Máy bóc vỏ quả dẻ: Giải quyết khó khăn cho người trồng dẻ
(LSO) – Với người trồng dẻ sau khi thu hoạch quả phải mất rất nhiều thời gian để tách vỏ, lấy hạt. Bóc vỏ quả dẻ không chỉ khó khăn mà nhiều khi còn gây thương tích cho người bóc do vỏ dày, cứng, có gai nhọn. Chiếc máy bóc vỏ quả dẻ không chỉ giải quyết khó khăn này mà còn giúp nông dân rút ngắn thời gian tách hạt.
Máy tách vỏ quả dẻ được nhóm nghiên cứu gồm: học sinh Nông Thị Trang, Nguyễn Cẩm Tú và giáo viên hướng dẫn Tạ Văn Hữu, giáo viên công nghệ Trường THPT chuyên Chu Văn An triển khai thực hiện. Sau 3 tháng nghiên cứu, chế tạo, từ tháng 5/2017 đến tháng 8/2017, chiếc máy đã hoàn thiện.
Thầy Tạ Văn Hữu cho biết: Trong một lần về quê bạn tại Trùng Khánh, Cao Bằng, các em học sinh trong Câu lạc bộ Khoa học kỹ thuật của trường thấy người dân nơi đây vẫn còn bóc vỏ quả dẻ bằng phương pháp thủ công. Qua tìm hiểu, ngoài phương pháp thủ công với dụng cụ thô sơ là kẹp sắt thì trên thị trường hiện vẫn chưa có loại máy móc, thiết bị nào có thể tách vỏ quả dẻ thay cho phương pháp thủ công truyền thống. Từ đó, các em có ý tưởng chế tạo một chiếc máy có thể giúp nông dân bóc vỏ quả dẻ dễ dàng, nhanh chóng.
Thầy Tạ Quang Hữu, giáo viên hướng dẫn nhóm nghiên cứu, kiểm tra báo cáo đề tài nghiên cứu máy tách vỏ quả dẻ
Cấu tạo của chiếc máy bóc vỏ quả dẻ gồm: khung thép, bánh răng, mô tơ, sàng, hệ thống rung, trục bóc và nệm đỡ… sau khi lắp ráp chiếc máy có khung thép không gỉ nên máy chắc chắn, hoạt động ổn định và đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Cùng đó, máy còn được lắp thêm bánh xe giúp di chuyển dễ dàng.
Máy bóc vỏ quả dẻ hoạt động dựa trên cơ chế nguồn lực từ mô tơ truyền qua trục bóc. Các trục bóc có cấu tạo như móng tay của con người, bóc phần vỏ cứng bên ngoài mà không làm dập, nát các hạt bên trong. Sau khi bóc tách, phần hạt sẽ rơi xuống mắt sàng rồi rơi ra ngoài. Cùng đó, phần sàng rung liên tục đưa phần vỏ có gai của quả dẻ ra ngoài theo một đường khác. Sau khi khởi động máy, quả dẻ được đổ vào phễu đựng và rơi xuống phần trục bóc; hạt dẻ được tách ra khỏi vỏ, bộ phần sàng làm nhiệm vụ tách riêng phần hạt và vỏ cứng để đưa ra ngoài.
Em Nguyễn Cẩm Tú, học sinh Lớp 12A2, Trường THPT chuyên Chu Văn An cho biết: Khó nhất là chế tạo trục bóc. Trục bóc phải làm sao làm vỡ được phần vỏ cứng bên ngoài nhưng không ảnh hưởng đến các hạt bên trong. Chính vì vậy, nhóm phải tính toán rất nhiều phương án và thay đổi thiết kế 2 trục bóc rất nhiều lần; mắt sàng cũng được tính toán sao cho những hạt dẻ to nhất có thể lọt qua được.
Sau khi chế tạo thành công, nhóm tiến hành thử nghiệm chiếc máy tại trang trại của gia đình ông Nguyễn Trung Hiếu, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn. Kết quả máy vận hành an toàn, nếu như tách vỏ bằng phương pháp thủ công truyền thống, một người bóc trong 1 giờ chỉ thu được hơn 4 kg hạt. Tuy nhiên, khi sử dụng máy tách vỏ, năng suất cao hơn 4 – 5 lần. Thêm vào đó, giá mỗi chiếc máy sau khi chế tạo khoảng 4 triệu đồng, rất phù hợp đối với các hộ chuyên canh cây dẻ.
Tham gia Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật dành cho thanh thiếu niên nhi đồng do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức năm 2017, sản phẩm xuất sắc đạt giải nhì. Với tính ứng dụng cao trong thực tiễn đã có một số doanh nghiệp, đơn vị đặt mua bằng sáng chế của nhóm nghiên cứu.
Ý kiến ()