Tổng thống Áp-ga-ni-xtan Ha-mít Ca-dai vừa quyết định thành lập Hội đồng Hòa bình cấp cao (HPC) để tiến hành các cuộc đối thoại với lực lượng nổi dậy, một nỗ lực chấm dứt cuộc nội chiến tại nước Nam Á này.
Tổng thống Ca-dai nêu rõ, việc thành lập HPC là “một bước đi quan trọng nhằm theo đuổi các cuộc đàm phán hòa bình” với lực lượng Ta-li-ban. Kế hoạch thành lập HPC của Tổng thống Ca-dai đã được Hội nghị hòa bình dân tộc Áp-ga-ni-xtan thông qua hồi tháng 6 với sự tham dự của các tộc trưởng, nghị sĩ, quan chức chính phủ, các nhà hoạt động chính trị và hoạt động xã hội trong cả nước.
Chính quyền của Tổng thống Ca-dai thúc đẩy kế hoạch hòa giải nêu trên trong bối cảnh Áp-ga-ni-xtan chuẩn bị tiến hành cuộc bầu cử Quốc hội mới dự định diễn ra vào ngày 18-9 tới, trong khi các vụ bạo lực nhằm vào lực lượng nước ngoài tiếp tục leo thang đe dọa phá hỏng sự kiện quan trọng này. Nhiều ứng cử viên Quốc hội không triển khai được các hoạt động tranh cử sau khi các vụ xung đột đã làm bốn ứng cử viên thiệt mạng và một số khác bị thương. Mỹ và lực lượng của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang triển khai 150 nghìn binh sĩ, tập trung vào các hoạt động truy quét tại các tỉnh miền nam như Hen-man và Can-đa-ha, nơi được coi là những sào huyệt của phiến quân Ta-li-ban, đồng thời là nơi đang diễn ra những cuộc giao tranh ác liệt nhất. Phía Mỹ ngay từ đầu đã bác bỏ kế hoạch thương lượng với Ta-li-ban. Quân Mỹ và liên quân NATO vẫn theo đuổi giải pháp quân sự, tiến hành hàng loạt các đợt tiến công vào lực lượng Ta-li-ban. Tư lệnh các lực lượng Mỹ và NATO tại Áp-ga-ni-xtan, Tướng Đa-vít Pê-tra-ớt ngày 31-8 thừa nhận lực lượng Ta-li-ban đang mở rộng “dấu chân” ở khắp Áp-ga-ni-xtan, đặc biệt là tới cả khu vực miền bắc ổn định trước đây. Tướng Pê-tra-ớt cho biết, việc các vụ tiến công nhằm vào binh lính nước ngoài tăng lên nhanh chóng cho thấy Ta-li-ban đang cảm thấy bị đe dọa, đồng thời cần phải có các hành động chính trị cũng như quân sự để quét sạch những kẻ nổi dậy.
Về phần mình, lực lượng Ta-li-ban đã nhiều lần bác bỏ đề nghị đàm phán hòa bình của Chính phủ Áp-ga-ni-xtan và tuyên bố sẽ chỉ đàm phán khi nào toàn bộ lực lượng nước ngoài rút khỏi Áp-ga-ni-xtan. Ngày 5-9, lực lượng Ta-li-ban công khai đe dọa phá hoại cuộc bầu cử Quốc hội ở Áp-ga-ni-xtan và kêu gọi người dân Áp-ga-ni-xtan tẩy chay bỏ phiếu. Ta-li-ban cho rằng, cuộc bầu cử Quốc hội là một tiến trình của nước ngoài nhằm kéo dài sự chiếm đóng ở Áp-ga-ni-xtan và Ta-li-ban sẽ quyết ngăn chặn mưu đồ này. Ta-li-ban nêu rõ, lực lượng nổi dậy đã và đang đẩy mạnh các hoạt động chống liên quân không những tại các tỉnh phía nam mà còn mở rộng ra các tỉnh phía đông và bắc, đặc biệt tại các tỉnh cạnh kề Thủ đô Ca-bun. Ta-li-ban một lần nữa kêu gọi các nước NATO “chấm dứt hy sinh con em họ trong cuộc chiến tranh không thể giành thắng lợi”.
Thực tế trong cuộc chiến tranh tại Áp-ga-ni-xtan, quân Mỹ và đồng minh NATO không chỉ đối mặt với lực lượng Ta-li-ban mà còn các lực lượng nổi dậy và chống đối khác. Sự kiện mới nhất diễn ra ngày 25-8, khoảng một nghìn người Áp-ga-ni-xtan đã xông vào đốt phá một căn cứ của NATO do quân Tây Ban Nha quản lý tại tỉnh đông-bắc Bát-gít để phản đối quân chiếm đóng bắn chết một cảnh sát địa phương.
Nội bộ liên quân đang nảy sinh bất đồng về chiến lược do Mỹ vạch ra và chỉ huy tại Áp-ga-ni-xtan. Riêng trong năm nay, đã có 500 binh sĩ nước ngoài thiệt mạng. Bộ Ngoại giao Anh ra tuyên bố hoan nghênh chủ trương đàm phán với Ta-li-ban của Tổng thống Ca-dai, đồng thời nhấn mạnh tuyên bố trên của Tổng thống Ca-dai cho thấy nguyện vọng của nhân dân Áp-ga-ni-xtan muốn hòa bình thông qua đàm phán. Tổng thống Ca-dai trong buổi tiếp Tư lệnh Bộ Chỉ huy trung tâm (CENCOM) của Mỹ, Tướng Giêm Mát-tít thăm Ca-bun, khẳng định, cuộc chiến tại Áp-ga-ni-xtan do Mỹ cầm đầu “không đạt tiến bộ nào”. Ông Ca-dai cũng cho rằng, việc Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma tuyên bố bắt đầu rút quân Mỹ khỏi Áp-ga-ni-xtan từ tháng 7-2011 đã phần nào “cổ vũ tinh thần” cho Ta-li-ban.
Ý kiến ()