Máy cạo nhựa thông - ý tưởng thiết thực của học sinh vùng 3
(LSO) – Xuất phát từ thực tế tuy có dụng cụ chuyên dụng để cạo nhựa thông nhưng muốn dao sắc, dễ làm thì ngày ngày người sử dụng phải mài dũa, cùng đó, việc sử dụng dao cạo thông thường mất nhiều sức lực, nhóm nghiên cứu Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Minh Phát, xã Minh Phát, huyện Lộc Bình gồm em Lộc Trung Kiên và thầy La Quang Điện, giáo viên môn sinh – hóa của nhà trường đã chế tạo chiếc máy cạo nhựa thông.
Em Lộc Trung Kiên, học sinh Trường PTDTBT THCS xã Minh Phát, cho biết: Hằng ngày, em giúp đỡ bố mẹ cạo nhựa thông thấy rằng tuy có dao cạo nhựa thông chuyên dụng nhưng để cắt được lớp vỏ phía ngoài của cây thông thì cần một lực đẩy rất lớn, nếu dao không sắc càng mất nhiều công sức. Chính vì vậy, em có ý tưởng chế tạo một chiếc máy có thể giúp người cạo nhựa tiết kiệm công sức trong quá trình lao động. Cùng thực hiện ý tưởng này có thầy giáo La Quang Điện, giáo viên môn sinh – hóa của trường.
Thử nghiệm máy cạo nhựa thông
Ý tưởng là vậy nhưng việc thực hiện gặp không ít khó khăn. Đầu tiên phải phác thảo các bộ phận, thiết bị bên trong, hình thức bên ngoài, rồi phần cắt vỏ cây thông, động cơ, nguồn điện… khi đã song phương án thì làm sao để thể hiện các bộ phận trên giấy một cách chi tiết, tỷ mỉ. Thầy Lê Quang Điện cho biết: Do trong xã không có xưởng cơ khí nên chúng tôi phải nhờ thợ ngoài trung tâm huyện, đường xa, thợ làm sai khác với bản vẽ, khi lắp ráp hoạt động không như ý, thầy và trò lại tháo ra, chỉnh sửa, làm mới… Để hoàn thiện chiếc máy cạo nhựa thông, nhóm nghiên cứu phải đi lại quãng đường hơn 20 km ra trung tâm huyện hàng chục lần.
Sau nhiều lần chỉnh sửa, chiếc máy cạo nhựa thông ra đời với các bộ phận chính: lưỡi cạo vỏ, mô tơ động cơ, vỏ và nguồn điện. Phần lưỡi cắt có thiết kế giống như lưỡi cưa được điều chỉnh sao cho phù hợp với phần vỏ cây thông, có phần khung chắn đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Trên thị trường có rất nhiều loại động cơ, tuy nhiên, đa số đều có kích thước lớn không phù hợp với việc cầm tay trong thời gian dài. Chính vì vậy, nhóm phải đặt mua từng linh kiện để đáp ứng thiết bị có khối lượng, kích thước nhỏ, gọn, nhẹ dễ dàng sử dụng. Nguồn điện được lựa chọn là pin có thể sạc điện từ bình ắc quy.
Lúc đầu, máy cạo nhựa thông có phần vỏ ngoài bằng nhựa, sau khi thử nghiệm, nhóm nghiên cứu thay bằng kim loại đảm bảo độ chắc chắn và tính thẩm mỹ. Sau khi hoàn thiện, máy cạo nhựa thông có khối lượng khoảng 1 kg, chi phí phụ tùng, lắp ráp 360 nghìn đồng. Thử nghiệm thực tế tại rừng thông cho thấy: máy hoạt động ổn định, có thể dễ dàng cắt phần vỏ ngoài của cây thông. Mỗi lần sạc, máy đầy có thể cạo liên tục hơn 1 giờ với số lượng cây thông được cạo vỏ là trên 100 cây.
Tham gia cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học phổ thông năm học 2017 – 2018 do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, đề tài máy cạo nhựa thông đạt giải nhì lĩnh vực, giải nhì toàn cuộc.
Máy cạo nhựa thông là thiết bị có tính ứng dụng cao nếu được đầu tư, khắc phục nhược điểm về nguồn điện giúp máy có thời gian hoạt động lâu hơn thì đây sẽ là sản phẩm được thị trường đón nhận. Toàn tỉnh Lạng Sơn có hàng nghìn héc ta thông đang cho khai thác nhựa, nếu chiếc máy cạo nhựa thông hoàn thiện sẽ là thiết bị giúp người dân giảm được thời gian và công sức. Được biết, thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục nghiên cứu, cải tiến để hoàn thiện sản phẩm.
Ý kiến ()