Miền trung chủ động ứng phó hạn hán, bảo đảm sản xuất vụ đông xuân
Gần hai tháng qua, do lượng mưa giảm bất thường nên phần lớn các hồ chứa ở khu vực miền trung chưa tích đủ nước, nguy cơ thiếu nguồn nước phục vụ sản xuất đã hiện hữu. Để kịp thời ứng phó và giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất, các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp nhằm chủ động phòng, chống hạn hán ngay từ đầu vụ đông xuân.Nguy cơ chậm tiến độ sản xuất vụ đông xuânTheo kế hoạch, chỉ còn vài ngày nữa là nông dân tỉnh Quảng Nam đồng loạt xuống giống trà lúa đầu vụ đông xuân 2012-2013. Trời nắng chang chang, hàng nghìn ha ruộng của các huyện Thăng Bình, Quế Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc... vẫn chưa được cày xới, lúa chét vụ trước lên xanh um. Hỏi ra, mới biết vì cả tháng nay trời không mưa, thiếu nước, cho nên chưa thể làm đất được. Hiện nay, bà con đang chờ trời mưa; hoặc chờ nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi thả về mới có thể làm đất và xuống giống được.Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Nam Nguyễn Minh Tuấn...
Nguy cơ chậm tiến độ sản xuất vụ đông xuân
Theo kế hoạch, chỉ còn vài ngày nữa là nông dân tỉnh Quảng Nam đồng loạt xuống giống trà lúa đầu vụ đông xuân 2012-2013. Trời nắng chang chang, hàng nghìn ha ruộng của các huyện Thăng Bình, Quế Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc… vẫn chưa được cày xới, lúa chét vụ trước lên xanh um. Hỏi ra, mới biết vì cả tháng nay trời không mưa, thiếu nước, cho nên chưa thể làm đất được. Hiện nay, bà con đang chờ trời mưa; hoặc chờ nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi thả về mới có thể làm đất và xuống giống được.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Nam Nguyễn Minh Tuấn cho biết, từ tháng 9 đến nay, lượng mưa trên địa bàn tỉnh chỉ đạt khoảng 60% trung bình cùng kỳ nhiều năm. Và hiện chỉ có 20 trong 73 hồ thủy lợi tích đủ nước, còn hầu hết các hồ chứa chỉ mới tích đạt 60-70% dung tích thiết kế. Ngay như công trình đại thủy nông Phú Ninh, nơi cung cấp nước tưới cho hơn 50% diện tích lúa của tỉnh cũng bị hụt khoảng 100 triệu m3 nước so với thiết kế. Dòng chảy trên các dòng sông hiện đang giảm mạnh. Năm nay do tình hình biến đổi khí hậu, lượng mưa giảm bất thường, mực nước sông xuống thấp cho nên từ cuối tháng 11, nước mặn đã xâm nhập sâu vào các sông. Dự báo, sẽ có khoảng 11 nghìn ha lúa đông xuân ven sông Thu Bồn, Vu Gia có nguy cơ thiếu nước và bị nhiễm mặn. Đến nay, do thiếu nước, cho nên chân ruộng dựa vào nước trời ở phía tây của tỉnh chỉ mới gieo sạ được hơn một nghìn ha, đạt khoảng 30% kế hoạch.
Không riêng gì Quảng Nam, nguy cơ thiếu nước còn xảy ra ở các địa phương trong khu vực miền trung. Theo Chi cục quản lý đê điều và phòng, chống lụt bão Quảng Bình, từ giữa tháng 12, nông dân đã bước vào sản xuất đông xuân với diện tích lúa gieo trồng 28 nghìn ha. Hiện một số hồ chứa lớn trong tỉnh như: Vực Nồi, Đồng Ran, Vực Sanh (Bố Trạch), Đập Bẹ (huyện Tuyên Hóa), Cẩm Ly và Phú Hòa (huyện Lệ Thủy), lượng nước chỉ đạt 50-60% dung tích. Tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, các hồ thủy lợi cũng nằm trong tình trạng thiếu nước. Hồ Truồi có sức chứa lớn nhất (53 triệu m3), bình thường thì vào cuối mùa lũ, mực nước dâng đạt 42 m, nhưng hiện chỉ đạt 37 m. Duy nhất chỉ có hồ Hòa Mỹ, sức chứa 9,6 triệu m3 có mực nước xấp xỉ đạt, những hồ nhỏ còn lại mực nước đều không đạt so thiết kế. Theo dự báo, tại vùng gò đồi và cát ven biển sẽ có từ ba nghìn ha đến năm nghìn ha lúa đông xuân bị thiếu nước và hơn 17 nghìn ha lúa và hoa màu sử dụng nguồn nước sông Hương sẽ bị hạn nếu thủy điện Bình Điền và Hương Điền không xả nước.
Còn tại tỉnh Bình Thuận, Chi cục thủy lợi tỉnh cho biết, hiện toàn tỉnh đang tập trung vào sản xuất vụ đông xuân, với tổng diện tích gieo trồng hơn 41 nghìn ha. Các địa phương có các công trình thủy lợi, chủ động được nguồn nước thì kế hoạch sản xuất bảo đảm. Riêng hai huyện phía nam của tỉnh là Đức Linh và Tánh Linh, không chủ động được nguồn nước tưới, phải phụ thuộc hoàn toàn vào nước sông La Ngà. Theo kế hoạch, hai huyện này gieo trồng diện tích 15.500 ha; trong đó có 11.000 ha lúa. Tuy nhiên, do tình hình nắng nóng, nước sông La Ngà xuống thấp, không đủ cung cấp cho các trạm bơm trên địa bàn, nên tiến độ gieo trồng không bảo đảm theo đúng kế hoạch. Đến nay, hai huyện mới gieo trồng được 5.500 ha.
Đáng nói là cánh đồng ở khu vực cầu Đỏ của Hợp tác xã Nông nghiệp Mê Pu (huyện Đức Linh) do không có nước, nền ruộng khô nứt làm cây lúa vàng héo không phát triển được. Trong số gần 130 ha lúa vụ đông xuân tại cánh đồng này thì hơn 70% diện tích bị thiệt hại nặng do thiếu nước, nhiều diện tích lúa xa mương nước, nông dân đành phải bỏ vì không có khả năng dẫn nước tới. Anh Nguyễn Văn Đô, HTX Nông nghiệp Mê Pu phân trần: Hơn mười ngày chạy máy bơm liên tục để đưa nước từ sông La Ngà lên tưới, nhưng cũng chỉ cung cấp được khoảng 20 ha. Hiện có hơn 4.000 ha lúa và hoa màu của huyện Đức Linh đang khô hạn rất nặng và nhiều diện tích trên địa bàn huyện Tánh Linh không thể tiếp tục gieo sạ được.
Chủ động đề ra biện pháp ứng phó
Để giảm thiệt hại mùa màng do nắng hạn, nhất là bảo đảm vụ sản xuất đông xuân thắng lợi, các tỉnh trong khu vực miền trung đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm phòng, chống và ứng phó kịp thời với diễn biến thất thường của thời tiết. Tại Quảng Nam, ngay từ đầu tháng 12, tỉnh đã chỉ đạo cho ngành nông nghiệp phối hợp các địa phương triển khai chống hạn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cho biết, tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng phương án phòng, chống hạn và nhiễm mặn, có kế hoạch làm việc với các đơn vị thủy điện để điều tiết nước phục vụ sản xuất. Đồng thời phối hợp các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tiết kiệm sử dụng nước cho sản xuất; sử dụng giống lúa chống chịu hạn, chịu mặn, hạn chế cao nhất việc sử dụng giống lúa dài ngày; thực hiện chế độ tưới luân phiên, tưới lứa và thực hiện tiết kiệm nước. Đối với các vùng khó khăn nguồn nước, tỉnh hướng dẫn chuyển đổi sang trồng ngô, lạc và các loại cây trồng cạn khác phù hợp bảo đảm hiệu quả kinh tế. Tỉnh đã đề nghị các nhà máy thủy điện thực hiện xả nước theo từng đợt (mỗi đợt khoảng mười ngày) để bổ sung nước cho hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn nhằm cấp nước cho sản xuất nông nghiệp vùng hạ du.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình khuyến cáo, biện pháp tối ưu nhất là tận dụng mọi nguồn nước tại chỗ, tăng cường quản lý nước tại mặt ruộng để bảo đảm lượng nước tưới; tích cực kiểm tra các tuyến kênh để phát hiện và bồi đắp các chỗ sạt lở, lấp nhét các vị trí bị đục phá kênh tùy tiện, bổ sung kịp thời cửa van các cống đầu kênh nhằm khống chế lưu lượng nước vào kênh hợp lý; người dân cần có ý thức quản lý nước tại từng chân ruộng, tránh thất thoát lãng phí nước. Các địa phương nắm chắc lịch thời vụ để lập kế hoạch tưới phù hợp các thời kỳ sinh trưởng của cây lúa và diễn biến của thời tiết. Thực hiện các phương án tưới tiết kiệm nước như: tưới luân phiên, vùng xa tưới trước, gần tưới sau nhằm chống úng ngập tại vùng đầu kênh, khô hạn vùng cuối kênh; kiểm tra việc lấy nước vào ao nuôi trồng thủy sản, kiên quyết không để các cống lấy nước tự do, xả nước tràn lan nhằm tiết kiệm nước. Đối với những vùng diện tích tưới nhỏ, lẻ, độc lập, không có khả năng đủ nguồn nước, các địa phương chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tránh rủi ro do thời tiết gây ra; đồng thời chuẩn bị giống dự phòng để có phương án gieo bổ sung khi cần thiết. Các địa phương hướng dẫn nông dân triển khai gieo cấy đúng lịch thời vụ, tập trung gieo trong cùng một xứ đồng để tiết kiệm nước.
Công tác chống hạn ở Thừa Thiên – Huế cũng đang được các địa phương tập trung triển khai. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Kim Thành cho biết, ngành nông nghiệp đã lên phương án phòng, chống hạn ngay giữa mùa mưa. Theo đó, chủ trương tận dụng, tiết kiệm triệt để nguồn nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp; triển khai nạo vét, khơi thông sông, kênh mương và chuyển đổi cơ cấu cây trồng,… đã được các địa phương và bà con nông dân quan tâm thực hiện. Ngoài ra, tỉnh có kế hoạch làm việc với các nhà máy thủy điện để điều tiết nước cho sông Hương kết hợp chặn đập Thảo Long ở phía hạ nguồn nhằm bảo đảm nguồn nước tưới cho các loại cây trồng.
Trước tình hình thiếu nước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận đã đề nghị Công ty thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi điều tiết nước từ thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi để cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt hai huyện Đức Linh và Tánh Linh. Đồng thời đề nghị công ty làm việc với Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, Tập đoàn điện lực Việt Nam cân đối điều tiết lưu lượng chạy máy của thủy điện Đa Mi từ 45 đến 50 m3/giây và thời gian xả ít nhất là 12 giờ trong ngày để bảo đảm xả nước về hạ lưu trong các tháng mùa khô. Bên cạnh đó, yêu cầu các địa phương rà soát lại kế hoạch sản xuất vụ đông xuân để điều chỉnh kế hoạch sản xuất hợp lý, cơ cấu thời vụ gieo trồng phù hợp với khả năng nguồn nước hiện có, bảo đảm canh tác hết diện tích kế hoạch, chuẩn bị sẵn các máy bơm di động, máy bơm dã chiến để ứng phó kịp thời mọi tình huống thiếu nước xảy ra.
Theo Nhandan
Ý kiến ()