương và lợi ích toàn vùng, do thiếu liên kết trong phát triển. Từ tư duy chỉ phát huy thế mạnh trên cơ sở tiềm năng sẵn có, các tỉnh, thành phố trong vùng đều có các ngành và sản phẩm trùng lắp. Trong khi đó, toàn vùng thiếu các ngành công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ. Mâu thuẫn ấy xuyên suốt từ quy hoạch chiến lược đến phân bố nguồn lực, thu hút đầu tư.
Mặt khác, ngoại trừ Ðà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận, các địa phương còn lại kinh tế đều có xuất phát điểm rất thấp, tích lũy đầu tư nhỏ, hiệu quả đầu tư chưa cao. Nguồn vốn đã ít, lại phải dành cho việc phát triển kết cấu hạ tầng, nên hiệu quả đầu tư chưa đa dạng, tác động vào đời sống xã hội hạn chế. Lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao, hiếm có lao động trình độ cao, chất lượng cao; phân bố lực lượng lao động chắp vá, thiếu bài bản. Doanh nghiệp (DN) nhiều, khó thống kê đủ; nhưng DN chủ yếu ở quy mô nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp. So mặt bằng phát triển của cả nước, VDHMT còn những điểm yếu khác trong lĩnh vực xã hội và sinh kế.
Ðể giải bài toán khó kể trên, VDHMT đã và đang hình thành, với chủ trương duy nhất là liên kết chiều sâu, phát triển đồng bộ, xuất phát từ thế mạnh riêng của mỗi tỉnh, thành phố trong vùng. Chủ trương đúng, nhưng để chuyển hóa vào thực tiễn không phải dễ. Cũng cần phải có thời gian nhất định. Chí ít, cùng lúc có ba mảng vấn đề lớn phải đặt ra: Một là, phải khắc phục được lối tư duy cố hữu chỉ lo riêng cho địa phương mình, suy tính từ chính mình; dẫn đến vừa đầu tư manh mún, dàn trải, nhỏ giọt; vừa không huy động được các thế mạnh tiềm năng khác sẵn có ngay trong VDHMT. Hai là, phải khắc phục dần những bất cập do quá khứ để lại bằng cơ chế mới, chính sách phù hợp, chứ không phải bằng mệnh lệnh hành chính. Từ đó, làm rõ nét hơn các thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương trong vùng. Ba là, phải có tổ chức, bộ máy cơ chế điều hành chung, giám sát cho toàn VDHMT, bảo đảm cho các điểm trên được triển khai hiệu quả và thực tế. Ðồng thời, cũng bảo đảm cho xu thế liên kết ấy không bị đảo ngược. Trong hội nghị xúc tiến đầu tư VDHMT vừa qua, khoảng 3.504 tỷ đồng và 30 triệu USD đã được đầu tư vào các tỉnh, thành phố trong vùng, thông qua chín dự án mới. Khoảng 30 tỷ 822 triệu USD cũng đã được ký theo dạng Biên bản ghi nhớ đầu tư. Ngân hàng BIDV tiếp tục cam kết cấp tín dụng cho các DN triển khai công trình trên địa bàn vùng, với tổng giá trị tín dụng là 3.922 tỷ đồng và 34 triệu USD…
Tạo bước đột phá
Hiện tại, đòi hỏi bức bách nhất ở VDHMT là phải có hoạt động kinh tế tập trung cao, khu biệt rõ thế mạnh, tiềm năng phát triển tại mỗi địa bàn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sớm nhận ra sự hấp dẫn riêng biệt. Yêu cầu cao hiện nay là phải liên kết chiều sâu giữa các DN trên địa bàn, nhất là DN cùng ngành hàng. Từ trước đến nay, cả chín tỉnh trong vùng đều cùng khai thác điều kiện thuận lợi về địa lý, đất đai, nguồn nguyên liệu tại chỗ, để phát triển các hoạt động công nghiệp, du lịch, chế biến (nông – lâm, thủy – hải sản), lọc và hóa dầu, cơ khí chế tạo, sản xuất các loại vật liệu, đồ gỗ, dệt may, da giày… Ðã dàn trải vậy, thì khâu đột phá phải nhìn từ hướng khác, tức là từ hướng liên kết DN. Vì, chỉ làm vậy, môi trường cạnh tranh mới lành mạnh, lợi thế về tự nhiên và lao động mới được phát huy tối đa. Qua đó, tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải sẽ bị đẩy lùi. Sự liên kết giữa các DN trong hoạt động sản xuất – kinh doanh không chỉ bó hẹp trong nội bộ địa phương, mà mở rộng ra các địa bàn khác trong vùng; không chỉ ở các khâu đầu vào, hay đầu ra mà có thể hợp tác, chia sẻ lợi ích trong toàn bộ quá trình sản xuất, tái sản xuất mở rộng.
Chẳng hạn, Tổng công ty Dệt – may Hòa Thọ (Ðà Nẵng) đang là “bệ đỡ” cho khoảng 32 DN nhỏ và vừa cùng ngành hàng trong khu vực miền trung. Các DN như Cơ khí chế tạo xe có động cơ ở Quảng Nam, lọc hóa dầu và chế tạo thiết bị công nghiệp nặng ở Quảng Ngãi từng bước khởi sắc, cho thấy thế mạnh riêng. Mạng lưới DN du lịch ở Thừa Thiên – Huế, Ðà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận vận hành năng động, liên kết sâu theo chuỗi giá trị thị phần… Từ thực tế đó, nếu phát huy mạnh lên các lợi thế riêng, gia tăng tính chuyên môn hóa cao hơn, rõ ràng các khả năng liên kết đều có thể chuyển hóa dần vào chiều sâu, góp phần tìm được sự phát triển bền vững theo cụm ngành – nghề.
Mặt khác, cần tính toán đến các hướng đột phá chung cho cả VDHMT. Muốn vậy, Chính phủ nên bổ sung chính sách ưu đãi đặc thù chung cho cả VDHMT. Hai là, thông qua Ban Ðiều phối vùng, chính các tỉnh, thành phố trong khu vực cũng phải tự hoàn thiện thêm môi trường đầu tư chung. Trong đó, bao gồm nhiều yếu tố, từ việc cải cách hành chính, giảm rào cản gia nhập thị trường, giảm chi phí thuê đất, tăng sự phát triển tài chính theo chiều sâu, đến việc tăng hiệu năng của các thiết chế pháp lý, bảo vệ quyền sở hữu, giải quyết tranh chấp kinh tế… Quá trình ấy còn đòi hỏi nghiên cứu, thí điểm, nhân rộng các nhân tố tích cực, để tránh tình trạng hoặc kìm hãm sáng tạo, hoặc “xé rào” vượt Luật định.
Các địa phương trong VDHMT cũng cần nỗ lực hơn trong cải cách hành chính và hỗ trợ các dịch vụ hành chính cho các nhà đầu tư. Hơn nữa, VDHMT nên ưu tiên trước (trong quá trình liên kết phát triển vùng) theo hướng chia sẻ nhanh các chuỗi giá trị hợp tác toàn cầu. Hai lĩnh vực có thể tham gia sâu, làm được ngay là xúc tiến đầu tư phát triển du lịch và liên kết phát triển công nghiệp. Với lĩnh vực du lịch, trước mắt, hoàn toàn có thể nâng cao hiệu quả cạnh tranh bằng cách tạo ra chuỗi các sự kiện du lịch trong vùng, như Festival Huế, Thi trình diễn Pháo hoa Quốc tế Ðà Nẵng, Lễ hội đêm rằm Phố cổ Hội An, Festival võ Tây Sơn, Festival biển Nha Trang… Khi kết nối được với các hãng và doanh nghiệp du lịch lớn quốc tế, thế mạnh ấy sẽ được phát huy. Về công nghiệp, hiện nay, toàn vùng có 51 khu công nghiệp (chiếm 19% tổng số khu công nghiệp cả nước), với 178 dự án FDI và 808 dự án đầu tư trong nước. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp trong vùng, tỷ lệ vốn thực hiện so với đăng ký đầu tư đều cao hơn mức trung bình chung so với các khu công nghiệp khác của cả nước.
Hiện nay, chín tỉnh VDHMT đã và đang có những bước đi đầu tiên hướng đến liên kết phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Trong đó, đã có nhiều dấu hiệu tích cực. Ðặc biệt, rõ nét về thu hút đầu tư chung, xác định các thế mạnh riêng và nổi trội, để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Liên kết chiều sâu, hợp tác bài bản, xác định các hướng phát triển chủ yếu… nhằm khai thác tiềm năng, hội tụ các thế mạnh để phát triển kinh tế – xã hội VDHMT.
Nhandan
Nhandan
Ý kiến ()