LSO-Cây mía đã và đang mang lại cho bà con nông dân xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc một nguồn thu đáng kể. Tuy nhiên, sau nhiều năm trồng mía và coi đây là một trong những cây xóa đói giảm nghèo, Thụy Hùng vẫn chưa tiến tới được mục tiêu phát triển cây mía bền vững.Nhiều năm qua, người trong tỉnh cũng như du khách ngoài tỉnh khi đi qua địa phận Tam Lung (Thụy Hùng) vào mùa mía thường dừng chân mua một vài cây mía làm quà, qua thời gian, hương vị đậm đà của mía Thụy Hùng đã làm nên một “thương hiệu” về ẩm thực của Lạng Sơn. Không chỉ vậy, là một xã miền núi, diện tích đất canh tác ít, từ lâu cây mía đã và đang là cây “mũi nhọn” để bà con nơi đây giảm nghèo, thực tế, cây mía cũng đã giúp nhiều hộ gia đình vươn lên khá giả, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của Thụy Hùng xuống còn gần 7%. Tại thời điểm này, bà con nông dân trong xã đang bận rộn với việc thu hoạch hơn 8 ha mía. Ước tính với giá bán...
LSO-Cây mía đã và đang mang lại cho bà con nông dân xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc một nguồn thu đáng kể. Tuy nhiên, sau nhiều năm trồng mía và coi đây là một trong những cây xóa đói giảm nghèo, Thụy Hùng vẫn chưa tiến tới được mục tiêu phát triển cây mía bền vững.
Nhiều năm qua, người trong tỉnh cũng như du khách ngoài tỉnh khi đi qua địa phận Tam Lung (Thụy Hùng) vào mùa mía thường dừng chân mua một vài cây mía làm quà, qua thời gian, hương vị đậm đà của mía Thụy Hùng đã làm nên một “thương hiệu” về ẩm thực của Lạng Sơn.
Không chỉ vậy, là một xã miền núi, diện tích đất canh tác ít, từ lâu cây mía đã và đang là cây “mũi nhọn” để bà con nơi đây giảm nghèo, thực tế, cây mía cũng đã giúp nhiều hộ gia đình vươn lên khá giả, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của Thụy Hùng xuống còn gần 7%. Tại thời điểm này, bà con nông dân trong xã đang bận rộn với việc thu hoạch hơn 8 ha mía. Ước tính với giá bán bình quân khoảng 3.000 đồng/cây thì toàn xã năm nay sẽ thu được hàng trăm triệu đồng. Trên thực tế nhiều năm trước, khi cây mía có giá, số thu nhập trên là hoàn toàn có thực. Ông Liễu Văn Mảo, Bí thư Đảng ủy xã khẳng định, cây mía đã giúp bà con có nguồn thu nhập ổn định hàng năm, cùng đó, cây mía đã giúp nhiều du khách nhớ đến xã Thụy Hùng – một xã miền núi còn khó khăn này. Có thể nói rằng, cây mía chính là hình ảnh đặc trưng cho Thụy Hùng.
|
Mía được người dân Thụy Hùng bày bán bên quốc lộ 1A – Ảnh: Thanh Sơn |
Không chỉ đồng chí Bí thư Đảng ủy nói vậy, những người trồng mía ở Thụy Hùng cho biết: những năm đầu trồng mía, nhiều gia đình đó đạt thu nhập từ 12 đến 15 triệu đồng mỗi vụ. Mấy năm gần đây, cùng với việc mở rộng diện tích, thu nhập từ cây mía cũng tăng lên đáng kể, nhiều hộ đã đạt thu nhập trên 20 triệu đồng mỗi vụ. Tuy nhiên, hiện nay, tại Thụy Hùng đang tồn tại một nghịch lý là bà con nông dân không dám mở rộng hơn nữa diện tích trồng mía, cho dù cây mía mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với cấy lúa hoặc trồng ngô. Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này là nơi tiêu thụ rất khó khăn. Nhiều năm nay, bà con nông dân Thụy Hùng chỉ tận dụng đoạn đường quốc lộ 1A qua địa bàn xã để bán mía ở dọc đường hoặc là đi bán rong chứ chưa có một chỗ bán ổn định. Hơn nữa, việc bán rong mía cũng gặp phải khó khăn do cây mía chiếm diện tích, gây mất trật tự an toàn giao thông. Anh Hoàng Công Khuyến, thôn Cỏn Tòng tâm sự: Vẫn biết cây mía hiện đang có hiệu quả kinh tế và là cây trồng mang lại thu nhập cao, nhưng hiện bà con không dám trồng thêm vì trồng nhiều thì đầu ra không ổn định, lúc thu hoạch rộ mà không bán được thì chỉ vứt cho trâu bò ăn. Qua tìm hiểu thì lời tâm sự của anh Khuyến cũng là tâm trạng của bà con trồng mía ở Thụy Hùng, chỉ với hơn 8ha như hiện nay mà khi thu hoạch, bán trầy trật mới hết. Và còn một điều nữa, do chưa có đầu ra nên nếu như bà con mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích trồng mía, chưa chắc giá tư thương thu mua đã được cao, nguy cơ “được mùa mất giá” luôn có thể xảy ra .
Theo báo cáo của xã, mỗi vụ mía toàn xã Thụy Hùng thu hoạch được hơn 2,5 triệu cây mía, tuy vậy, việc tiêu thụ hầu như chỉ dừng ở việc bán lẻ cho du khách qua đường. Tiêu thụ vất vả, giá cả lại không cao, hiện mặc cả đi, mặc cả lại, bình quân bà con chỉ bán được 2 nghìn đồng/cây. Với khó khăn này nên người trồng mía Thụy Hùng không mặn mà lắm với việc tăng diện tích. Cùng với sự khó khăn về nơi tiêu thụ thì việc người nông dân ở đây chưa áp dụng một hình thức cải tạo đất nào đối với các diện tích đất đã trồng mía. Cấp uỷ, chính quyền địa phương cũng chưa có sự phối hợp nào với cơ quan chức năng để tuyên truyền, tập huấn nâng cao kỹ thuật canh tác mía cho bà con nông dân, bởi vậy, diện tích mía của Thụy Hùng không ổn định theo từng năm. Về vấn đề này ông Liễu Văn Mảo, Bí thư Đảng uỷ xã Thuỵ Hùng cho biết, người trồng mía chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các khâu như giống, làm đất, phân bón, vốn, thu hoạch và tiêu thụ…, tuy vậy, các khâu này trong thời gian qua chưa gắn kết lại với nhau nên mía Thụy Hùng chưa phát triển mạnh được.
Từ thực tế ở Thụy Hùng, việc thắt chặt quan hệ tương hỗ giữa 4 nhà: Nhà nước – nhà doanh nghiệp – nhà khoa học – nhà nông là một giải pháp quan trọng giúp cho cây mía Thụy Hùng có sự phát triển ổn định. Trên hết, chính bà con trồng mía phải từng bước định hướng cho việc phát triển sản xuất sản theo hướng hàng hóa thì cây mía mới đứng vững trên thị trường, và tự bản thân nó sẽ tìm được đầu ra khi đã có thương hiệu. Để thực hiện được vấn đề này, ngoài sự cố gắng của cấp ủy, chính quyền địa phương, rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện của các ngành chức năng.
Trí Dũng
Ý kiến ()