Thứ 3, 26/11/2024 13:57 [(GMT +7)]
Mấy vấn đề đáng lưu ý
Thứ 2, 02/08/2010 | 14:27:00 [(GMT +7)] A A
Tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) sáu tháng đầu năm vẫn “nóng”, chưa có bước đột phá đáng kể nào trong quá trình kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT) và ùn tắc giao thông đô thị. Thực tế này đang đặt ra không ít vấn đề cần tiếp tục giải quyết trong thời gian tới…
Hàng triệu trường hợp vi phạm
TNGT sáu tháng đầu năm đang ở mức cao, trung bình một ngày 31 người chết do TNGT. Tham gia giao thông vẫn là lĩnh vực nguy hiểm, rủi ro cao trong các hoạt động bình thường của đời sống. Nếu lấy mốc thời gian ban hành Nghị quyết 32 của Chính phủ tháng 6-2007 với bảy biện pháp cấp bách kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông, thì chỉ có năm 2008, số người chết giảm nhiều (12,7%), còn sang năm 2009 và sáu tháng đầu năm nay, mức giảm chỉ vài ba phần trăm, không đạt chỉ tiêu đề ra. Trong đó, nếu so với sáu tháng đầu năm 2009, TNGT đường sắt tăng cả ba mặt (số vụ, số người chết, số người bị thương), còn TNGT đường bộ thì số vụ, số người bị thương tăng, riêng số người chết có giảm nhưng không nhiều.
Về nguyên nhân TNGT, có thể thấy rõ phần nào qua con số vi phạm đã bị xử lý, dù còn rất thấp so với thực tế. Thí dụ: Cảnh sát giao thông đã kiểm tra xử lý hơn ba triệu trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ (trung bình xử lý gần 17 nghìn vụ một ngày). Bao gồm: tước giấy phép lái xe gần mười nghìn trường hợp; tạm giữ 12.498 xe ô-tô, 394.539 xe mô-tô, xe máy, 10.924 phương tiện khác; xử lý gần một triệu trường hợp không đội mũ bảo hiểm, 3.649 trường hợp sử dụng rượu bia quá nồng độ. Trong đó, xử lý theo chuyên đề ô-tô khách vi phạm là 48.973 trường hợp (chạy quá tốc độ chiếm 10,3%, chở quá người 13,3%, tránh vượt sai quy định 6,6%). Tháng sáu vừa qua, xảy ra nhiều tai nạn nghiêm trọng do xe khách đâm xe khách hoặc xe tải làm chết nhiều người. Nói một cách khác, loại vi phạm có nguyên nhân từ ý thức hạn chế của người tham gia giao thông đang chiếm tỷ lệ lớn…
Cho nên, cùng với việc tiếp tục xử lý nghiêm khắc và minh bạch các trường hợp vi phạm, cần đẩy mạnh thực hiện các biện pháp mà Nghị quyết 32 của Chính phủ đã đề ra. Cụ thể là: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trật tự ATGT, chú trọng đối tượng thanh, thiếu niên; kịp thời xóa các “điểm đen” về TNGT trên đường bộ, chấn chỉnh hoạt động của đò ngang qua sông, đường ngang qua đường sắt, giải tỏa hành lang giao thông; đổi mới phương pháp đào tạo, kiểm tra, sát hạch và giáo dục nâng cao đạo đức người điều khiển phương tiện, nhất là đội ngũ lái xe ô-tô; tổ chức tốt hơn các hoạt động cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu TNGT…
Ùn tắc và lối thoát
Theo thống kê của Cảnh sát giao thông, sáu tháng đầu năm có 101 vụ ùn tắc giao thông kéo dài một giờ trở lên ở các đô thị lớn và một số quốc lộ. Ở đây, nên có sự đánh giá một cách công bằng: trước thực tế phương tiện cá nhân (ô-tô con, xe máy) tăng nhanh (hơn 10% mỗi năm) mà tình trạng ùn tắc không tăng đã là một cố gắng lớn. Trước mắt, một vài nguyên nhân trực tiếp gây ùn tắc giao thông sẽ giảm bớt. Đó là: Tại Hà Nội, một số công trình phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội sẽ hoàn thành, vừa góp phần tăng năng lực giao thông vừa bớt gây cản trở giao thông; còn ở thành phố Hồ Chí Minh, nhiều “lô cốt”, “tường chắn” sẽ được tháo dỡ do một số dự án cải tạo công trình ngầm đang đi vào giai đoạn cuối. Mặt khác, tình trạng đỗ xe ô-tô tùy tiện đã giảm bớt do tác động tích cực của việc thực hiện Nghị định 34, nâng mức xử phạt cao đối với một số loại vi phạm ở đô thị loại đặc biệt…
Tuy nhiên, ùn tắc giao thông vẫn là nỗi bức xúc của người dân các đô thị lớn bởi lẽ: tình hình chậm được cải thiện và hướng giải quyết chưa rõ ràng. Các giải pháp cơ bản đang trong giai đoạn hình thành và chưa dứt khoát. Từ nội dung các cuộc trao đổi, thảo luận về vấn đề này, có thể rút ra một vài định hướng lớn đáng lưu ý. Trước hết, cần sớm có một quy hoạch hợp lý và khả thi. Trên cơ sở đó, phải thực hiện bằng được một số yêu cầu sau: phát triển vận tải khách công cộng (xe buýt nhanh, phương tiện bánh sắt ngầm, nổi hoặc trên cao) và hạn chế phát triển phương tiện cá nhân; xây dựng hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm theo đúng tiến độ đề ra; giãn mật độ dân cư ở khu vực trung tâm; đổi mới quản lý giao thông, trong đó phải tổ chức được giao thông theo làn, không để kéo dài tình trạng giao thông hỗn hợp như hiện nay; nâng cao ý thức người tham gia giao thông và xây dựng môi trường văn hóa giao thông…
Đó là những chương trình, mục tiêu dài hạn, thực hiện trong vòng mười đến mười lăm năm hoặc lâu hơn. Điểm khó nhất là làm sao kết hợp khéo léo từng bước đi cụ thể của chương trình dài hạn với các giải pháp tình thế và ngắn hạn để cải thiện dần dần tình trạng ùn tắc giao thông, ngay trong giai đoạn trước mắt? Điều này, một mặt khẳng định hiệu lực của quản lý nhà nước, mặt khác góp phần củng cố niềm tin cho cư dân đô thị “sống chung với ùn tắc giao thông” từ nhiều năm nay. Từ niềm tin này, người tham gia giao thông ủng hộ, tự giác thực hiện các giải pháp khắc phục ùn tắc, một nhân tố không thể thiếu để bảo đảm sự thành công. Cho nên, nhiều ý kiến đề xuất phải xây dựng một lộ trình, kế hoạch cụ thể, có giá trị pháp lệnh cao hoặc phải có một “nhạc trưởng” điều hành chung nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới khắc phục cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()