Nhiều hộ gia đình ở vùng biển huyện Triệu Phong (Quảng Trị) có thu nhập cao nhờ nuôi tôm. Nhắc đến Quảng Trị là nhớ đến vùng đất khí hậu khắc nghiệt, cát trắng gió Lào. Nhớ đến những huyền thoại có thật trong 81 ngày đêm kiên cường giữ thành cổ của những người con anh dũng của đất nước. Nhớ đến vùng đất chịu nhiều năm chiến tranh tàn phá nay còn để lại nhiều hậu quả... Nhưng đến Quảng Trị hôm nay trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng (1-5-1972) đã thấy một Quảng Trị mới, tươi xanh đang từng bước giàu và đẹp.Bãi mìn năm xưa nay đã khácXã Hải Thái nằm gần bên nhánh phía đông của con đường chiến lược Hồ Chí Minh huyền thoại, thuộc địa bàn tây Gio Linh. Thời chiến tranh, đây là một vùng hoang vu. Quân Mỹ đổ xuống chiếm cứ, lập tuyến ngăn chặn con đường tiếp vận huyết mạch của miền bắc cho chiến trường miền nam. Cùng với những cứ điểm nổi tiếng với những trận đánh ác liệt năm xưa: căn cứ C2, đồi Cồn Tiên, điểm cao 158 là những bãi mìn...
Nhiều hộ gia đình ở vùng biển huyện Triệu Phong (Quảng Trị) có thu nhập cao nhờ nuôi tôm. |
Nhắc đến Quảng Trị là nhớ đến vùng đất khí hậu khắc nghiệt, cát trắng gió Lào. Nhớ đến những huyền thoại có thật trong 81 ngày đêm kiên cường giữ thành cổ của những người con anh dũng của đất nước. Nhớ đến vùng đất chịu nhiều năm chiến tranh tàn phá nay còn để lại nhiều hậu quả… Nhưng đến Quảng Trị hôm nay trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng (1-5-1972) đã thấy một Quảng Trị mới, tươi xanh đang từng bước giàu và đẹp.
Bãi mìn năm xưa nay đã khác
Xã Hải Thái nằm gần bên nhánh phía đông của con đường chiến lược Hồ Chí Minh huyền thoại, thuộc địa bàn tây Gio Linh. Thời chiến tranh, đây là một vùng hoang vu. Quân Mỹ đổ xuống chiếm cứ, lập tuyến ngăn chặn con đường tiếp vận huyết mạch của miền bắc cho chiến trường miền nam. Cùng với những cứ điểm nổi tiếng với những trận đánh ác liệt năm xưa: căn cứ C2, đồi Cồn Tiên, điểm cao 158 là những bãi mìn bảo vệ dày đặc, những kho đạn, kho súng còn rải rác mà khi bị đánh bật đi địch không thể mang theo, ta cũng chưa có đủ thời gian và điều kiện để tháo gỡ.
Quảng Trị giải phóng, rồi đất nước thống nhất. Người Quảng Trị dưới vùng đồng bằng Hải Lăng nhỏ hẹp gần biển, hay phải chịu lũ lụt đã lên đây xây dựng kinh tế mới trên vùng đất gò đồi với nhiều hy vọng đổi thay, sung túc. Quân địch không còn nhưng lòng đất Hải Thái cùng với bao xóm, làng khác ở Quảng Trị vẫn dày đặc bom, mìn. Chỉ biết đã có thời việc đi tìm những mảnh kim loại còn sót lại của chiến tranh đã từng là một nghề tạo nguồn sống cho nhiều người dân Hải Thái. Nơi đây, đã có 53 người chết trong số gần 100 người dính tai nạn bom, mìn. Thương tích của những người gặp tai nạn mà may mắn thoát chết còn để lại gánh nặng dai dẳng cho cả gia đình và xã hội. Chẳng riêng gì Hải Thái, ở Quảng Trị có nhiều đám giỗ, nhiều việc chung của làng, của thôn, nghe nhiều tiếng nạng gỗ thay cho tiếng chân người đến dự mà đau lòng, ứa nước mắt…
Chúng tôi đến xã Hải Thái vào một ngày nắng đẹp, hai bên đường, dưới những rừng cao-su đã khép tán, người dân nơi đây đang thoăn thoắt cạo mủ vừa trò chuyện vui vẻ. Bên lô cao-su của mình, ông Võ Viết Khương đang tranh thủ cạo mủ cao-su, bồi hồi nhớ lại: “Chưa bao giờ tui nghĩ mình lại có cuộc sống như bây giờ. Những ngày đầu sinh sống ở vùng đất này, khổ cực không sao kể xiết. Tui còn nhớ hồi mới khai hoang, thỉnh thoảng đâu đó bom, đạn còn sót phát nổ. Nhiều người đã nằm lại mảnh đất này trong cuộc mưu sinh thời bình. Và cũng có nhiều người khác không chịu được sự khắc nghiệt nên đã bỏ ra đi”. Nhưng nay Hải Thái đã khác rồi. Mầu xanh của cao-su đã phủ khắp trên những vạt đồi xưa trọc trắng nham nhở vì bom đạn. Hải Thái cùng huyện Gio Linh đã trở thành một trong những vùng cây công nghiệp trọng điểm của tỉnh Quảng Trị. Đất đã sạch dần vật liệu nổ.
Chủ tịch UBND xã Hải Thái Hoàng Đoán, được sinh ra sau ngày đất nước thống nhất, là một trong số những chủ tịch xã trẻ nhất ở tỉnh Quảng Trị hồ hởi khoe: “Xã đang làm quy hoạch xây dựng nông thôn mới, cũng đã sắp xong và công việc xây dựng tiếp theo sẽ được tiến hành nhanh”. Thu nhập trung bình của mỗi người dân trong xã ước đạt 10,5 triệu đồng/năm. Cây cao-su tiểu điền (được trồng theo hộ gia đình) ở Hải Thái đang có bước phát triển vượt bậc, năm 2011 toàn xã đã trồng mới 163 ha, nâng tổng số diện tích trồng cây cao-su lên 785,9 ha. Đến nay, 59 ha cây cao-su được trồng đầu tiên đã cho khai thác. Cùng với cao-su, ở Hải Thái, cây hồ tiêu và đàn bò cũng đang được phát triển, nhất là giống bò lai shin. Những loại cây và con hợp với sinh thái đồi rừng như lạc, sắn, cây ăn quả; nhím, thỏ, chồn… cũng được trồng và nuôi để góp phần nâng thêm tổng thu nhập. Ba trường tiểu học và trung học cơ sở trong xã đã đạt chuẩn quốc gia về giáo dục. Trường mầm non Hải Thái đạt chuẩn quốc gia từ năm 2005. Hải Thái vẫn còn nghèo nhưng tiếng cười con thơ với những gương mặt rạng rỡ trên đường làng đã làm nguôi đi nhiều nỗi buồn chiến tranh để lại.
Hướng lên rừng và nhìn ra biển
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị Nguyễn Văn Bài thông báo với chúng tôi những con số lạc quan. Cả tỉnh đang chuyển mình sau 40 năm giải phóng. Anh cho biết: “Chẳng riêng ở Hải Thái, công việc khắc phục hậu quả chiến tranh, làm sạch đất ô nhiễm bom, mìn ở tỉnh Quảng Trị nói chung đã được làm và vẫn còn phải làm lâu dài trong nhiều chục năm tới. Quá phân nửa diện tích đất ở Quảng Trị vẫn còn ô nhiễm bom, mìn, vật liệu nổ nhưng tỷ lệ độ che phủ của rừng từ 19% năm 1989, đến nay đã đạt hơn 47%…”. Dù các chuyên gia đã ước tính rằng để làm sạch bom, mìn khỏi lòng đất Quảng Trị cần tới hơn 130 năm, nhưng hôm nay, mảnh đất Quảng Trị kiên cường đang được “xanh hóa” từng ngày.
Trên doi đất nhỏ hẹp ven biển tựa lưng vào dãy Trường Sơn, đất đai không nhiều để trồng lúa, nhưng Quảng Trị vẫn quyết tâm bảo đảm an ninh lương thực và hướng tầm nhìn lâu dài đến nguồn lợi từ rừng và biển. Những điểm nút kinh tế đang được hình thành và phát triển trong hệ thống hành lang kinh tế đông – tây với các nước bạn, được kết nối bằng con đường 9 lịch sử cũng là những điểm tươi sáng mới trên bản đồ kinh tế – xã hội Quảng Trị.
Vùng đồi rừng với những hoạt động lâm nghiệp, trồng rừng phòng hộ, phát triển cây công nghiệp có thế mạnh… đã tích cực góp phần giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân những năm gần đây. Cây cao-su đã đứng vững trên vùng đất Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ. Cùng với cây cao-su còn có cây hồ tiêu, cây cà-phê ở Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ và Hướng Hóa… Năm năm qua, mỗi năm Quảng Trị trồng mới được 4.500 ha rừng tập trung và 2 – 2,5 triệu cây phân tán. Cùng với việc trồng rừng, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản cũng được ưu tiên hình thành và phát triển với các nhà máy ván sợi ép, nhà máy chế biến nhựa thông, nhà máy chế biến gỗ rừng trồng đang được xây dựng sẽ đi vào sản xuất trong tương lai gần. Cây cà-phê ở Hướng Hóa vẫn được đánh giá có chất lượng và năng suất tốt. Hiện nay, cà-phê của bà con ở Hướng Hóa đang được tiêu thụ ổn định với giá khá cao. Các nhà máy chế biến cà-phê trên địa bàn đã giữ được chữ tín với người trồng cà-phê bằng việc bảo đảm thu mua nguồn nguyên liệu ổn định cho mình…
Trong ngôi nhà được xây dựng khang trang, anh Nguyễn Anh Đào, ở thôn Tân Phú (Cam Thành, Cam Lộ) tâm sự: “Rời quân ngũ trở về công tác tại Nông trường Tân Lâm, năm 1996 hai vợ chồng nghỉ chế độ 41 với đồng lương ít ỏi nên cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng chúng tôi đã quyết tâm làm giàu trên đồng đất của quê hương mình. Tận dụng ưu thế đất đỏ ba-zan sẵn có, tôi xác định cây trồng chính là tiêu và cao-su; cây trồng phụ là cà-phê, cam, bưởi, sắn, dứa và đậu đỗ các loại. Đồng thời, tận dụng vùng gò đồi để trồng rừng; khe suối để trồng cỏ chăn nuôi trâu, bò, dê, thỏ, góp phần tăng thu nhập và có phân bón cho cây trồng”. Sau nhiều năm nỗ lực làm giàu từ mô hình kinh tế vườn đồi, tổng thu nhập từ trồng trọt và chăn nuôi của gia đình anh sau khi trừ chi phí còn hơn 350 triệu đồng/năm.
Quảng Trị còn có vùng biển với lợi thế nuôi trồng thủy sản ở dọc sông, những bãi ngang và đánh bắt ven bờ đang tăng nhanh cả về diện tích và sản lượng. Điều đáng mừng, là tốc độ tăng sản lượng cao hơn tốc độ tăng diện tích nuôi trồng, do bà con chú trọng đầu tư phương pháp, kỹ thuật nuôi thả, con giống theo hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật. Con tôm thẻ chân trắng được nuôi trên vùng cát ven biển và ven sông những năm qua phát triển mạnh. Năm 2012, Quảng Trị đã đạt hơn 650 ha diện tích mặt nước, với sản lượng hơn 5.300 tấn. Đây là bước đột phá có tính quyết định làm tăng nhanh sản lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho ngành nuôi trồng thủy sản của Quảng Trị.
Con tôm sú lúc đầu được nuôi theo phong trào, sau vài năm chập chững lao đao cũng được ổn định dần trên những diện tích nuôi phù hợp, với lợi nhuận tới 70 – 80 triệu đồng/ha mỗi năm. Số diện tích ao nuôi còn lại đã chuyển sang nuôi cua, nuôi cá rô phi… Dù phải chịu nhiều tác động ảnh hưởng của những thăng trầm, biến động từ thiên nhiên, từ thị trường nhưng giá trị nông – lâm – ngư nghiệp vẫn tăng bình quân 3,5% hằng năm, chiếm tỷ trọng 25 – 27% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Bốn mươi năm đã qua nhanh từ ngày Quảng Trị được giải phóng hoàn toàn. Trải qua nhiều gian nan, trăn trở tìm hướng mở đường để phát triển, Quảng Trị đang dần khởi sắc. Dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng đường lớn đã mở để đi tới tương lai. Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay trên mảnh đất kiên cường một thời mưa bom, bão đạn. Mầu xanh đang sinh sôi trên những vết thương đang lành, trên chiến trường Quảng Trị một thời hoa đỏ chiến tranh…
Theo Nhandan
Ý kiến ()