Mâu thuẫn nhỏ, hậu quả lớn - cái kết từ những cuộc nhậu của thanh niên
Đối tượng Phan Thanh Bình |
Lê Xuân Trường đang là học sinh lớp 12 ở huyện Cao Lộc. Bản thân chưa có tiền án, tiền sự hay thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, vào một ngày định mệnh giữa tháng 3/2017, khi đi dự sinh nhật bạn ở quán ốc, nhóm của Lê Xuân Trường đã nảy sinh mâu thuẫn với nhóm thanh niên ở bàn nhậu bên cạnh. Lời qua tiếng lại, do đã sử dụng quá nhiều rượu, nhóm thanh niên ở bàn bên đã dùng gậy đánh Lê Xuân Trường và Sầm Ngọc Tú, sinh năm 1994. Do bị đau, Trường đã cướp được gậy đuổi theo và đập vào đầu Hoàng Việt Hà, sinh năm 1991, trú tại thôn Khòn Pịt, xã Hoàng Đồng. Hậu quả là cả Hoàng Việt Hà và Sầm Ngọc Tú đều bị chấn thương sọ não. Do vết thương quá nặng, Hoàng Việt Hà đã tử vong tại bệnh viện. Hậu quả đau lòng từ cuộc rượu mừng sinh nhật dẫn đến 2 thanh niên tương lai rộng mở phía trước nhưng nay người thì mất mạng, kẻ phải trả giá trước pháp luật.
Gần đây nhất, vào ngày 23/3/2017, Công an thành phố Lạng Sơn (TPLS) đã bắt tạm giam đối tượng Phan Thanh Bình, sinh năm 1999 trú tại đường Nguyễn Đình Chiểu, phường Đông Kinh, TPLS về hành vi cố ý gây thương tích. Trước đó, vào rạng sáng ngày 17/3/2017, sau khi đi ăn đêm về, Bình cùng với Nguyễn Quang Hải, sinh năm 1988 trú tại phường Cam Giá, thành phố Thái Nguyên được một người bạn tên Quang lấy xe ô tô đưa về. Nhưng trong khi đi, do đã uống rượu nên Quang và Hải xảy ra cãi vã nhau. Phan Thanh Bình đã lấy con dao gọt hoa quả sau ghế đâm vào tay Hải, khiến Hải bị thương với tỷ lệ 10%.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ cố ý gây thương tích bắt nguồn từ mâu thuẫn sau cuộc nhậu của thanh, thiếu niên. Thượng úy Hoàng Trung Thành, Đội Cảnh sát hình sự Công an TPLS cho biết: Hiện nay nhiều bạn trẻ thường chọn quán rượu làm nơi giao lưu, gặp gỡ bạn bè. Tuy nhiên, ở lứa tuổi trẻ vốn dĩ dễ bị kích động, thích thể hiện bản thân. Đặc biệt hệ quả từ sự du nhập của lối sống bạo lực, ích kỷ, coi thường sức khỏe người khác trong một bộ phận thanh, thiếu niên; khi có sự kích thích từ rượu, bia thì càng dễ nảy sinh mâu thuẫn dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật. Từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 18 vụ cố ý gây thương tích, hậu quả làm chết 4 người, 20 người bị thương.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh làm giảm tội phạm cố ý gây thương tích, trong thời gian qua, lực lượng công an đã tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, nhà trường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong lứa tuổi thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên.
Ông Phạm Thanh Nguyên, khối 14, phường Hoàng Văn Thụ đánh giá cao nỗ lực của lực lượng Công an Lạng Sơn. Ông cho biết: Bên cạnh chú trọng tuyên truyền, lực lượng công an đã thường xuyên kiểm tra, yêu cầu các điểm kinh doanh ăn uống chấp hành các quy định về ANTT, giờ giấc hoạt động. Đồng thời tăng cường triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tuần tra kiểm soát ban đêm, phát hiện và thu giữ dao nhọn, kiếm, mã tấu, gậy của các đối tượng dấu trong cốp xe, trong người; ngăn chặn các vụ thanh niên tụ tập đánh nhau, gây rối trật tự công cộng. Chủ động nắm tình hình, rà soát, lập hồ sơ quản lý các trường hợp thanh, thiếu niên có biểu hiện vi phạm pháp luật để giáo dục, răn đe
Tuy nhiên, nhiều người dân, đặc biệt là lứa tuổi thanh, thiếu niên vẫn không ý thức được hậu quả của việc sử dụng rượu, bia. Để đấu tranh làm giảm tội phạm này rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong quản lý, giáo dục học sinh và con em; cần tăng cường những buổi ngoại khóa, tọa đàm hướng dẫn cho học sinh, thanh, thiếu niên về kỹ năng ứng xử phù hợp trong cuộc sống khi đứng trước những mâu thuẫn phát sinh. Từng cá nhân phải nhận thức được hậu quả của hành vi cố ý gây thương tích đối với bản thân và xã hội. Có như vậy mới chặn được tận gốc loại tội phạm này.
Ý kiến ()