Máy thu hoạch thân cây ngô: Tăng năng suất - giảm công lao động
– Trước thực tế việc thu hoạch thân cây ngô chủ yếu bằng phương pháp thủ công, em Vy Thị Thêm, lớp 9 Trường PTDTBT Tiểu học và THCS xã Vạn Thủy, huyện Bắc Sơn đã nghiên cứu, chế tạo ra máy thu hoạch thân cây ngô mi ni giúp giảm nhân lực và tăng hiệu suất lao động.
Ngô là một trong những loại cây trồng chính của tỉnh, trung bình mỗi vụ có hàng nghìn héc ta ngô được trồng và thu hoạch. Việc thu hoạch, cắt bỏ thân cây ngô từ khi lá còn xanh để chăn nuôi gia súc hay dọn dẹp thân ngô để chuẩn bị cho vụ mới đều được thực hiện thủ công và mất nhiều công sức. Trong thực tế đã có những loại máy thu hoạch thân cây ngô nhưng thiết kế cồng kềnh, giá thành cao dao động từ chục triệu đến hơn 1 tỷ đồng nên không phù hợp với diện tích trồng tại các chân ruộng nhỏ hẹp, chân đồi, khe núi và không phù hợp với khả năng đầu tư của nông dân…
Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng năm 2021 đánh giá, chấm điểm sản phẩm máy cắt thân ngô mi ni
Trước thực tế đó, từ tháng 1 đến tháng 4/2021, em Vy Thị Thêm, lớp 9 Trường PTDTBT Tiểu học và THCS xã Vạn Thủy, huyện Bắc Sơn đã nghiên cứu, chế tạo máy thu hoạch thân cây ngô mi ni. Em Thêm cho biết: Ở xã vùng 3 như Vạn Thủy, ngô là cây trồng chính của người nông dân. Mỗi khi đến vụ thu hoạch, em thấy việc cắt các thân cây ngô rất vất vả và mất nhiều thời gian, công sức, vì thế, em đã có ý tưởng tạo ra chiếc máy thu hoạch thân cây ngô để có thể giúp người nông dân thu hoạch nhanh chóng và tốn ít công sức, nhân công nhất và có giá thành hợp lý.
Qua nghiên cứu cho thấy: động cơ của máy thu hoạch thân cây ngô có thể tận dụng từ máy cắt cỏ có sẵn trên thị trường nên tác giả đã tập trung chế tạo bộ phận phù hợp để cắt thân cây ngô. Từ những thứ sẵn có như: líp xe đạp cũ, bánh xe đạp trẻ em, khung sắt, tấm tôn, đinh vít, lưỡi cắt…, Thêm đã nghiên cứu, chế tạo ra bộ phận cắt thân cây ngô. Theo đó, máy cắt thân cây ngô được cố định trên 1 giá đỡ gồm chắn bảo hiểm và khay hứng. Khi dùng, người nông dân đặt máy vào đầu luống, dùng tay chỉnh tốc độ và đẩy máy về phía trước. Máy đi đến đâu, thân cây ngô sẽ được cắt đến đó. Thân ngô sau khi cắt đổ vào khay hứng.
Không chỉ chú trọng đến hiệu quả sử dụng, tác giả còn đặc biệt chú trọng đến việc đảm bảo an toàn cho người lao động. Trong đó, phần lưỡi cắt được bao quanh bằng hộp sắt, thanh chắn cao su nhằm hạn chế thấp nhất tai nạn trong quá trình vận hành, sử dụng máy và trường hợp đĩa cắt bị các mảnh thân ngô, đất đá vỡ văng vào người… Đĩa cắt được bố trí dưới khay hứng, nằm ngang tạo mặt cắt ngang thân, tránh mặt cắt chéo do chặt bằng dao gây nguy hiểm cho người lao động.
Thử nghiệm thực tế cho thấy: phần thân máy và hệ thống di chuyển hoạt động êm, dễ di chuyển trên mặt ruộng, đất đồi. Mỗi lần cắt sẽ được 1 hàng thân ngô. Thân cây ngô sau khi cắt được dồn lại ngay ngắn trên khung đỡ. Như vậy thân ngô được xếp thành bó, thuận tiện cho việc bó, buộc. Theo so sánh của tác giả, hiệu suất của máy tăng nhiều lần so với phương pháp cắt thủ công. Cụ thể, nếu cắt bằng tay thủ công 1 người cắt được khoảng 2 sào thân cây ngô/ngày, nếu sử dụng máy này thì năng suất có thể đạt 8 sào/ngày. Về giá thành, tác giả ước tính, nếu sản xuất đại trà bộ phận hỗ trợ cắt thân ngô chỉ từ 200.000 đến 500.000 đồng/chiếc.
Ông Lưu Bá Mạc, Trưởng Phòng Quản lý Công nghệ và Quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ, Thư ký Hội đồng giám khảo Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Lạng Sơn năm 2021 cho biết: Sản phẩm máy cắt thân ngô mi ni có tính ứng dụng cao vào thực tiễn đời sống, có thiết kế nhỏ gọn, giá thành phù hợp (nếu được sản xuất đại trà) nên rất phù hợp với điều kiện sản xuất ở nông thôn miền núi. Đây là một trong những sản phẩm được Ban giám khảo đánh giá cao về tính ứng dụng nên đã lựa chọn sản phẩm này để đại diện cho tỉnh Lạng Sơn tham gia Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc năm 2021.
Với giá trị thiết thực mang lại cho người nông dân, máy thu hoạch thân cây ngô mi ni đã đạt giải nhì tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Lạng Sơn năm 2021
Ý kiến ()