Mẹ già neo đơn nuôi con khuyết tật
LSO-Hẳn không ai lại không xót xa khi chứng kiến cảnh người mẹ đã ở tuổi 64 lại phải chăm sóc người con trai đã 30 tuổi mà không thể làm được việc gì. Đó là trường hợp bà Lê Thị Nhã (sinh năm 1953) đường Trần Quang Khải, khối Trần Quang Khải 1, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn.
Bà Lê Thị Nhã chăm sóc con trai bị ảnh hưởng của chất độc da cam |
Bà Nhã quê ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, tham gia kháng chiến năm 1968 thuộc Bộ đội Thông tin Trường Sơn. Bà Nhã và chồng đều tham gia kháng chiến (ở vùng quân đội Mỹ rải chất độc hóa học), ông bà kết hôn sau ngày giải phóng và về Lạng Sơn sinh sống. Trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc đã khó khăn gian khổ nhưng sau ngày thống nhất đất nước trở về quê hương sinh sống thì cuộc sống của vợ chồng bà còn gặp nhiều trắc trở hơn. Bởi vợ chồng bà sinh được hai người con thì cả hai đều bị di chứng của chất độc da cam.
Trong căn nhà cấp bốn nằm ngay bên đường (trước đây được Ban liên lạc Bộ đội Trường Sơn và Ngân hàng Công thương Việt Nam chi nhánh Lạng Sơn hỗ trợ 60 triệu đồng để xây từ năm 2013) đối với bà Nhã, không còn nỗi đau nào bằng nỗi đau trong 30 năm qua phải vừa gồng gánh kiếm từng bữa cơm, manh áo nuôi cả gia đình lại phải vừa trông nom, chăm sóc người con trai bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam.
Bà Nhã chia sẻ: Hai vợ chồng tôi có với nhau hai con (một gái, một trai), thế nhưng con gái đầu lòng từ lúc sinh ra đầu óc không được minh mẫn và đã bỏ nhà đi biệt tích hơn 10 năm nay. Còn con trai Hoàng Văn Ban (sinh năm 1987) do bị di chứng chất độc da cam nên hiện giờ vẫn không thể làm được việc gì, mọi sinh hoạt cá nhân, ăn uống đều phải có người chăm sóc. Chồng tôi sức khỏe yếu nên cũng đã qua đời cách đây hơn 10 năm. Bản thân tôi nay cũng đã tuổi cao, thường xuyên đau ốm, chỉ lo nếu có mệnh hệ gì thì không biết con tôi sẽ sống ra sao…
Tìm hiểu về hoàn cảnh bà Nhã, chúng tôi được biết: Gia đình bà không có đất đai sản xuất hoặc kế sinh nhai nào khác mà mọi khoản chi tiêu hằng ngày chỉ phụ thuộc vào số tiền lương hưu 2 triệu đồng của bà và khoản trợ cấp 1,2 triệu đồng dành cho nạn nhân chất độc da cam của con trai.
Ông Nông Hồng Phong, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Lạng Sơn cho biết: Hiện nay, bà Nhã đã cao tuổi, thường xuyên đau ốm lại phải chăm sóc con trai khuyết tật, do vậy, cuộc sống đã khó giờ lại càng khó hơn. Qua đây tôi rất mong các cấp chính quyền, tổ chức, nhà hảo tâm quan tâm, giúp đỡ để mẹ con bà vượt qua khó khăn trước mắt.
ĐĂNG THÙY
Ý kiến ()