Miền du lịch tâm linh và nghỉ dưỡng
Hồ Yên Thắng, vùng sinh thái phục vụ du lịch và nghỉ dưỡng ở thị xã Tam Điệp (Ninh Bình). Tam Điệp, vùng đất địa giới giữa hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa. Nơi đây là vùng bán sơn địa núi, đồi nhấp nhô với nhiều di tích lịch sử hàng trăm năm gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của đất nước.Những di tích lịch sử và địa hình ở Tam Điệp được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương biến tiềm năng thành thế mạnh phục vụ du lịch trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế. Không ngờ cuộc hẹn hò giữa anh Mạc Khải Tuân với tôi trở về vùng đất Tam Điệp lại trở thành hiện thực. Không hẳn vì anh nổi tiếng mà có lẽ do tính vui đâu chầu đấy làm lỡ nhiều cuộc hẹn với anh nên chán, người ta bỏ dần. Một bận ngồi uống trà, tôi cứ hẹn bừa ngộ nhỡ được thì sao? Thế mà anh hưởng ứng ngay để rồi tôi và anh cùng về Tam Điệp, nơi một thời gắn bó với quãng thời gian...
Hồ Yên Thắng, vùng sinh thái phục vụ du lịch và nghỉ dưỡng ở thị xã Tam Điệp (Ninh Bình). |
Tam Điệp, vùng đất địa giới giữa hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa. Nơi đây là vùng bán sơn địa núi, đồi nhấp nhô với nhiều di tích lịch sử hàng trăm năm gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của đất nước.
Những di tích lịch sử và địa hình ở Tam Điệp được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương biến tiềm năng thành thế mạnh phục vụ du lịch trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.
Không ngờ cuộc hẹn hò giữa anh Mạc Khải Tuân với tôi trở về vùng đất Tam Điệp lại trở thành hiện thực. Không hẳn vì anh nổi tiếng mà có lẽ do tính vui đâu chầu đấy làm lỡ nhiều cuộc hẹn với anh nên chán, người ta bỏ dần. Một bận ngồi uống trà, tôi cứ hẹn bừa ngộ nhỡ được thì sao? Thế mà anh hưởng ứng ngay để rồi tôi và anh cùng về Tam Điệp, nơi một thời gắn bó với quãng thời gian công tác của Tuân.
Mạc Khải Tuân là người hay chuyện. Nhiều khi chưa thấy mặt đã nghe tiếng nói oang oang của anh. Anh nói nhiều, nhưng rất chuẩn chẳng sai câu nào khiến người nghe như nuốt từng lời, “Tôi yêu Tam Điệp đến nặng lòng với vùng đất ấy”, một lần ngồi nhâm nhi, Mạc Khải Tuân thú nhận. Từ giã Hà Nội phồn hoa phấp phới tà áo dài nữ sinh bay trong chiều hồ Tây, trở về Tam Điệp chỉ với cái chức cán bộ quèn ở Ban tôn giáo thị xã một thời gian rồi chuyển sang Đài truyền thanh “loa sắt” của địa phương. Thế nhưng anh chẳng từ nan. Và anh đi nhiều, đọc nhiều. Vui chuyện, anh đọc mấy câu thơ:
“Trời se lạnh ngàn lau phơ phất gió
Núi Vàng trầm mặc đứng uy nghiêm
…Anh có cùng em đi lễ hội
Xin đừng ngần ngại chốn cheo leo
Đường về Tam Điệp xa xưa ấy
Mỏi gối, chồn chân vẫn muốn trèo”
Tam Điệp là vùng thấm đậm văn hóa và lịch sử, Mạc Khải Tuân kể – Thời thuộc nhà Hán, đèo Tam Điệp được gọi là Cửu Chân Quan là cửa ải giữa quận Cửu Chân Quan và quận Giao Chỉ. Sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, khi căn cứ Cấm Khê bị thất thủ, một số nghĩa quân lui xuống vùng Tam Điệp – Thần phù để tiếp tục cuộc kháng chiến. Đầu thế kỷ thứ 10, Dương Đình Nghệ cùng Ngô Quyền dựa vào vị trí hiểm trở của Tam Điệp để xây dựng phòng tuyến nhằm bảo vệ lực lượng ở Thanh Hoá, rồi chớp thời cơ tiến quân ra đánh bại quân Nam Hán ở thành Đại La và sông Bạch Đằng. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông, nhà Trần sử dụng bức tường thành Tam Điệp để bảo vệ hậu phương Ái Châu – Diễn Châu, đồng thời làm chỗ dựa vững chắc cho căn cứ Thiên Trường – Trường Yên. Năm 1527, nhà Mạc thay thế nhà Hậu Lê tách hai phủ Trường Yên và Thiên Quan của thừa tuyên Sơn Nam làm Thanh Hoa ngoại trấn. Bởi nhà Mạc chiếm giữ dãy núi Tam Điệp trở ra bắc để chống lại nhà Hậu Lê. Vua Lê Trang Tông bèn đắp lũy ở Tam Điệp để chống nhà Mạc. Đến thế kỷ 17, vùng Tam Điệp còn là phòng tuyến kháng chiến của triều đại Tây Sơn. Phòng tuyến Tam Điệp- Biện Sơn được coi là nơi nuôi dưỡng quân sĩ để tiến vào chiến thắng Đống Đa vào mùa thu năm Kỷ Dậu (1789) khi vua Quang Trung – Nguyễn Huệ đại phá 29 vạn quân Mãn Thanh, giải phóng kinh thành Thăng Long. Cũng chính từ Tam Điệp sau gần 200 năm vào mùa xuân năm 1975, Binh đoàn Quyết Thắng cùng nhiều quân đoàn, lữ đoàn ở miền bắc thần tốc tiến vào giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước. Về mặt địa hình, với đèo Ba Dội nằm trong dãy núi Tam Điệp là một cửa giao thông hiểm yếu nối Ninh Bình và Thanh Hóa. Từ đường bộ từ Thăng Long vào Thanh Hóa hay từ Đàng Trong ra Đàng Ngoài đều phải vượt qua đèo Ba Dội.
Không chỉ có vậy, Tam Điệp còn có nhiều công trình văn hóa khảo cổ được công nhận cấp quốc gia như: Phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn (gồm hai khu A và B) và sáu di tích được công nhận cấp tỉnh gồm Đền Dâu, Quán Cháo, đình làng Quang Hiển, chùa Lý Nhân, chùa Quang Sơn, đền Thánh Mẫu. Tam Điệp còn là nơi sinh sống của người Việt cổ. Theo các công trình nghiên cứu khảo cổ thì di tích Núi Hai, Núi Ba (phường Bắc Sơn), di tích Thung Lang, hang Lẹ (phường Nam Sơn), di tích hang Đáo, hang Khỉ (Đông Sơn), di tích núi Hang Sáo (xã Quang Sơn), cụm di tích hang Ốc, núi Ốp (xã Yên Sơn). Trong mấy năm gần đây, thị xã đưa ba dự án du lịch có tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng như khu liên hợp du lịch sân gôn 54 lỗ, dự án du lịch Đồi Dù, khu du lịch sinh thái hồ Yên Thắng. Hiện sân gôn Hoàng Gia đưa vào hoạt động 18/54 lỗ và đang triển khai hệ thống nhà nghỉ dưỡng phục vụ du khách. Khu du lịch sinh thái Đồi Dù đi vào hoạt động với loại hình nghỉ dưỡng, câu cá, bơi thuyền và các món ăn đặc sản ở vùng quê cố đô Ninh Bình. Ngoài ra, thị xã còn phát triển khá mạnh về cây cảnh nghệ thuật, sưu tầm, chế tác đá mỹ thuật, gỗ lũa.
Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Tam Điệp (khóa 7) về “Phát triển du lịch từ năm 2006 đến năm 2010” và Nghị quyết 15 của Tỉnh ủy Ninh Bình từ đây ngành công nghiệp không ống khói có chuyển biến đáng kể. Thị xã quy hoạch phát triển văn hóa, thể thao và du lịch với nhiều giải pháp nhằm đưa du lịch lên tầm cao mới. Trong đó, chú trọng giá trị văn hóa, lịch sử trên quê hương như tập trung quy hoạch các dự án trùng tu, tôn tạo phục hồi di tích lịch sử, tổ chức tuyên truyền quảng bá giới thiệu các sản phẩm du lịch trên phương tiện truyền thông đại chúng, tổ chức hội thảo về lịch sử và danh thắng, tham gia các hội chợ quốc tế, thu hút đầu tư. Trên địa bàn thị xã nhiều đền, đình di tích lịch sử nổi tiếng tâm linh như đền Dâu, Quán Cháo cùng hệ thống đình làng Quang Hiển, đền Thánh Mẫu, Đồi Gỗ, Quèn Thờ, đền Thượng, các chùa Quang Sơn, Trung Sơn, Lý Nhân… hằng năm, những di tích lịch sử này đón hơn 100 nghìn lượt người tới. Thị xã quan tâm tới việc thẩm định, xếp hạng khách sạn, nhà nghỉ. Đẩy mạnh việc kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các quy định của Nhà nước đối với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh lưu trú du lịch. Năm 2010, thị xã có gần 20 cơ sở với hơn 200 phòng đủ điều kiện để đón khách du lịch lưu trú. Không ít cơ sở đón khách du lịch có phòng ăn rộng, thoáng mát đủ sức đón hàng trăm người ăn uống. Trong đó, một khách sạn đạt tiêu chuẩn năm sao.
Du lịch Tam Điệp thể hiện rõ nét ở hai loại hình chính, đó là du lịch tâm linh và sinh thái. Với mảnh đất thấm đẫm truyền thống lịch sử và văn hóa cùng tín ngưỡng của người dân được các cấp ủy đảng, chính quyền tôn trọng, hệ thống đền, chùa thường xuyên tu bổ tôn tạo, giúp người dân cũng như du khách đến Tam Điệp hành hương, chiêm bái mỗi khi Tết đến xuân về. Các đền Dâu, Quán Cháo, Đồi Gỗ, Quèn Thờ và hệ thống đình làng, chùa không chỉ là nơi mang đậm nét tâm linh mà còn là những công trình kiến trúc cổ với hoa văn tinh xảo giúp các nhà nghiên cứu, sưu tầm văn hóa, kiến trúc dân tộc tìm đến. Đây chính là thế mạnh du lịch của thị xã Tam Điệp. UBND thị xã chỉ đạo các ngành phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình xây dựng, khôi phục các tiết chế văn hóa cổ. Đồng thời lập hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cho năm di tích gồm đền Dâu, Quán Cháo, chùa Lý Nhân, hệ thống đình làng Quang Hiển, chùa Quang Sơn, đền Mẫu Thượng. Hằng năm, mỗi độ Tết đến xuân về, các di tích lịch sử nơi đây đón hơn một trăm nghìn lượt khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp trên địa bàn thị xã đang có nguy cơ phá vỡ quy hoạch các khu di tích lịch sử ở Tam Điệp. “Chúng tôi chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường quản lý nhà nước, tổ chức khoanh vùng bảo vệ di tích”, Chủ tịch UBND thị xã Tam Điệp Vũ Ngọc Châu nói: Từ năm 2010, UBND thị xã hoàn thành việc cắm mốc bảo vệ khu di tích Tam Điệp – Biện Sơn, quảng bá, mời gọi các nhà đầu tư xây dựng loại hình du lịch mang đậm dấu ấn lịch sử.
Một loại hình du lịch ở Tam Điệp đang được du khách trong nước và quốc tế quan tâm, đó là du lịch sinh thái. Đây cũng chính là thế mạnh mà thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất bán sơn địa với đồi và thung lũng nhấp nhô. Khu du lịch sinh thái hồ Yên Thắng và sân gôn 18/54 lỗ đang từng bước đưa vào hoạt động là điểm nhấn quan trọng của tuyến du lịch nơi đây. Hiện nay, khu hồ Yên Thắng còn có hệ thống nhà nghỉ, biệt thự có kiến trúc hiện đại để phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng và thể thao của du khách. Ngoài ra, khu du lịch sinh thái Đồi Dù đưa vào hoạt động với loại hình nghỉ dưỡng, câu cá, bơi thuyền và các dịch vụ ăn uống.
Trước khi chia tay chúng tôi, Chủ tịch UBND thị xã Tam Điệp Vũ Ngọc Châu nói về lộ trình của sự phát triển vùng đất giàu tiềm năng du lịch và công nghiệp trong tương lai. Anh Châu là người lặn lội cả cuộc đời đi tìm cái mới, cổ vũ lối làm ăn mới và luôn đau đáu chăm lo về sự phát triển của Tam Điệp, coi đó là máu thịt của một người con đối với vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Không xa nữa, thậm chí rất gần, Tam Điệp sẽ trở thành vùng công nghiệp trọng điểm của tỉnh Ninh Bình và các khu di tích lịch sử là điểm đến của nhiều du khách trong nước, quốc tế. Qua cuộc trò chuyện ngắn ngủi với Chủ tịch UBND thị xã Tam Điệp Vũ Ngọc Châu, chúng tôi như thấy mảnh đất này đang chuyển mình, đang bứt phá để vươn lên mạnh mẽ. Miền quê vang bóng với những chiến công oanh liệt một thời giờ trở thành mũi nhọn phát triển kinh tế của tỉnh. Lịch sử mãi ghi trang vàng về một vùng đất mà ở đó sự nghèo khó càng làm cho con người quyết tâm vươn lên bằng chính nội lực của nhân dân tạo thành sức mạnh vượt qua. Miền du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Tam Điệp đang lấp lánh tỏa sáng thu hút hàng triệu lượt người cùng các nhà đầu tư đến đặt nền móng vững bền cho sự phát triển. Những di tích lịch sử không chỉ là tiềm năng mà đã, đang và sẽ là thế mạnh của một vùng đất mãi sinh sôi.
Theo Nhandan
Ý kiến ()