Mẫu Sơn, mùa mận chín
Chợ nông sản trên đỉnh Mẫu Sơn. Đi bằng ô-tô, từ thành phố Lạng Sơn lên đỉnh Mẫu Sơn phải mất hơn một giờ đồng hồ. Đường quanh co uốn lượn dưới những chân núi bao bọc bởi sương mây, quanh năm nhiệt độ mát lạnh đã làm nên một địa danh du lịch có một không hai của xứ Lạng. Hơn cả thế, Mẫu Sơn còn là quê hương của những đặc sản nổi tiếng đã và đang gây dựng nên những thương hiệu nông sản cho chính nơi này...Xây dựng thương hiệu nông sản Mẫu Sơn thuộc vùng núi cao của hai huyện Cao Lộc và Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Tại nơi cao nhất của Mẫu Sơn, có bốn ngọn núi mang tên núi Cha, núi Mẫu, núi Con và núi Cháu, gắn với một câu chuyện huyền thoại mà ngày nay, đến Mẫu Sơn ai cũng được nghe từ chính những người dân sống nơi đây kể lại. Vùng Mẫu Sơn hiện có hơn mười dòng suối chảy từ khu vực đỉnh núi xuống chung quanh và tất thảy đều chảy vào sông Kỳ Cùng. Nếu ở phía bắc Mẫu Sơn có suối Pắc Đây, Làng...
Chợ nông sản trên đỉnh Mẫu Sơn. |
Xây dựng thương hiệu nông sản
Mẫu Sơn thuộc vùng núi cao của hai huyện Cao Lộc và Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Tại nơi cao nhất của Mẫu Sơn, có bốn ngọn núi mang tên núi Cha, núi Mẫu, núi Con và núi Cháu, gắn với một câu chuyện huyền thoại mà ngày nay, đến Mẫu Sơn ai cũng được nghe từ chính những người dân sống nơi đây kể lại. Vùng Mẫu Sơn hiện có hơn mười dòng suối chảy từ khu vực đỉnh núi xuống chung quanh và tất thảy đều chảy vào sông Kỳ Cùng. Nếu ở phía bắc Mẫu Sơn có suối Pắc Đây, Làng Kim, Co Khuông, Khuổi Phiêng, Khuổi Luông, thì ở phía nam có dòng Khuổi Lầy, Khuổi Tẳng, Khuổi Cấp, Nà Mẫu, Lặp PJạ, Bản Khoai. Mỗi dòng suối đều có vẻ đẹp riêng, là nguồn sống của hàng trăm hộ dân trong vùng. Thứ nước suối nguồn trong vắt, thấm đẫm mối tình oan khuất và bi tráng đã và đang góp phần làm nên sự nổi tiếng của thương hiệu rượu ngon Mẫu Sơn và chất lượng tuyệt hảo của Chè San Tuyết. Chung quanh những vùng nước mát lành quanh năm là sự tốt tươi của các loại cây trái và nhiều nông sản quý giá khác của địa phương. Du khách đến thăm Mẫu Sơn có thể được thưởng thức nhiều hơn sản vật của núi rừng như: gà sáu ngón, mật ong khoái, nấm hương, ếch hương, trà rừng, mận, hồng, đào, măng đắng… Đây là những nông sản do bà con các dân tộc thiểu số trồng trọt, khai thác cung cấp cho thị trường.
Phải vất vả lắm chúng tôi mới theo kịp bước chân thoăn thoắt, đang gùi trên lưng sọt mận chín vừa thu hoạch của một cô gái người Dao để hỏi thăm đường về bản Khuổi Cấp. Biết là du khách, cô gái mời chúng tôi đi cùng đến một thung lũng nhỏ, nơi có khoảng vài chục nóc nhà. Dẫn chúng tôi vào nhà mình, cô gái đổ sọt mận xuống góc sân, nơi đã có nhiều mận chín chất đống, rồi lại thoăn thoắt đôi chân xuống vườn tiếp tục công việc của mình. Gặp A Chử, một chàng trai người Dao nói tiếng Kinh rất giỏi, đang phân loại mận để bán, anh cho biết vào lúc này, Mẫu Sơn đang vào vụ nên rất phong phú nông sản. Anh nói vui, lên Mẫu Sơn nếu chưa tắm nước lá của người Dao, chưa ăn gà sáu ngón, chưa uống rượu Mẫu Sơn và thưởng thức các nông sản đặc biệt khác như hồng không hạt, đào xanh, mận tam hoa thì coi như chưa đến nơi này. Nhà A Chử hiện có hơn 200 gốc mận, năm nay dự kiến cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình anh còn trồng hơn 100 gốc đào đặc sản, giống Mẫu Sơn, cách đây vài năm được Trung tâm Sinh học thực nghiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ khôi phục, hướng dẫn chăm sóc, cho thu nhập hằng năm vài chục triệu đồng nữa. Ngoài cây trái, gia đình anh còn nuôi ba ba, ếch hương, cá suối, lợn rừng, gà sáu ngón nên đời sống kinh tế ngày càng ổn định.
Đến thăm một số hộ gia đình dân tộc Dao trong bản, đâu đâu cũng thấy bà con bàn cách làm kinh tế. Nếu trước đây, tất cả chỉ biết trông chờ vào rừng, thì nay, nhờ sự hỗ trợ về giống, kỹ thuật và tiền vốn của Nhà nước, nhiều gia đình đã trở nên khá giả do biết đầu tư sản xuất, tạo ra những sản phẩm nông sản để bán cho các thương lái từ dưới xuôi lên thu mua. Để khai thác và phát huy thế mạnh sẵn có, Mẫu Sơn đã được tỉnh Lạng Sơn quy hoạch thành Khu nghỉ dưỡng, sinh thái, leo núi thám hiểm và du lịch văn hóa. Toàn khu du lịch có diện tích hơn 20 ha, ở độ cao trung bình từ 800 đến 1.200 m so mặt nước biển, có hệ thống nhà nghỉ, nhà hàng, khách sạn, bãi cắm trại… đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Về mùa đông có những năm nhiệt độ ở Mẫu Sơn xuống tới độ âm và có thể có tuyết rơi, băng giá. Đây cũng chính là sức hấp dẫn có một không hai của nơi này và là dịp thưởng ngoạn tuyệt vời cho khách du lịch. Mùa hè đến cũng là dịp các mặt hàng nông sản của vùng núi cao Xứ Lạng này vào vụ và có mặt trên thị trường. Giá trị kinh tế gắn với giá trị văn hóa truyền thống, thể hiện qua việc phát triển các sản phẩm ẩm thực độc đáo của Lạng Sơn, góp phần ổn định đời sống của đồng bào dân tộc nơi đây.
Vượt khó để phát triển
Tuy nhiên, không phải thiên nhiên đang ưu đãi tất cả cho Mẫu Sơn, chính thiên nhiên cũng đang làm khó cho hơn 700 người dân sống trên đỉnh núi này, nhất là vào những khi thiên tai đe dọa. Khi được hỏi bà con trên này sống chủ yếu bằng nghề gì, anh Đoàn Công Đức, một cán bộ ngành nông nghiệp làm việc ở Mẫu Sơn nói: “Khó khăn lắm anh ạ, phần lớn là dựa vào rừng. Địa phương cũng còn thiếu thốn nhiều, bởi tuy Mẫu Sơn không xa thành phố Lạng Sơn là mấy nhưng khá hiểm trở, đi lại khó khăn do đó điện nước và các nhu yếu phẩm sinh hoạt khác cũng trở thành xa xỉ với bà con dân bản”. Hiện nay, nước sinh hoạt phục vụ dân sinh ở Mẫu Sơn chủ yếu dựa vào nguồn nước tự nhiên, chưa có hệ thống cung cấp nước sạch do Nhà nước đầu tư. Những khi thời tiết thuận lợi, nguồn nước phong phú, người dân có nước dùng, nhưng những khi khô hạn, nước suối cạn kiệt, người dân sống trên vùng núi cao này phải tích trữ để dè sẻn dùng lâu dài. Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh Lạng Sơn Lục Thị Vân chia sẻ, do địa hình phức tạp, khó triển khai các dự án đầu tư nên đến nay, tỉnh chưa có điều kiện để đầu tư công trình cung cấp nước sạch nào tại đây. Hiện, tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc đầu tư xây dựng kinh tế, hạ tầng cơ sở cũng như củng cố các giá trị văn hóa tinh thần cho đời sống người dân. Trên Mẫu Sơn bây giờ đã có trường học, nhà văn hóa, cùng với hàng chục nhà nghỉ, khách sạn. Một số doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nước thiên nhiên, rượu mang tên Mẫu Sơn ra đời và khẳng định là thương hiệu mạnh của thị trường trong nước. Bên cạnh đó, với thế mạnh sẵn có về các sản phẩm nông sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng đã có những chính sách phát triển hiệu quả, một mặt giữ gìn những giá trị kinh tế nông nghiệp sẵn có, mặt khác đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất và kinh doanh nông sản, thực phẩm để thúc đẩy sản xuất, phát triển làng nghề trong các thôn bản đưa nông nghiệp Mẫu Sơn nhanh chóng tiếp cận với thị trường, tạo điều kiện nâng cao thu nhập và mức sống cho đồng bào các dân tộc nơi đây.
Giúp dân làm giàu bằng nghề để họ không sống du cư, tự phát cũng chính là cách bảo vệ rừng và tài nguyên thiên nhiên tại vùng núi cao này. Với tổng diện tích gần 20 nghìn ha, trong đó có hơn 5.380 ha đất lâm nghiệp và 1.543 ha rừng nguyên sinh cùng nhiều loại thực vật quý hiếm, Mẫu Sơn đang có điều kiện để phát triển trang trại trồng cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày kết hợp trồng rừng. Nhờ làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng nên hiện nay, nạn phá rừng và khai thác lâm, khoáng sản trái phép một thời trở thành điểm nóng của địa phương đã chấm dứt. Tại Mẫu Sơn đã hình thành những mảng rừng non được phục hồi sau khai thác. Hơn nữa, nhận thức của cộng đồng các dân tộc trong vùng về bảo vệ và phát triển rừng cũng đã có nhiều thay đổi thông qua công tác tuyên truyền nâng cao dân trí của các dự án, chương trình bảo vệ rừng và đa dạng sinh học.
Mẫu Sơn đang vào vụ thu hoạch mận. Toàn tỉnh Lạng Sơn có hàng nghìn ha mận được trồng tập trung và trồng rải rác ở các hộ gia đình trong thôn bản. Hiện, đã có hơn một nghìn ha mận chín cho thu hoạch, năng suất bình quân 38 đến 40 tạ/ha, tổng sản lượng khoảng 4.200 tấn/năm. Mẫu Sơn thuộc địa phận huyện Cao Lộc và Lộc Bình là những địa phương trồng nhiều mận của tỉnh Lạng Sơn, với diện tích hơn 500 ha. Vài năm trở lại đây, nhờ mận mang lại giá trị kinh tế cao nên nhiều bà con nông dân ở Mẫu Sơn đã mạnh dạn đưa cây mận vào trồng. Năm nay, năng suất mận có cây đạt đến 100 kg, với giá bán buôn từ 10 đến 30 nghìn đồng/kg, tạo nguồn thu hàng chục triệu đồng cho mỗi gia đình.
Những ngày này, khi vào vụ thu hoạch mận, Mẫu Sơn càng trở nên đẹp và quyến rũ hơn. Những chuyến xe chở đầy mận chín, nối đuôi nhau về dưới xuôi. Mùa mận đến, cũng là thời điểm các doanh nghiệp kinh doanh du lịch ở Mẫu Sơn bắt đầu xây dựng các tua mới cho mùa hè. Đây cũng là thời điểm du khách có thể cảm nhận được hết vẻ đẹp kỳ thú và sức sống mới ở Mẫu Sơn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()