Miền Trung: Khẩn trương khắc phục thiệt hại sau bão lũ
Liên tục hơn một tháng nay, mưa lũ tại miền Trung diễn biến khá phức tạp, đặc biệt là tại các tỉnh Nam Trung bộ, đã xảy ra hiện tượng “lũ chồng lũ”, gây nhiều thiệt hại cho người dân. Tuy nhiên, khi nước lũ vừa rút, chính quyền và người dân các địa phương, đặc biệt là nhân dân 2 tỉnh Phú Yên, Bình Định đã bắt tay vào khắc phục hậu quả.
Đây là một trong hàng trăm căn nhà tại miền Trung bị mưa lũ gây sạt lở núi làm sập hoặc bị cuốn trôi, hư hỏng sau mưa bão
Tại tỉnh Phú Yên, theo báo cáo của UBND tỉnh này, bão số 12 kèm mưa lũ lớn đã làm 02 người mất tích và 02 người chết, 37 người bị thương; 203 căn nhà thiệt hại hoàn toàn, 349 ngôi nhà bị hư hỏng từ 50 đến 75%, số nhà bị tốc mái siêu vẹo là 2.409 căn, gần 10.000 nhà bị ngập nước.
Mưa bão cũng làm hơnn 246ha diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ bị thiệt hại; 145.350 m3 lồng, bè nuôi trồng thủy sản nước mặn ở thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An và Đông Hòa bị thiệt hại từ dưới 30% đến trên 70%, trong đó có 1,1 triệu con tôm hùm thương phẩm và 21.900 con tôm hùm ươm bị chết; 18 cơ sở sản xuất giống thủy sản và 215 phương tiện khai thác bị hư hỏng; 1.613ha lúa, 973 ha hoa màu, hơn 31.000ha cây trồng hàng năm và lâu năm, 13.163ha rừng trồng bị ngã đổ, hư hỏng; hơn 100 nghìn con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; nhiều công trình thủy lợi, cầu cống, nhà cửa,kho tàng, bễn bãi…bị hư hỏng. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 3.000 tỷ đồng.
Trước các thiệt hại trên, UBND tỉnh Phú Yên bước đầu đã tiến hành khảo sát thiệt hại và trích ngân sách gần 6 tỷ đồng hỗ trợ cho 9 huyện, thị xã thành phố để khắc phục hậu quả; đồng thời tỉnh cũng phân bổ 500 nhà cho các địa phương có nhu cầu xây dựng nhà ở sau bão lũ, trong đó ưu tiên hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng, gia đình ở những vùng trũng thường xuyên bị ngập lụt, thiệt hại. Ngoài ra, UBND tỉnh Phú Yên cũng đang chỉ đạo các địa phương và ngành ngân hàng khẩn trương hoàn tất việc rà soát, thống kê chính xác thiệt hại để có cơ chế hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng.
Trong khi đó, thông qua các tổ chức Mặt trận, đoàn thể, từ sau bão số 12 đến nay, Phú Yên đã nhận được sự giúp đỡ, cứu trợ từ 58 đoàn cứu trợ đến chia sẻ, giúp người dân vượt qua khó khăn sau bão lũ.
Theo đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Phú Yên, tổng số tiền từ 58 đoàn cứu trợ hỗ trợ cho địa phương gần 19 tỷ đồng. Theo đó, các hộ gia đình có người bị thương nặng, mất tích trong mưa bão được hỗ trợ từ 2 đến 5 triệu đồng; mỗi gia đình có phương tiện khai thác thủy sản bị thiệt hại được hỗ trợ từ 3 đến 7 triệu đồng; gia đình có nhà bị sập hoàn toàn được hỗ trợ 30 triệu đồng, nhà sập từ 50 đến 70% được hỗ trợ 15 triệu đồng. Ngoài ra, còn có 23.765 suất quà trị giá gần 6 tỷ đồng của 29 đoàn cứu trợ cũng đã đến với người dân vùng lũ, qua đó động viên, giúp họ sớm khắc phục thiệt hại, vượt qua khó khăn sau mưa lũ.
Chia sẻ thêm thông tin về hỗ trợ khắc phục các thiệt hại trong nông nghiệp và thủy sản sau mưa bão, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Phú Yên cho hay, vào ngày 29/11 vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cùng đoàn công tác của Bộ đã về làm việc với tỉnh Phú Yên để nắm tình hình thiệt hại nông, lâm, thủy sản và khắc phục hậu quả sau đợt mưa lũ vừa qua. Tại đây, lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã đề nghị Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 50 tấn Clorine để khử trùng, phòng chống dịch các vùng nuôi trồng thủy sản; tạm ứng 30 tỷ đồng hỗ trợ người dân bị thiệt hại, xem xét cơ chế hỗ trợ đặc biệt theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh đối với các hộ dân bị thiệt hại cả trong và ngoài quy hoạch. Miễn, giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ phù hợp với khả năng trả nợ của người dân, đồng thời cho vay mới để đầu tư khôi phục sản xuất. Đối với các trường hợp đặc biệt khó khăn, xem xét xóa nợ, khoanh nợ.
Canh đó, địa phương cũng đề nghị Trung ương hỗ trợ cho tỉnh khoảng 100 tỷ đồng để tỉnh đầu tư nâng cấp đồng bộ các khu neo đậu tránh trú bão vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông và lạch Vạn Củi, đảm bảo cho tàu thuyền neo đậu tránh trú bão an toàn; quy hoạch chi tiết vùng nuôi trồng thủy sản bằng lồng, bè vịnh Xuân Đài để sắp xếp, tổ chức lại sản xuất an toàn môi trường, dịch bệnh và bão lũ.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc này, Thứ trưởng Vũ Văn Tám yêu cầu tỉnh Phú Yên rà soát lại tất cả các tàu thuyền dưới 20 mã lực để hỗ trợ từ ngân sách; có chính sách hỗ trợ người nuôi tôm hùm, vì đây là một trong l4 đối tượng chủ lực phát triển ngành tôm đến năm 2025, đạt mục tiêu xuất khẩu 120 tỷ USD, hiện nay mới đạt hơn 3 tỷ USD; quy định chi tiết về giao, cho thuê, kể cả chuyển nhượng mặt nước biển.
Cùng với đó, Thứ trưởng cũng lưu ý tỉnh Phú Yên, mặc dù đã có quy hoạch nuôi trồng thủy sản nhưng công tác quản lý còn chậm; quy hoạch các vùng nuôi chưa đảm bảo tính kỹ thuật gắn với triển khai những chính sách mới. Do đó, theo Thứ trưởng, khi bàn giao hoặc cho thuê mặt nước biển, tỉnh cần phải hướng dẫn người dân về kỹ thuật nuôi và kèm theo các chế tài cụ thể. “Đây là cơ hội để tỉnh tổ chức lại các vùng nuôi trồng thủy sản an toàn, nhất là trong mùa mưa lũ”- Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã chỉ đạo như vậy.
Ngoài những thông tin trên, theo đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, nhằm tháo gỡ khó khăn cho nông dân bị thiệt hại sau mưa lũ, mới đây Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT đã thống nhất phương án áp dụng Quyết định 12 của Chính phủ để xác định thiệt hại, hỗ trợ người dân Phú Yên khôi phục sản xuất. Theo Quyết định này, người nuôi trồng thủy sản sẽ được xem xét khoanh nợ, giãn nợ, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ chuyển đổi nghề. Trước mắt, để đảm bảo sinh kế cho người dân, Bộ NN&PTNT đã đề xuất Chính phủ phê duyệt hỗ trợ gạo trong thời gian 3 tháng cho các đối tượng nghèo, những hộ bị thiệt hại nặng do thiên tai vừa qua trên địa bàn Phú Yên.
Cũng liên quan đến những nỗ lực khắc phục hậu quả mưa bão vừa qua tại Phú Yên, theo đại diện UBND tỉnh Phú Yên, mới đây Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh Phú Yên vừa đề xuất UBND tỉnh này kiến nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù cho người dân bị thiệt hại nặng trong bão số 12.
Sau mưa bão, người nuôi hải sản chỉ biết đứng nhìn những chiếc lồng nuôi đã bị bão đánh tan hoang, toàn bộ số thủy hải sản nuôi trồng đã trôi theo sóng Nếu tỉnh Phú Yên bị thiệt hại nặng từ bão số 12 và đợt mưa lũ ngay sau bão thì tỉnh Bình Định, địa phương lân cận với Phú Yên còn bị thiệt hại về người và tài sản nặng nền hơn bởi tỉnh này liên tục bị “lũ chồng lũ” kéo dài từ sau bão số 12 đến nay.
Theo báo cáo của Ban Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Bình Định, bão số 12 đã làm 09 người chết, 04 người mất tích, 26 người bị thương; 155 nhà bị sập, 991 nhà hư hỏng, tốc mái, 12.981 nhà ngập nước. Mưa lũ cũng đã làm 1.088 ha lúa, 760 ha hoa màu bị ngã đổ, ngập nước; 27 ha đất sản xuất bị sa bồi thủy phá; 1.994 con gia súc, 9.785 con gia cầm bị chết; 75 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi, 19 ha nuôi tôm bị thiệt hại; 20 tàu bị chìm, 1 tàu bị trôi. Hệ thống thủy lợi và giao thông bị hư hỏng nặng, trong đó có 19,4 km kênh mương bị bồi lấp; 4 hồ chứa bị hư hỏng, xói lở tràn; tuyến QL 1D bị sạt lở 21.925 m3 đất đá, các tuyến đường liên huyện, nhiều cầu cống bị sạt lở, cuốn trôi và hư hỏng… Tổng thiệt hại ước tính 771 tỷ đồng.
Cũng theo Ban PCTT&TKCN tỉnh Bình Định, sau bão số 12, liên tục nhiều đợt mưa lớn kéo dài, gây ngập lụt trên diện rộng tại nhiều địa phương ở Bình Định. Trong đó, tính đến nay, toàn tỉnh hiện đã có 3.920 hộ dân tại TP TP Quy Nhơn và các huyện Tuy Phước, Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Nhơn, thị xã An Nhơn, Tây Sơn, An Lão… bị ngập nước; 01 ngôi nhà dân ở thôn Vạn Khánh, xã An Hòa (huyện An Lão) bị sập; đập Cây Gai (Phù Cát) và đập Lại Giang (Hoài Nhơn) tiếp tục bị xói lở. Để đảm bảo an toàn cho người dân, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho tất cả học sinh các trường mầm non, phổ thông đóng trên địa bàn các huyện, thị xã và ngoại thành TP Quy Nhơn nghỉ học trong ngày 4/12 (thời điểm nước lũ lên cao nhất).
Nói về những thiệt hại tại Bình Định do mưa lũ vừa qua, đại diện Ban PCTT&TKCN tỉnh Bình Định cho biết, những con số thiệt hại trên chưa phải là con số thiệt hại cuối cùng bởi sau mưa lũ mặc dù Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành phối hợp với các địa phương, khu vực dân cư để kiểm tra, thống kê mức thiệt hại, tuy nhiên đến nay vẫn còn một số địa bàn trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực ven sông, ven suối vẫn còn bị ngập nước, sạt lở đất đá, hoa màu, thủy sản chưa thống kê hết.
Trước tình hình thiệt hại của mưa bão, liên tục hơn một tháng qua kể từ sau cơn bão số 12, trên cơ sở chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định, Ủy ban PCTT&TKCN và chính quyền các địa phương phối hợp với các ngành có liên quan tiến hành kiểm tra, khảo sát, đánh giá mức thiệt hại cũng như hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả mưa bão. Đồng thời với đó, chính quyền các địa phương cũng huy động các lực lượng chức năng và thanh niên xung kích của các xã, phường, thôn, xóm… thường xuyên ứng trực tại các điểm ngập sâu để canh gác và hướng dẫn người dân đi lại an toàn. Các địa phương cũng tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, cảnh báo nguy hiểm cho người dân vùng ngập lụt.
Cùng với đó, ngay sau bão số 12 đến nay, Sở Y tế Bình Định đã tổ chức các đội cấp cứu y tế khám chữa bệnh cho dân, hỗ trợ vệ sinh môi trường. Riêng hiện nay, khi nước lũ bắt đầu rút, các tổ y tế cơ động được triển khai tại các thôn, làng để xử lý giếng nước bị ô nhiễm, cấp phát hàng ngàn cơ số thuốc và Cloramin B, viên khử khuẩn cho nhân dân vùng ngập lũ để xử lý nguồn nước đảm bảo vệ sinh trong sinh hoạt.
Trong khi đó, ngành Giáo dục và Đào tạo phối hợp UBND các huyện thu dọn vệ sinh, sửa chữa 53 trường, lớp bị ngập, hư hỏng để học sinh đi học trở đi lại; điều chuyển và mua sắm lại bàn ghế bị hư hỏng. Đến nay học sinh các trường đã đi học trở lại bình thường.
Đối với ngành Giao thông Vận tải, hiện nay ngành này đang chỉ đạo triển khai khôi phục nhanh các tuyến đường quốc lộ, 12 tuyến tỉnh lộ bị hư hỏng, đảm bảo giao thông bước 1; phối hợp với UBND các địa phương triển khắc phục tạm hệ thống giao thông nông thôn. Công ty Điện lực Bình Định đã tập trung khôi phục hệ thống điện.
Ngoài ra, nhiều lực lượng chức năng của tỉnh Bình Định đã và đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan Trung ương tìm kiếm người mất tích, trục vớt tàu chìm, xử lý nguy cơ tràn dầu ở vùng biển Quy Nhơn.
Lực lượng chức năng trục vớt những con tàu bị bão số 12 đánh chìm tại vùng biển miền Trung Tại các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn, An Lão, Vân Canh… liên túc nhiều ngày qua, tranh thủ ngay khi nước lũ rút đến đâu thì các lực lượng như quân đội, dân quân tự vệ, thanh niên xung phong cùng cán bộ, công chức ở địa phương… đã tập trung dùng các phương tiện như xe ben, xe kéo, cuốc, thuổng… để chở đất, đá tập kết và đào đất, đóng cọc tre, đắp bao cát gia cố tạm thời, ngăn không cho đê bị vỡ; tiến hành thông đường, sửa đập, gia cố bắt lại cầu, đường bị hư hỏng, sửa lại nhà ở cho người dân bị lũ cuốn trôi…. Tuy nhiên, các hoạt động này trước mắt nhằm phục vụ đi lại và nơi ở cho người dân bị mưa lũ gây thiệt hại, ảnh hưởng đến đời sống.
Trong khi đó, theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, hiện kế hoạch chuẩn bị cho vụ sản xuất Đông Xuân năm nay đang được Sở này tính toán, sẵn sàng để khi nắng lên, nước rút là huy động nông dân ra đồng vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị xuống giống. Bởi theo lịch thời vụ như mọi năm, chỉ còn khoảng hơn nữa tháng nữa là nông dân xuống giống vụ Đông Xuân. Do đó, nhiệm vụ trước mắt là địa phương đang khuyến cáo nông dân nước rút đến đâu làm vệ sinh đồng ruộng tới đó. Tuy nhiên đáng lo nhất là nhiều diện tích sản xuất đã bị cát đá vùi lấp hoặc bị cuốn trôi. Cùng với đó, giống sản xuất đã được nông dân chuẩn bị đã bị mưa lũ cuốn trôi hoặc hu hỏng.
Ngoài ra, theo ông Phan Trọng Hổ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bình Định, với những thiệt hại khá nặng nề do mưa bão vừa qua gây ra cho địa phương, hiện UBND tỉnh Bình Định đang đề nghị khẩn cấp với Chính phủ và các Bộ, Ngành Trung ương hỗ trợ cho tỉnh để ổn định đời sống cho người dân, chuẩn bị sản xuất vụ Đông Xuân, bảo đảm an toàn môi trường vùng biển. Trong đó, hỗ trợ khẩn cấp 1.000 tấn gạo; 250 tỷ đồng để cứu trợ cho nhân dân bị thiệt hại do mưa bão. Đồng thời, đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ 200.000 liều vacxin long mồm lở móng, 500.000 liều vacxin dịch tả lợn, 5 triệu vacxin cúm gia cầm để phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; 10 tấn clorin bột, 20 tấn Benkcocid, 20 tấn Iodine để khử trùng chuồng trại; Bộ Y tế hỗ trợ 50 cơ số thuốc PCLB, 200.000 viên CloraminB, 1 tấn CloraminB (bột) để khử trùng nguồn nước sinh hoạt, 200.000 viên khử khuẩn Aquatabs và các vật tư y tế để giúp nhân dân phòng chống dịch bệnh./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()