Mi-an-ma thu hút mạnh đầu tư nước ngoài
Sân bay tại I-ăng-gun hoạt động nhộn nhịp. ( Ảnh: ROI-TƠ )Sau hàng loạt cải cách về chính trị được dư luận khu vực và quốc tế hoan nghênh, Mi-an-ma thực hiện cải cách về kinh tế, coi đó là một trọng tâm của tiến trình mở cửa và hội nhập quốc tế. Luật Đầu tư nước ngoài được Chính phủ Mi-an-ma thông qua hồi đầu tháng 9 thể hiện rõ rệt nỗ lực đó.Theo Luật Đầu tư nước ngoài mới, các nhà đầu tư nước ngoài được nắm 50% cổ phần trong các liên doanh với đối tác trong nước. Luật mới bỏ quy định yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải có ít nhất năm triệu USD khi muốn thực hiện dự án, là một điều khoản được giới đầu tư quan tâm. Cùng với các cuộc cải cách chính trị, kinh tế và thông qua Luật Đầu tư nước ngoài mới, Mi-an-ma đang trở thành một điểm đến hấp dẫn tại Đông - Nam Á. Trong báo cáo "Mi-an-ma trong thời kỳ chuyển đổi: Những cơ hội và thách thức", Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá, với vị trí chiến lược nằm giữa...
Sân bay tại I-ăng-gun hoạt động nhộn nhịp. ( Ảnh: ROI-TƠ ) |
Theo Luật Đầu tư nước ngoài mới, các nhà đầu tư nước ngoài được nắm 50% cổ phần trong các liên doanh với đối tác trong nước. Luật mới bỏ quy định yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải có ít nhất năm triệu USD khi muốn thực hiện dự án, là một điều khoản được giới đầu tư quan tâm. Cùng với các cuộc cải cách chính trị, kinh tế và thông qua Luật Đầu tư nước ngoài mới, Mi-an-ma đang trở thành một điểm đến hấp dẫn tại Đông – Nam Á. Trong báo cáo “Mi-an-ma trong thời kỳ chuyển đổi: Những cơ hội và thách thức”, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá, với vị trí chiến lược nằm giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Đông – Nam Á, với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và lực lượng lao động dồi dào, Mi-an-ma có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thịnh vượng.
Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mi-an-ma, đồng thời nới lỏng một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế đối với hoạt động thương mại và đầu tư tại quốc gia Đông – Nam Á này. Quan hệ Mỹ – Mi-an-ma được cải thiện rõ rệt kể từ sau chuyến thăm lịch sử tới Mi-an-ma tháng 12-2011 của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ H.Clin-tơn. Oa-sinh-tơn đã nới lỏng nhiều lệnh trừng phạt từng áp đặt lên quốc gia này trong nhiều thập kỷ qua, như cho phép các công ty nước này đầu tư và xuất khẩu các dịch vụ tài chính vào Mi-an-ma. Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp ADB hỗ trợ Mi-an-ma, thông qua xóa khoản nợ khoảng 900 triệu USD của cả hai ngân hàng vào đầu năm 2013 tới, cho phép hoạt động vay mượn khởi động.
Nhiều quốc gia châu Á hối hả khai thác lợi thế kinh doanh từ thị trường tiềm năng Mi-an-ma. Trung Quốc tiếp tục khuyến khích các công ty của nước này tăng cường đầu tư và tham gia tích cực việc xây dựng kinh tế của Mi-an-ma, trong khi Mi-an-ma mong muốn củng cố sự hợp tác thiết thực với Trung Quốc trong các lĩnh vực hạ tầng cơ sở, nông nghiệp và năng lượng. Hai bên đẩy mạnh triển khai những dự án lớn, như xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt và dầu Trung Quốc – Mi-an-ma. Chính phủ Thái-lan thông qua đề xuất thành lập ba ủy ban chung Thái-lan – Mi-an-ma để hợp tác phát triển dự án cảng nước sâu Đa-vây và các khu vực ở đông Mi-an-ma. Hàn Quốc và Mi-an-ma nhất trí tìm phương thức mở rộng hợp tác song phương về thương mại, đầu tư, các nguồn tài nguyên và năng lượng, cơ sở hạ tầng, xây dựng cũng như tăng cường trao đổi văn hóa… Theo số liệu thống kê chính thức, kể từ năm 1998 đến tháng 7-2012, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã “rót” vào Mi-an-ma tổng vốn đầu tư gần ba tỷ USD, đưa Hàn Quốc lên vị trí thứ tư trong danh sách các nhà đầu tư nước ngoài vào Mi-an-ma. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2011 đạt 970 triệu USD và bốn tháng đầu của tài khóa 2012-2013 (bắt đầu từ tháng 4-2012) đạt 158 triệu USD.
Mi-an-ma và Nhật Bản thúc đẩy hợp tác kinh tế, trong đó củng cố và cải thiện không chỉ trên cơ sở hạ tầng “cứng” mà còn cả trên các hệ thống cơ sở hạ tầng “mềm” như hệ thống thuế, sở hữu trí tuệ và kiều hối; lập kế hoạch tổng thể phục vụ phát triển công nghiệp. Từ năm 1988 đến tháng 7-2012, Nhật Bản đã đầu tư tổng cộng 216,94 triệu USD vào Mi-an-ma và đứng thứ 12 về đầu tư nước ngoài vào quốc gia Đông – Nam Á này. Trong tài khóa 2011-2012 kết thúc vào tháng 3 vừa qua, thương mại hai chiều của hai nước đạt 822,5 triệu USD, tăng gấp đôi so năm trước. Xin-ga-po mở văn phòng xúc tiến thương mại tại Y-ăng-gun nhằm tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp khai thác các cơ hội làm ăn kinh doanh tại thị trường mới này. Xin-ga-po hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Mi-an-ma (sau Trung Quốc và Thái-lan) và là một trong những nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Mi-an-ma…
Tổng thống Mi-an-ma Thên Xên nhấn mạnh, Chính phủ Mi-an-ma đang nỗ lực thực hiện các cải cách tích cực nhằm đưa đất nước bước vào một kỷ nguyên mới. Đây là một nhiệm vụ khó khăn do Mi-an-ma vẫn thiếu các nguồn vốn đầu tư, điều kiện nhân lực và các hỗ trợ kỹ thuật. Ông kêu gọi các nước thành viên LHQ ủng hộ quá trình chuyển đổi tại Mi-an-ma, tăng cường đầu tư nhằm giúp Mi-an-ma duy trì ổn định và tăng trưởng kinh tế.
Theo Nhandan
Ý kiến ()