Mía ngọt đã hóa đắng cay
LSO-Thôn Pắc Lạn, xã Đào Viên, huyện Tràng Định nổi tiếng với nghề trồng mía. Những năm gần đây, khi các thương gia Trung Quốc thu mua mía thì diện tích mía trong thôn lại càng mở rộng. Từ trồng mía nhiều hộ đã thoát nghèo. Thế nhưng giờ đây người dân đang phải thấp thỏm vì bán mía đã một năm mà chưa thu được tiền. Vụ mía ngọt có nguy cơ chuyển thành đắng.
Người dân thôn Pắc Lạn kiểm tra ruộng mía chờ thu hoạch |
Mía đi nỗi lo ở lại
Gặp chúng tôi tại bến Bình Nghi, ông Hoàng Văn Mạc, nông dân thôn Pắc Lạn, xã Đào Viên, huyện Tràng Định kể như người mất hồn: “Gay quá chú ạ, mía đã bán một năm mà họ chưa trả tiền cho chúng tôi. Nhiều người nói thế là bị lừa rồi làm chúng tôi càng lo, giờ họ ở bên kia biên giới, mình biết đâu mà đòi”. Thôn Pắc Lạn có trên 50 hộ dân với trên 300 nhân khẩu. Do là đất cuối bãi sông nên rất thích hợp với cây mía. Nghề trồng mía đã có ở đây rất lâu. Xưa dân trồng để kéo mật, tiêu dùng trong gia đình hoặc bán ra chợ. Khoảng 5 năm trở lại đây, khi các thương gia Trung Quốc bắt đầu tìm đến để mua mía thì cây mía ở đây được người dân trồng nhiều hơn, bài bản hơn và năng suất vì thế cũng tăng cao. Hầu như các hộ trong thôn đều trồng mía, diện tích mía đạt con số trên 70 ha. Nhân dân đã biết tận dụng các chân ruộng một vụ, bờ bãi để trồng mía. Nhiều hộ thoát nghèo và làm giàu từ mía.
Nhờ thâm canh mía, từ năm 2012 cây mía tăng cả về năng suất, chất lượng. Ước tính mía Pắc Lạn đạt năng suất trên 70 tấn mỗi ha. Vui hơn là thương lái Trung Quốc mua mía ở đây với giá cũng cao hơn các nơi khác. Theo ông Hoàng Văn Mạc mỗi tấn mía được 360 nhân dân tệ (khoảng trên 1 triệu đồng). Vụ mía năm ngoái chỉ trong hơn một tháng người dân Pắc Lạn đã bán hết veo. Thế nhưng cũng theo những người dân cho biết, họ mua nhưng là mua chịu, mía đã chặt rồi không thể không bán. Đặc biệt những hộ trồng mía nhiều như nhà ông Hoàng Văn Mạc, Hoàng Văn Lỷ, Hoàng Văn Thiết… cũng bán chịu nên người dân tin và cũng bán chịu theo. Mía đi rồi nhưng tiền thì họ hứa tháng này trả, tháng sau trả, lời hứa cứ dài ra cho đến tận hôm nay mà tiền chẳng thấy đâu.
Mùa mía năm 2014 lại đến kéo theo bao nỗi lo trong đó có nỗi lo chưa thu được tiền, nỗi lo không có người mua mía, nỗi lo những bãi mía đang già đi rất nhanh. Những nỗi lo ấy đã làm đắng lòng người trồng mía. Trao đổi với chúng tôi, anh Triệu Minh Quân, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tràng Định cho biết: ở biên giới nhân dân rất thật thà, mua bán bằng chữ tín nên dễ bị lợi dụng. Đây cũng chính là nỗi lo của các cấp chính quyền. Để tránh tình trạng này nên mua bán qua các công ty, các doanh nhân tin cậy trên địa bàn.
Cần thương gia “trọng tín” đến với nhà nông
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Mạc vừa vuốt từng lá mía vừa nói trong lo lắng: “Mía này đến vụ thu hoạch rồi nhưng chưa thấy ai thu mua, chúng tôi rất lo. Lo hơn là không biết tiền có đòi được không?” Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: vụ mía năm ngoái, toàn bộ số mía do chị Nguyễn Thị Ngọc là người Vĩnh Phú lấy chồng tại Trung Quốc đứng ra bao tiêu sản phẩm. Giá mía chị Ngọc mua cao hơn giá của nhiều doanh nghiệp tại Tràng Định. Thế nên người dân đổ xô bán cho chị. Tuy nhiên đấy là bán chịu. Khi người dân hỏi tiền thì chị khất lần và viện lý do ông chủ Trung Quốc chưa có tiền trả. Thế nhưng cả một năm qua, nếu tính trượt giá phân bón, chăm sóc, giống thì từ năm ngoái đến nay bà con đã không còn lãi từ cây mía.
Trao đổi với anh Triệu Minh Quân, anh cho biết, chuyện lừa đảo hay không thì chưa rõ nhưng một năm không thanh toán mà không có lý do chính đáng thì khó có thể chấp nhận được. Huyện sẽ tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp từng bước giải quyết, hạn chế thấp nhất thiệt thòi cho dân. Còn hiện nay, cần nhất là doanh nghiệp có tâm đến với nhà nông. Người dân cũng không nên tham giá cao mà dễ bị mắc lừa, biến mùa mía ngọt thành “đắng”.
ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()